Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đường không thiếu nhưng giá khó lường
03 | 12 | 2009
Biến động giá USD, xăng dầu khiến nhiều mặt hàng khác tăng giá chứ không riêng gì đường.

Dịp cuối năm giá đường bán lẻ trên thị trường vọt lên mức 19.000-20.000 đồng/kg, còn giá bán buôn cũng tăng 1.000 đồng từ 15.500 đồng/kg lên 16.500 đồng/kg. Có thể nói giá đường trong nước lập mức kỷ lục trong nhiều năm qua đã ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, khẳng định từ đây đến cuối năm sẽ không thiếu đường nhưng dự báo giá thì lại quá khó.

Đường trong nước vẫn đủ cung nhưng giá vẫn đang lên cao. (Ảnh chụp tại chợ Bình Tây, TP.HCM). Ảnh: HTD

Giá đường ngoại làm ảnh hưởng đường nội

. Nguyên nhân nào khiến giá đường tăng cao, thưa ông?

+ Phải khẳng định lại là hiện sản lượng đường do các nhà máy sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp lẫn tiêu dùng từ đây đến cuối năm. Tuy nhiên, việc giá USD thời gian qua tăng, giá xăng dầu tăng... đã khiến đường tăng giá cao. Biến động của đồng đôla, xăng dầu khiến nhiều mặt hàng khác tăng giá chứ không riêng gì đường. Ngoài ra, giá đường thế giới lên tới 620 USD/tấn cũng góp phần đẩy giá đường trong nước tăng lên.

. Cuối năm nhu cầu sử dụng đường của doanh nghiệp cũng như người dân tăng cao. Liệu đường tăng giá xuất phát từ yếu tố đầu cơ, hạn chế nguồn cung để đẩy giá lên?

+ Yếu tố đầu cơ để đẩy giá tại thời điểm này e là khó bởi hàng loạt nhà máy đường trên cả nước đã bước vào sản xuất với sản lượng 4.000 tấn/ngày. Thêm nữa hiện phần lớn vốn sản xuất doanh nghiệp đi vay ngân hàng. Với lãi suất tăng cao như hiện nay không ai dại gì đem chôn vốn mua đường dự trữ bởi lợi nhuận thu được sẽ không theo kịp lãi suất đi vay.

Khó kiểm soát giá

. Theo ông, giá đường tăng cao trong một thời gian dài như vừa qua thì ai hưởng lợi nhiều nhất: doanh nghiệp sản xuất đường, giới thương lái hay người trồng mía?

+ Tôi có thể khẳng định giá đường như thời điểm hiện tại là hợp lý với chi phí mà doanh nghiệp, người trồng mía bỏ ra. Giờ mình thấy cao do mấy năm trước giá đường quá thấp khiến cả người trồng mía và doanh nghiệp sản xuất đều chịu thiệt. Cho nên giá đường cao thì nông dân được lợi để yên tâm sản xuất.

. Ở Thái Lan, khi thị trường có biểu hiện đầu cơ đẩy giá tăng cao, Chính phủ có biện pháp chặn đứng bằng cách kiểm tra kho của các nhà máy đường. Nếu phát hiện nhà máy đầu cơ sẽ phạt nặng. Ngoài ra, các cửa hàng bị phát hiện bán lẻ quá giá nhà nước quy định sẽ bị phạt bảy năm tù và 3.500 USD; nếu có đường mà không bán cho khách hàng thì bị phạt năm năm tù và 2.500 USD. Vậy nước ta có thể áp dụng biện pháp tương tự để kìm hãm giá đường trong tình trạng sốt giá?

+ Do có sản lượng mía đường cực lớn nên Thái Lan có bộ luật riêng về mía đường. Theo đó, giá mía đường do nhà nước quyết định. Thái Lan quy định giá mía đường rất cao để làm sao doanh nghiệp sản xuất và nông dân đều có lợi. Trong trường hợp biến động giá thì nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân. Còn ở Việt Nam, Chính phủ chưa quyết định được giá mía đường. Doanh nghiệp sản xuất đường phải tự bươn chải chứ không được hỗ trợ gì. Việc đưa ra sản lượng bao nhiêu là do doanh nghiệp tự cân đối dựa theo thị trường. Khi chưa có chính sách hỗ trợ thì rất khó can thiệp.

Không ai dám nhập đường lúc này

. Vừa qua, Bộ Công thương đã đồng ý cho nhập thêm 10.000 tấn đường. Vậy doanh nghiệp đã nhập về hay chưa, thưa ông?

+ Hiện 10.000 tấn đường vẫn chưa được doanh nghiệp nhập về. Chưa kể tới 27.000 tấn đường trong tổng số hạn ngạch khoảng 100.000 tấn được phép nhập khẩu năm 2009 cũng chưa được đưa về. Lý do giá đường thế giới tăng cao nên việc nhập khẩu đường sẽ không có lợi bằng mua trong nước.

. Vậy giá đường từ đây đến cuối năm 2009 liệu có giảm?

+ Rất khó để trả lời câu hỏi này bởi giá đường còn phụ thuộc vào nhiều thứ như tỉ giá, giá xăng dầu, biến động của giá đường thế giới. Tôi chỉ dám khẳng định từ đây đến cuối năm lượng đường sẽ dồi dào.

. Xin cảm ơn ông.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước - Bộ Công thương:

Năm 2010 sẽ nhập 64 ngàn tấn

Giá đường tăng cao là do nguyên liệu mía lên cao nhất từ trước đến nay. Trước đây, giá một tấn mía là 300.000 đồng đã có lãi rồi, nay tăng lên 900.000 đồng/tấn thì giá đường tăng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, giá đường thế giới cũng đang tăng cao nên khả năng nhập về là rất khó bởi không có lãi.

Để hạn chế việc giá đường tăng bất hợp lý, hiện Bộ Công thương giao cho Cục Quản lý thị trường tăng cường thanh kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết, trong đó có mặt hàng đường. Nội dung thanh tra là xem các đơn vị kinh doanh có niêm yết giá bán hay không, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm, như yêu cầu phải niêm yết giá bán, phối hợp với cơ quan quản lý giá tịch thu lợi nhuận bất hợp lý.

Tuần tới, Bộ Công thương sẽ họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hiệp hội Mía đường Việt Nam để tìm ra các giải pháp xử lý việc giá đường tăng cao và xây dựng hạn ngạch cho năm 2010. Theo quy định, mỗi năm hạn ngạch sẽ tăng thêm 5%. Như vậy năm 2010, Việt Nam sẽ nhập về khoảng 64 ngàn tấn đường.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường