Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất chè năm 2012: Nâng cao giá trị gia tăng
17 | 01 | 2012
Mặc dù đứng thứ 5 thế giới về diện tích và sản lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm của nước ta còn nhiều hạn chế đã dẫn đến giá bán và thu nhập của người trồng chè còn thấp.

Chính vì vậy, trong định hướng phát triển sản xuất chè năm 2012, ngành nông nghiệp đã xác định trọng tâm là nâng cao giá trị gia tăng.

 
Nhiều bất cập, yếu kém
 
Theo Bộ NN&PTNT, trong 10 năm qua, mặc dù ngành chè đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về diện tích, năng suất và sản lượng, nhưng vẫn còn tồn tại không ít yếu kém, bất cập. Trước tiên, việc áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) đối với ngành chè đã được triển khai từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn đạt tỷ lệ rất thấp, dưới 10%. Cùng với đó, đời sống của một bộ phận người trồng chè chưa được cải thiện. Hiện cả nước có 436.000 hộ tham gia sản xuất chè với hơn 1 triệu lao động, đa số chỉ đạt thu nhập 18 - 30 triệu đồng/người/năm. Cá biệt, ở Bắc Kạn, người trồng chè chỉ thu nhập được từ 13 - 17 triệu đồng/người/năm nên họ phải sống thêm bằng các ngành nghề khác.
 
Ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, do chúng ta không có chiến lược phát triển ngành chè hợp lý, thiếu quy hoạch đồng bộ giữa phát triển vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến nên các nhà máy được cấp phép xây dựng tràn lan, chồng chéo, lấn át nhau. Có những địa phương trên cùng một xã có tới 11 nhà máy chế biến. Nhiều nhà máy chế biến có dây chuyền công nghệ lạc hậu, chắp vá, công suất chỉ đạt dưới 10 tấn/ngày.
 
Ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam cho biết thêm, với hơn 450 cơ sở chế biến, năng lực chế biến gần 1,5 triệu tấn búp tươi/năm nhưng do thiếu nguyên liệu nên các nhà máy chỉ chế biến được khoảng 600.000 tấn búp tươi, bằng 40% công suất. Hiện tượng tranh mua nguyên liệu bằng mọi giá bất chấp tiêu chuẩn, đã ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, chè Việt Nam xuất khẩu ra thế giới chủ yếu là chè rời, còn chè có nhãn mác, bao gói rất hạn chế nên giá bán chỉ bằng 60% giá chè bình quân của thế giới. Điều này đã gây tổn hại cho chính các doanh nghiệp chè nói riêng và ngành chè nói chung.
 
Nâng cao chất lượng
 
Theo mục tiêu đặt ra của Bộ NN&PTNT, trong vòng 5 năm tới, ngành chè phải duy trì được diện tích ổn định ở mức 130.000ha, tăng trưởng sản lượng đạt 6%/năm, kim ngạch xuất khẩu tăng ít nhất 2 lần so với hiện nay. Kế hoạch năm 2012, xuất khẩu chè đạt 135.000 tấn, giá trị 220 triệu USD. Đến năm 2015, sản lượng chè búp tươi đạt 1,2 triệu tấn, sản lượng chè búp khô đạt 260.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 440 triệu USD, giá xuất khẩu bằng với giá bình quân của thế giới (2.200 USD/tấn).
 
Để đạt được những mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp cũng như người trồng chè nâng cao nhận thức, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong sản xuất. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành chè cần căn cứ vào nhu cầu thị trường để nhanh chóng tái cơ cấu và đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, tập trung đầu tư, nâng cấp các nhà máy chế biến theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tiếp tục phân chia vùng nguyên liệu, tổ chức lại sản xuất theo hướng gắn kết chặt chẽ giữa người trồng chè với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho người làm chè.
Năm 2011, mặc dù diện tích chè cả nước giảm 2,8% so với năm 2010 song sản lượng thu hoạch vẫn đạt 888.600 tấn, tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 198 triệu USD. Sản phẩm chè của nước ta đã xuất khẩu tới 110 quốc gia và khu vực trên thế giới, trong đó 3 thị trường chính là Pakistan, Nga, Trung Quốc.


Theo KTDT
Báo cáo phân tích thị trường