Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Niên vụ mía đường 2007-2008: Vẫn lặp lại “vết xe” cũ
17 | 10 | 2007
Dường như đi ngược lại quy luật, trong khi các mặt hàng “anh em” khác đua nhau tăng giá từng ngày thì giá đường lại giảm. Nguyên nhân là do cung vượt cầu và sự “tấn công” ồ ạt của đường nhập lậu từ Thái Lan. Vấn đề này đã xảy ra từ nhiều năm trước nhưng rất tiếc cho đến lúc này, các nhà quản lý vẫn chưa tìm ra được một giải pháp căn cơ để gỡ rối cho ngành mía đường.

Đường nội, đường ngoại: cạnh tranh sát giá

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ 2007-2008, cả nước có 37 nhà máy đường đang hoạt động, tổng công suất chế biến 96.300 tấn mía/ngày. Sản lượng chế biến cả vụ sẽ đạt khoảng 13,8 triệu tấn mía, tương đương 1,42 triệu tấn đường. Trên thế giới, niên vụ 2007-2008, sản lượng đường cũng đạt con số kỷ lục từ trước đến nay, khoảng 169 triệu tấn (niên vụ trước là 167 triệu tấn). Do cung vượt cầu, nên giá đường thế giới đã giảm từ giữa năm 2006 đến nay.

Tại TP.Cần Thơ, giá nhiều loại đường cát tiểu thương lấy vào đã giảm khoảng 200-500 đồng/kg so với hơn một tuần trước. Cụ thể, giá đường RS của Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) mua vào ở mức 7.000 đồng/kg, còn đường Thái Lan nhập lậu mua vào 6.900 đồng/kg. Giá đường lấy vào giảm, tiểu thương tại nhiều chợ cũng đã điều chỉnh giá bán lẻ nhiều loại đường cát từ mức trên 8.000 đồng/kg xuống còn 7.500-8.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán buôn đường RS của nhiều nhà máy đường khác tại ĐBSCL ở mức 6.650-6.800 đồng/kg; đường cát Thái Lan (loại hạt nhuyễn) tại các tỉnh gần biên giới Campuchia ở mức 6.600 đồng/kg.

Khoảng 2 tháng trước, nhiều nhà máy đường ở ĐBSCL ngưng sản xuất do hết vụ mía. Nguồn cung đường trong nước giảm, đường Thái Lan nhập lậu tràn về Cần Thơ với số lượng tương đối lớn nên giá vẫn bình ổn do thị trường không bị thiếu hụt. Vì vậy, dù các nhà máy đường tại khu vực ĐBSCL mới đi vào hoạt động sản xuất niên vụ mới nhưng nguồn cung đường cát trên thị trường có dấu hiệu khủng hoảng thừa. Nhiều tiểu thương tại TP. Cần Thơ cho biết, nguồn hàng đang dồi dào, tiểu thương muốn lấy đường Thái Lan và đường Casuco bao nhiêu cũng có hàng. Có khả năng giá đường sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới. Mặt khác, hiện giá đường Thái Lan nhập lậu cũng còn thấp hơn giá đường sản xuất trong nước. Do đó, để hạn chế đường Thái Lan nhập lậu ồ ạt về thị trường ĐBSCL, các công ty đường trong nước sẽ phải tiếp tục điều chỉnh hạ giá bán sản phẩm, cũng đồng nghĩa với việc giảm giá thu mua mía nguyên liệu. Đây là điều nông dân lo lắng khi mà nguồn cung mía nguyên liệu tại ĐBSCL đang có dấu hiệu vượt so với công suất của các nhà máy. Theo cam kết lộ trình gia nhập AFTA, thuế xuất nhập khẩu giảm từ 30% năm 2007 xuống 20% năm 2008 với cả 2 mặt hàng đường tinh luyện và đường thô. Vì vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, AFTA và WTO sẽ trở thành mối đe dọa thật sự nếu giá đường thế giới, nhất là ở Thái Lan tiếp tục giảm xuống bằng hoặc thấp hơn giá đường giữa tháng 9.

Cần bình ổn giá đường

Theo ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, song song với công tác chống buôn lậu, phải giữ được giá đường ổn định, phù hợp tương đối với giá cả thị trường thế giới. Đặc thù của ngành mía đường Việt Nam cũng như thế giới là hàng năm sản xuất chỉ 5-6 tháng nhưng sản phẩm được thị trường tiêu dùng cả năm nên phải có biện pháp tạm trữ đường để điều hòa tiêu dùng cả năm! Cân đối lượng đường sản xuất và tiêu dùng, trong tương lai, cung có thể lớn hơn cầu nên giải pháp xuất khẩu đường phải được tính tới.

Trong vụ mía năm nay, nông dân ĐBSCL trồng được khoảng 62.000ha mía, giảm hơn 1.000ha so vụ trước. Tuy nhiên, nếu so với năm 2004 thì diện tích trồng mía đã tăng hơn 5.000ha. Diện tích trồng mía của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung tăng nhanh trong những năm qua, trong khi đó số nhà máy đường lại giảm, tình trạng khó khăn trong tiêu thụ đường cũng làm các nhà máy càng dè dặt hơn trong thu mua nguyên liệu. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Casuco, nhận định: "Hiện nay, do nhu cầu mua mía nguyên tăng nên giá mía tăng. Một số nông hộ thấy giá tăng có ý giữ mía lại để bán được giá cao hơn, chính điều này đã làm cho giá mía càng tăng thêm. Tuy nhiên, theo nhận định của chúng tôi, năm nay sản lượng đường thế giới tăng, đường Thái Lan nhập lậu vẫn chưa được ngăn chặn, nên có thể giá đường sẽ tiếp tục giảm". Bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát cũng cho rằng: “Giá đường rất khó tăng trong thời gian tới. Trong khi giá đường có chiều hướng giảm, thì giá mía vẫn trong tình cảnh bấp bênh, khó lường”.

Trong xu thế hội nhập kinh tế thế giới, các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước sẽ được gỡ bỏ dần. Đã đến lúc ngành mía đường phải nhìn nhận lại sức cạnh tranh của chính mình để trên cơ sở đó liên kết phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu có trách nhiệm hơn đối với nông dân. Ngành nông nghiệp cũng cần tính đến kế hoạch hướng dẫn nông dân chuyển đổi diện tích mía dư thừa sang cây trồng khác. Ngành công nghiệp chế biến cũng cần có kế hoạch hỗ trợ ngành đường xuất khẩu đường gián tiếp qua sản phẩm chế biến. Nông dân trồng mía ăn nên làm ra khi và chỉ khi đầu ra của sản phẩm đường được thuận buồm xuôi gió.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường