Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trong “cơn bão” tăng giá: Giá đường lại giảm - vì sao?
12 | 10 | 2007
Trong khi hàng loạt mặt hàng tăng giá, thậm chí tăng mạnh, trong đó bao gồm hầu hết các sản phẩm nông nghiệp như sữa, gạo, cà phê, bắp, khoai mì, hồ tiêu… thì giá đường trong nước lại giảm. Vì sao lại có sự trái chiều này?

Cung vượt cầu, nhưng diễn biến khó lường

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (MĐVN), niên vụ sản xuất và chế biến 2007-2008, có thêm Nhà máy Đường (NMĐ) Long Mỹ Phát đi vào hoạt động, nâng tổng số NMĐ cả nước lên con số 37 với tổng công suất chế biến là 96.300 tấn mía/ngày. Sản lượng chế biến cả vụ sẽ đạt khoảng 13,8 triệu tấn mía, tương đương 1,42 triệu tấn đường (trong đó có 1 triệu tấn đường chế biến thủ công), cao hơn vụ trước 1,4 triệu tấn mía và 162.000 tấn đường, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nhưng, với thế giới, niên vụ 2007-2008, sản lượng đường đạt con số kỷ lục từ trước đến nay, khoảng 169 triệu tấn (niên vụ trước là 167 triệu tấn). Trong đó, sản lượng đường của Thái Lan tăng mạnh (78,6 triệu tấn), nhất là Ấn Độ có thể vượt qua Brazil (32,85 triệu tấn), trở thành nước có sản lượng đường lớn nhất thế giới với 33 triệu tấn. Vì vậy, Tổ chức Đường thế giới (ISO) dự báo, lượng cung (đường) trên thế giới sẽ vượt cầu khoảng 10,8 triệu tấn (niên vụ kết thúc vào tháng 9-2008).

Thật ra, do cung vượt cầu, nên giá đường thế giới đã giảm từ giữa năm 2006 đến nay, sau khi tăng lên mức cao nhất vào tháng 5-2006 là 487 USD/tấn (loại đường trắng), đã giảm xuống còn 334 USD/tấn vào tháng 9-2006. Từ tháng 10-2006 đến nay, giá đường diễn biến khó lường, chỉ vài ngày tăng giảm 20-30 USD/tấn, nhưng theo hướng giảm. Đến giữa tháng 9 chỉ còn 265USD-270USD/tấn (tại London) và 268 USD/tấn (tại Thái Lan). Dù dự báo giá đường sẽ ở mức thấp trong thời gian dài và Ấn Độ điều chỉnh kế hoạch, giảm chế biến đường để chuyển qua sản xuất etanol, nhưng diễn biến giá đường trên thế giới bất ngờ tăng lên 281,6USD/tấn (tại London) vào cuối tháng 9, nên diễn biến thật khó lường.

Nhiều đối thủ cạnh tranh

Theo cam kết lộ trình gia nhập AFTA, thuế xuất nhập khẩu giảm từ 30% năm 2007 xuống 20% năm 2008 với cả 2 mặt hàng đường tinh luyện và đường thô (với WTO, năm 2008 VN sẽ mở cửa nhập khẩu với hạn ngạch tăng thêm 5% so với con số 55.000 tấn trước đó với thuế suất là 60% và 25%). Vì vậy, Hiệp hội MĐVN cho rằng, đường AFTA và WTO sẽ trở thành mối đe dọa thật sự nếu giá đường thế giới, nhất là ở Thái Lan tiếp tục giảm xuống bằng hoặc thấp hơn giá đường giữa tháng 9. Nhưng, Vụ phó Vụ Chính sách Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho rằng, cơ bản là ngành đường trong nước chưa có tính hội nhập cao (như mặt hàng thép, xăng dầu…), nhịp điều cung cầu chưa gắn với thế giới, giá đầu vụ thường cao hơn cuối vụ, còn ở các nước thì ngược lại. Trong khi đó, các NMĐ đều lo ngại đường nhập lậu.

Do giá thành đường vẫn còn cao, các nước như Thái Lan, Trung Quốc chỉ 8 mía/1 đường, trong khi ở VN bình quân 10 mía/1 đường, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn cao hơn mức bình quân này. Vì vậy, mong muốn chính quyền cần mạnh tay hơn trong việc ngăn chặn, nhưng Tổng Giám đốc NMĐ Long Mỹ Phát (Hậu Giang) cho rằng, trách nhiệm này không chỉ thuộc về chính quyền vì tình trạng các đại lý sử dụng hóa đơn bán lẻ (nhiều lần) của các NMĐ để hợp thức hóa đường nhập lậu là thực tế đang diễn ra ở ĐBSCL. Dù không trực tiếp, nhưng nếu các NMĐ không có biện pháp khắc phục cũng là hình thức tiếp tay cho đường lậu tràn vào.

Chính các NMĐ còn cạnh tranh nhau về vùng nguyên liệu, tình trạng tranh mua mía và tranh bán đường, nhất là khi giá đường trên thị trường giảm. Nói như ông Võ Thành Đàng, Chủ tịch Hiệp hội MĐVN, 37 NMĐ vừa chế biến vừa là đầu mối kinh doanh, nếu đồng loạt bán hàng trong bối cảnh giá đường đang giảm sẽ tác động xấu đến thị trường, ảnh hưởng đến lợi nhuận của NMĐ và người trồng mía. Vì vậy, nên thành lập công ty cổ phần thương mại làm đầu mối tiêu thụ cho các NMĐ, điều hòa lượng đường bán ra thị trường một cách đều đặn giúp cho giá cả được bình ổn và NMĐ có thể yên tâm sản xuất, kể cả nông dân trồng mía.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường