Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyển trọng tâm phòng, chống bão ra các tỉnh miền bắc
19 | 06 | 2007
Do bão số 7 chuyển hướng đi vào khu vực bắc Biển Ðông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Ðông Sa và vùng biển tiếp giáp Ðài Loan), cho nên công tác phòng, chống bão cũng chuyển trọng tâm ra các tỉnh miền bắc.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ tối 2-11, vị trí tâm bão vẫn ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 116,5 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 630 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão đã giảm xuống cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật trên cấp 12.

Dự báo, bão số 7 hầu như ít di chuyển và tiếp tục suy yếu thêm. Ðến 19 giờ ngày 3-11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc; 116,3 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 610 km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km; từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80-100 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 7 sẽ di chuyển chậm theo hướng giữa tây và tây-tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và tiếp tục suy yếu dần. Ðến 19 giờ ngày 4-11 vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,7 độ vĩ bắc; 115,8 độ kinh đông, cách đảo Hải Nam khoảng 530 km về phía đông. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 150 - 200 km; từ cấp 8 trở lên có bán kính khoảng 80 - 100 km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Biển Ðông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Ðông Sa và vùng biển tiếp giáp Ðài Loan); vùng biển tỉnh Quảng Ðông (Trung Quốc), có gió bão mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 11, cấp 12, giật trên cấp 12, sóng biển cao từ 8 đến 10 m. Biển động dữ dội.

* Sáng 2-11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì cuộc họp giao ban của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư về công tác triển khai đối phó diễn biến mới nhất của cơn bão số 7.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão. Các địa phương cũng phải tiếp tục giữ thông tin liên lạc với tàu, thuyền, nhất là một tàu còn đang trú ở đảo Ðài Loan và những tàu đang còn ở vùng nguy hiểm ở phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Theo Phó Thủ tướng, về lâu dài, cần rà soát lại các phương tiện hiện có, giúp lực lượng Bộ đội Biên phòng, ngành thuỷ sản làm tốt công tác quản lý tàu, thuyền trong điều kiện bình thường cũng như mỗi khi có bão đến.

Ðến nay, các tỉnh: Hải Phòng, Nam Ðịnh, Thái Bình, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Bến Tre, Bạc Liêu... đã có báo cáo đầy đủ về tình hình tàu, thuyền của các địa phương. Ban chỉ đạo đánh giá, do các địa phương miền trung vừa trải qua cơn bão số 6 nên đã ý thức được việc chủ động đối phó bão số 7, công tác chuẩn bị sẵn sàng di dời dân nếu bão đổ bộ vào đã được thực hiện tốt. Các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Cà Mau và Kiên Giang có lượng tàu, thuyền hoạt động lớn ở trên biển, nhất là có nhiều tàu đánh bắt xa bờ đang ở khu vực nguy hiểm, nhưng đã giữ được thông tin liên lạc, tổ chức lai dắt và cứu hộ kịp thời một số tàu có sự cố đến nơi an toàn.

* Theo Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, đến nay, đã liên lạc được hết với tất cả số tàu, thuyền trên biển. Cụ thể 102 tàu (623 ngư dân) của Hải Phòng đã về bờ trú ẩn; năm tàu của Hà Tĩnh đang neo đậu tại đảo Bạch Long Vĩ. Khánh Hòa có 51 tàu đã liên lạc được và vào vị trí neo đậu an toàn. Hiện Khánh Hòa đã liên lạc được với 100% số tàu, thuyền của tỉnh. Trước đó, theo Bộ Thủy sản, vẫn còn 171 tàu với 2.468 ngư dân các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đang hoạt động trên biển chưa liên lạc được.

* Theo báo cáo của Bộ Tham mưu (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), đến ngày 2-11, các tỉnh miền trung đã gọi được 47.099 phương tiện tàu, thuyền với 234.936 người. Những tàu, thuyền gặp sự cố ở Thanh Hóa, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã được lực lượng biên phòng, cứu hộ, cứu nạn hỗ trợ kịp thời. Tuy nhiên, hiện vẫn còn bảy tàu với 89 người đang trú bão ở quần đảo Hoàng Sa và vẫn giữ được liên lạc liên tục với đất liền. Một tàu khác với 11 người trú bão ở khu vực đảo Ðài Loan cũng vẫn giữ được liên lạc.

* Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã chuẩn bị bốn tàu hải quân công suất lớn (có thể đi hàng nghìn hải lý, chịu được bão cấp 11) sẵn sàng ứng cứu tàu, thuyền ngư dân bị nạn trên biển. Trong đó, tàu HQ 951 trực tại đảo Cát Bà, các tàu HQ 957, HQ 629 và HQ 799 trực tại Ðà Nẵng. Tàu HQ 951 đã nhận được lệnh lên đường tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển quốc tế. Một cơ số gần 10 tàu của Hải quân và biên phòng cùng các tàu của trung tâm cứu nạn hàng hải khu vực 1 và 2 (Hải Phòng và Ðà Nẵng) cũng đã sẵn sàng phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết.

* Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng ở Ðà Nẵng đã có cuộc họp với các cơ quan trực thuộc bộ và chỉ huy Quân khu 5, Quân khu 4; các quân chủng: Hải quân, Phòng không-Không quân; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng..., để bàn những biện pháp cấp bách, khi bão số 7 đổi hướng. Với tinh thần quân đội chủ động đi trước một bước, các quân khu, quân chủng, binh chủng vẫn tiếp tục triển khai các phương án. Nơi nào được xác định bão không đổ bộ vào, thì chuyển phương án chống bão sang chống lũ, lụt, gió xoáy, sạt lở. Các đơn vị cần phải theo dõi hết sức sát sao tình hình di chuyển của cơn bão.

* Ðến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng trong vùng ảnh hưởng của bão vẫn kiên quyết không cho tàu, thuyền ra khơi. Các lực lượng biên phòng tuyến biển đã dùng máy bay lên thẳng kiểm tra tình hình các khu neo đậu tàu, thuyền tránh bão các tỉnh dọc ven biển miền trung; đồng thời điều động tàu HQ 957 nhổ neo ra khơi, sẵn sàng ứng cứu ở vùng biển xa.

* Theo Cục cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng, trước sự đổi hướng của bão số 7, các đơn vị quân đội từ Quảng Ninh đến Quảng Trị đã kịp thời điều chỉnh phương án phòng, chống bão. Các đơn vị sâu trong đất liền cũng phải rà soát lại phương án, kiểm tra thật kỹ hệ thống kho tàng và chuẩn bị phòng, chống mưa lũ gây sạt lở đất, đá. Ðến nay các đơn vị đã phối hợp các lực lượng khác tổ chức, sắp xếp được 42.205 tàu, thuyền vào nơi trú đậu an toàn. Các đồn ở cửa sông, cửa biển đã ngăn chặn hơn 900 tàu, thuyền không cho ra nơi có ảnh hưởng của cơn bão. Tại khu vực đảo Bạch Long Vĩ, Bộ đội Biên phòng đã cùng lực lượng Hải quân hướng dẫn 164 tàu vào nơi neo đậu. Cũng đã có hơn 300 tàu, thuyền được đưa vào vịnh Cát Bà để neo đậu tránh bão.

* Ban chỉ huy PCBL tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện vẫn còn 361 tàu, thuyền đang đánh bắt ngoài khơi, với 2.930 lao động; trong đó có 121 tàu công suất lớn với 1.068 ngư dân đang đánh bắt xa bờ, ở vùng biển phía nam đảo Côn Sơn, sát các giàn khoan ngoài khơi Vũng Tàu và nam đảo Phú Quý. Tất cả số phương tiện đánh bắt này hiện đã nhận được lệnh vào bờ của Bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên, ngư trường Bình Thuận nằm ở vĩ độ từ 11 đến 13 cho nên khả năng ảnh hưởng của bão số 7 là rất ít.

* Sở Thủy sản tỉnh Phú Yên đang triển khai dự án "Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu, thuyền Xuân Ðài và Cù Mông (huyện Sông Cầu)".

Khu vực đầm Cù Mông thuộc thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Ðài. Diện tích rộng 150 ha (khu nhà điều hành 0,5 ha), được bố trí 80 trụ neo độc lập dưới nước và năm trụ neo liền bờ, bảo đảm chỗ neo đậu cho 800 tàu, thuyền các loại có công suất đến 500 CV. Ðiểm còn lại thuộc vùng biển thôn Dân Phú 1, xã Xuân Phương, có diện tích 160 ha, với 90 trụ neo độc lập dưới nước và năm trụ neo liền bờ, bảo đảm việc neo đậu cho 1.000 tàu, thuyền có công suất đến 500 CV. Tổng mức đầu tư hai khu neo đậu này hơn 46 tỷ đồng. Toàn tỉnh Phú Yên hiện có 4.100 chiếc tàu, thuyền lớn nhỏ.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường