Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hấp lực nông nghiệp công nghệ cao TP HCM
31 | 07 | 2009
TP.HCM là một trong những “cái nôi” nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) của cả nước nên những năm gần đây thu hút rất nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu ở phía Bắc, NNCNC bị xem là nặng “trình diễn” thì TP.HCM bước đầu phát huy hiệu quả…

Nhà đầu tư đổ về khu NNCNC

Theo kế hoạch đến tháng 9, khu NNCNC TP.HCM sẽ hoàn thành giai đoạn 1 và bắt đầu chính thức đi vào hoạt động. Khu NNCNC nằm ở phía Tây Bắc TP.HCM, thuộc huyện Củ Chi, có tổng diện tích 88,17 ha. Có mặt tại khu NNCNC thời điểm này, chúng tôi chứng kiến những khu nhà lưới, nhà kính (nhà màng) hoành tráng vừa mọc lên; đồng thời các khu nhà mới cũng đang được các nhà đầu tư khẩn trương lắp ráp, các hệ thống đường điện, giao thông “nội đồng” được gấp rút hoàn thành để sớm đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, những khu đất trồng các loại rau, củ, quả thử nghiệm bằng công nghệ cao của các đơn vị đầu tư đều đang phát triển tốt.

Theo hướng dẫn của cán bộ BQL Khu NNCNC TP.HCM, chúng tôi đến ghi nhận tại những điểm trồng các loại rau, ớt, cà, dưa… đang cho thu hoạch của một số đơn vị được ưu tiên giải quyết sớm cho vào khu NNCNC. Những vườn rau, cà, ớt mọc thẳng tắp được đầu tư trồng rất bài bản, đẹp như những mô hình trình diễn thực thụ. Ông Huỳnh Đoàn Thông, GĐ Cty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong hào hứng khoe: “Chúng tôi hiện đang triển khai trồng thử nghiệm khổ qua, dưa leo, ớt, cà tím... Đến nay đã thu hoạch vụ thứ 2 và cho năng suất khá cao (tăng 150%), vì áp dụng theo quy trình công nghệ cao nên cả sản lượng và chất lượng sản phẩm đều đạt, nhất là khi đưa ra thị trường tiêu thụ bán khá chạy!”. Theo ông Thông, Cty đang thực hiện dự án sản xuất hạt giống rau F1 tại khu NNCNC với tổng vốn đầu tư trên 9 tỷ đồng. Cty cũng đang hợp tác với Trung tâm NNCNC để sản xuất hạt giống ớt trong nhà kính, đồng thời sẽ đi vào nghiên cứu sản xuất tất cả các loại giống rau CLC nhằm phục vụ cho người dân khắp nơi canh tác đạt hiệu quả cao nhất.

Đi đầu trong việc mạnh dạn đầu tư là Cty cổ phần Phát triển và đầu tư Nhiệt Đới với dự án nghiên cứu và lai tạo các giống rau ăn lá và ăn quả trên diện tích thuê lên đến 20ha theo quy trình công nghệ cao trong nhà lưới. Song song với việc thực hiện các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư và thuê đất, công ty này đã kiến nghị TP được vào đầu tư sản xuất trước. Được BQL tạm giao đất, hiện công ty đang xây dựng nhà kín đồng thời trồng các giống cây ngắn ngày như rau ăn lá, mướp, bí đao, dưa leo, cà chua… lấy hạt làm giống, cung cấp giống cây chất lượng cao cho TPHCM, các tỉnh phía Nam, kể cả một số tỉnh phía Bắc. Thực tế này đã phá tan sự lo lắng, hoài nghi của không ít người về việc Khu NNCNC khó thu hút được nhà đầu tư. Theo bà Hồng, PGĐ Cty, hiện một số loại sản phẩm rau của công ty đang được tiến hành trồng thử nghiệm với quy trình chăm sóc hoàn toàn tự động từ khâu bơm, tưới nước, bón phân, quản lý độ ẩm, chiếu sáng… Ngoài ra, công ty còn ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao trong nông nghiệp.

Làm nông nghiệp kiểu... Israel

Đưa chúng tôi đến tham quan khu nhà trồng các loại hoa lan và rau dưa (khoảng hơn 2 ha) do BQL khu NNCNC nghiên cứu trồng thử nghiệm, TS. Nguyễn Hữu Nhượng (Phó ban QL khu NNCNC TPHCM) cho biết: “Hiện nay nhiều loại giống lan mới, quý hiếm đang được chúng tôi nghiên cứu thực hiện công nghệ nhân giống bằng phương pháp cấy mô thực vật. Đồng thời xây dựng cả những khu sưu tập và bảo tồn nguồn gen lan rừng quý hiếm, với những giống lan có thể chưa một nơi nào sở hữu như giống Christensonia Vietnamica (có tên Việt Nam là Khiết Sơn VN) nhằm phục vụ du khách tham quan…!”. Cho đến nay những khu trồng lan vẫn đang tiếp tục được xây dựng mở rộng để phục vụ công tác nghiên cứu và nhân giống theo công nghệ cao.

Theo BQL khu NNCNC TP.HCM, đến nay có 10/24 nhà đầu tư đăng ký thuê mặt bằng ở khu NNCNC để sản xuất đã được phê duyệt và đang chờ cấp phép đầu tư. Mặc dù đang hoàn thành giai đoạn 1 kết cấu hạ tầng, nhưng đã có nhiều nhà đầu tư muốn đăng ký. Tuy nhiên, đến nay đã lấp kín hết quỹ đất trong toàn khu. Hiện BQL đã xem xét và thông qua dự án của các nhà đầu tư đăng ký thuê 28ha/56ha đất đã quy hoạch xây dựng nhà xưởng.

Bên cạnh đó là mô hình sản xuất các loại rau ăn lá và ăn quả theo hướng công nghệ cao. Theo ông Nhượng, những khu nhà màng này hiện đang thử nghiệm trồng các loại rau dưa leo, ớt… hoàn toàn bằng quy trình tự động áp dụng theo công nghệ Israel. Các loại rau muống, cải xanh, xà lách được trồng trên giá thể trong nhà màng có hệ thống tưới bón nhỏ giọt tự động. Qua kết quả bước đầu ghi nhận, đã rút ngắn được thời gian canh tác từ 5-7 ngày so với rau trồng trong điều kiện bình thường, đặc biệt hơn là không sử dụng thuốc BVTV, kể cả thuốc sinh học hay các loại hoá chất khác nên đảm bảo chất lượng rau sạch và giúp người trồng giảm được chi phí sản xuất.

TS. Nguyễn Hải An, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NNCNC TP.HCM tâm sự: “Qua thời gian nghiên cứu trồng thử nghiệm một số loại rau trong điều kiện công nghệ cao đã cho kết quả sản phẩm đạt chất lượng tốt. Đồng thời, năng suất và sản lượng cũng đạt khá cao so với điều kiện trồng bên ngoài của người dân. Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện quy trình phù hợp với những điều kiện canh tác khác nhau và chuyển giao cho người dân ứng dụng…”.

Tuy nhiên, theo TS. An thực tế các loại sản phẩm công nghệ cao hiện nay khi đưa ra thị trường bán với giá cao (như dưa leo khoảng 10.000đ/kg; cà chua 15.000đ/kg) thì vẫn rất khó cạnh tranh được với các loại rau thường giá rẻ. Vì thế số lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế, nguyên nhân do ranh giới giữa sản phẩm rau an toàn (CLC) và rau thường vẫn còn rất mong manh. Do vậy, Nhà nước cần phải có chính sách trợ giá bước đầu cho các sản phẩm công nghệ cao thì mới đảm bảo được lợi ích cho nhà đầu tư. Đồng thời phải tiến hành xây dựng các chính sách đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư vào làm ăn.



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường