Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cung đường: đang dần chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt
16 | 03 | 2009
Cung đường thế giới đang dần chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt. Bởi mía không chỉ được dùng để sản xuất đường mà còn dùng sản xuất ethanol – nhiên liệu thay thế xăng dầu.

Theo Trung tâm thông tin thương mại – Bộ Công thương, thị trường đường thế giới năm 2008 và dự báo năm 2009, giá đường tăng mạnh trong hai tháng 3 và 8.

Giai đoạn 1: Giá tăng 50% trong 2 tháng đầu năm 2008

Chỉ trong 2 tháng đầu năm, giá đường tăng 50% chủ yếu do giá dầu mỏ tăng mạnh và lượng mía dùng sản xuất ethanol từ đó cũng tăng theo. Ngày 7/3, đường đã tăng tới mức giá cao nhất của 19 tháng, đạt 15,21 US cent/lb (đường thô tại thị trường New York, Mỹ), so với chỉ 10,73 US cent/lb hồi đầu năm.

Nguyên nhân đầu tiên đẩy giá đường tăng chóng mặt như vậy là do sự mua ồ ạt của các quỹ hàng hoá và các nhà đầu cơ khi nhận thấy giá đường thấp hơn so với giá các hàng hoá khác trên thị trường như ngô và lúa mỳ. Các quỹ đầu tư tin rằng đường sẽ là một trong số các mặt hàng nóng trong năm 2008, và các quỹ sẽ tiếp tục điều khiển giá đường toàn cầu trong tương lai ngắn và trung hạn.

Nguyên nhân thứ 2 là việc nguồn cung đường không cao như dự kiến bởi giá dầu mỏ tăng mạnh, khiến các nhà sản xuất gia tăng tỷ lệ mía sử dụng làm nguyên liệu ethanol – nhiên liệu sinh học – và giảm tỷ lệ mía dùng trong sản xuất đường, đặc biệt là ở Braxin, nước sản xuất đường và ethanol lớn nhất thế giới. Dầu thô đã lên tới đỉnh cao từ trước tới nay, 103 USD/thùng.

Giai đoạn 2: Giá giảm 25% trong vòng 2,5 tháng

Do nguyên liệu sản xuất đường là những giống cây ngắn ngày, nên nguồn cung đường dễ dàng tăng lên khi giá giảm. Từ mức 15,21 US cent/lb đầu tháng 3, giá đường giảm nhanh xuống 11,34 US cent vào cuối tháng 5.

Nhìn lại năm 2007, giá đường đã giảm nhanh khỏi mức cao nhất của 20 năm đạt được vào đầu năm 2006 – 19 US cent/lb, xuống khoảng 9 US cent vào giữa năm 2007, chủ yếu do sản lượng tăng ở Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Braxin.

Giai đoạn 3: Giá hồi phục trở lại trên 15 US cent/lb

Giá đường thế giới tăng mạnh trở lại trong tháng 8/2008, với đường thô hồi phục lên mức 15,01 US cent/lb, trong khi đường trắng tăng lên 410 USD/tấn vào cuối tháng 8. Giá dầu mỏ tăng lên kỷ lục cao mới khiến nhu cầu ethanol - loại nhiên liệu làm từ mía – tăng mạnh trên thị trường thế giới.

Sản lượng dự báo sẽ giảm ở hầu hết các nước sản xuất đường lớn trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan và Trung Quốc, trong khi việc nước sản xuất đường lớn nhất thế giới cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn hậu thuẫn giá đường.

Hãng tư vấn F.O. Licht dự báo niên vụ 2008/09 có thể sẽ là vụ đầu tiên sản lượng đường thế giới sẽ giảm sau 4 năm liên tiếp tăng, trong khi, nhu cầu đường vẫn tiếp tục tăng. Jonathan Kingsman, chủ tịch hãng phân tích thị trường Kingsman SA of Lausanne của Thuỵ Sỹ ước tính tiêu thụ đường thế giới năm 2008 (bắt đầu từ ngày 1/10) cao hơn ít nhất 1 triệu tấn so với sản lượng.

Còn hãng Czarnikow Group Ltd. ở London thì dự báo nhu cầu sẽ cao hơn cung ít nhất 3,3 triệu tấn trong vụ tới, sau khi dư thừa tới 11 triệu tấn trong niên vụ 2007/08.

Theo Czarnikov, niên vụ 2008/09 thế giới sẽ chỉ sản xuất được 164,1 triệu tấn đường, giảm 8 triệu tấn, trong khi tiêu thụ lại ước tăng từ 161,6 triệu tấn lên 166,4 triệu tấn. Sản lượng đường toàn cầu giảm chủ yếu là do những thay đổi đang diễn ra trong ngành đường Ấn Độ và châu Âu, hai nơi sản xuất đường chủ chốt thế giới. Sản lượng của hai nước này dự báo sẽ giảm sút.

Giai đoạn 4: Giá giảm 27% trong 4 tháng cuối năm

Giá đường thế giới giảm mạnh trong những tháng cuối năm theo xu hướng giá dầu mỏ. Đường đã giảm giá xuống mức thấp nhất trong một năm vào những ngày cuối năm 2008 do lo ngại khủng hoảng kinh tế kéo tụt nhu cầu các loại hàng hoá, kể cả xăng dầu.

Trong bối cảnh giá giảm mạnh, chính phủ Trung Quốc và chính quyền các cấp địa phương nước này đã triển khai xây dựng hệ thống kho dự trữ đường nhằm giữ giá đường ổn định từ 3.000-4.000 NDT (từ 435-580 USD)/tấn. Đầu tháng 12, giá đường tại Quảng Tây và Vân Nam, hai địa phương sản xuất đường chủ yếu của Trung Quốc, đã giảm xuống dưới 3.000 NDT/tấn.

Nhằm đối phó với tình trạng đường rớt giá ảnh hưởng tới người trồng mía, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã kêu gọi nông dân trồng mía chủ động tìm giải pháp tiêu thụ mía bao gồm cả việc làm rượu mía nhằm đối phó với nguy cơ thừa mía nguyên liệu, khuyến cáo nông dân thận trọng trong việc mở rộng diện tích trồng mía và thường xuyên quan tâm đến giá cả mía đường trên thị trường.

Ấn Độ đã nổi lên thành nước xuất khẩu đường thô lớn, cạnh tranh với Braxin, nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới. Ấn Độ còn là nước tiêu thụ đường lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ luôn là yếu tố khó lường trên thị trường đường trong niên vụ 2007/08. Sản lượng đường Ấn Độ vụ 2007/08 không cao như dự báo ban đầu, chỉ đạt 26,7-26,8 triệu tấn, giảm so với 30 triệu tấn dự báo ban đầu.

Sản lượng đường của Ấn Độ trong vụ bắt đầu từ 1/10/2008 dự kiến sẽ giảm 25% so với mức 26-27 triệu tấn niên vụ trước xuống còn 20 triệu tấn. Giá đường thấp đúng vào vụ gieo trồng khiến nông dân chuyển nhiều diện tích trồng mía sang trồng những loại cây khác và lượng mưa ít hơn mức bình thường, khiến xuất khẩu trong niên vụ này dự kiến giảm khoảng 15%.

Cho dù hiện tại thị trường đang dư cung đường, nhưng nền tảng đang được cải thiện. Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) dự báo giá đường thế giới sẽ ở trong khoảng 9 - 12 US cent/lb trong 8-12 tháng tới, so với mức 10 -15 US cent/lb của mấy tháng qua, trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục bán tháo hàng ra, song sản lượng đường giảm nên thị trường vẫn thiếu cung.

Giám đốc điều hành của ISO, Peter Baron, cho rằng các yếu tố cung - cầu trên thị trường vẫn hỗ trợ cho giá đường, khi mà lần đầu tiên kể từ 3 năm 2008, thế giới thiếu hụt khoảng 3,6 triệu tấn trong niên vụ 2008/09, và lượng thiếu hụt sẽ tăng lên 5-6 triệu tấn trong niên vụ tới (kết thúc vào tháng 9/2010). Thiếu cung có thể đẩy giá đường tăng lên 17 US cent/lb vào năm 2010.

Cung đường thế giới đang dần chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt. Bởi mía không chỉ được dùng để sản xuất đường mà còn dùng sản xuất ethanol – nhiên liệu thay thế xăng dầu. Do vậy, khi giá đường giảm, người ta chuyển hướng sang tăng cường sản xuất ethanol và giảm sản xuất đường.

Cũng vì vậy, đường có mối liên hệ chặt chẽ với dầu mỏ, nên khi giá dầu tăng lập tức giá đường tăng theo. Tuy nhiên, dù sản lượng đường thế giới vụ 2008/09 có thể sẽ thấp hơn nhu cầu, nhưng ảnh hưởng của nó đến thị trường sẽ bị hạn chế do khối lượng dư thừa cung lớn của 2 vụ trước.




Nguồn: CafeF
Báo cáo phân tích thị trường