Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lợi trước mắt, hại lâu dài?
12 | 07 | 2011
Chưa năm nào tình trạng thương lái Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam trực tiếp thu mua nông sản ồ ạt như năm nay.

Từ sắn lát, vải thiều đến cả trứng gà, trứng vịt, tôm, cá... Bà con nông dân rất phấn khởi vì bán được giá và không bị thương lái chèn ép. Đây có thể coi là tín hiệu vui cho nông dân, song nhìn nhận vấn đề một cách thấu đáo, liệu lợi ích này sẽ dẫn thị trường nông sản nội địa đi đến đâu?

Rủi may chuyện quả vải

Cứ vào chính vụ, đặc sản vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) lại được thương lái TQ sang tận vườn trực tiếp thu mua. Năm nay cũng không ngoại lệ. Hiện tại, những vườn vải ngon, quả to, chín đều được nhà buôn TQ “để mắt”, sẵn sàng mua với giá 18.000 – 20.000đ/kg so với mức giá chỉ 8.000 – 10.000đ/kg của lái buôn trong nước. Mức giá này, cộng với quá trình thu mua chuyên nghiệp, từ công đoạn hái, bảo quản và chuyên chở về nước sở tại, bà con trồng vải rất phấn khởi.

Chị Thu - nông dân thị trấn Chũ - cho hay: “Từ đầu vụ chúng tôi đã được các thương lái TQ trả giá hơn 25.000đ/kg, chính vụ giá cả giảm hơn, nhưng so với mặt bằng chung thì giá này vẫn lý tưởng”. Bà con có thể yên tâm tái vốn làm ăn, tập trung trồng vải với khấp khởi hy vọng năm sau lại trúng mùa để bán cho TQ. Phía thương nhân TQ, với nhu cầu tiêu thụ khổng lồ, có bao nhiêu sẵn sàng tận thu bấy nhiêu, người dân không hề lo ngại về đầu ra sản phẩm.

Thế nhưng, có ai dám khẳng định việc thu mua vải sẽ được phía TQ tiếp tục duy trì trong một, hay vài năm tới? Thương nhân TQ chỉ “đến hẹn lại lên” đúng mùa họ vào thu mua và với giá cả có lợi cho nông dân, hoàn toàn có quyền lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao nhất. Bà con vẫn cứ thế phụ thuộc vào việc mua đứt bán đoạn của TQ mà không hề lường trước được những rủi ro nếu thương nhân TQ ngừng việc thu mua. Hơn nữa, về việc tự do mua bán, bà Trần Thị Miêng - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) - cho biết: “Việc kiểm soát ở biên giới cũng chỉ mới trên cơ sở chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế. Còn nếu đặt ra việc “ngăn sông cấm chợ” như trước thì không thể nào thực hiện được, vì hiện VN đã gia nhập WTO theo đúng như cam kết đã đề ra”.

Nhìn lại “sân nhà”

Trừ vải thiều được xuất sang TQ theo đường chính ngạch (tập trung cửa khẩu Hà Khẩu - Lào Cai), thì hầu hết các nông sản khác đang được nước này tận thu như trứng gà, trứng vịt, sắn lát, thậm chí thịt lợn... đều tuồn qua đường tiểu ngạch. Gia nhập WTO, việc thương nhân TQ ồ ạt thu mua nông sản VN là điều không tránh khỏi. Song, cần có cái nhìn lâu dài đối với thị trường trong nước trước sự tận thu quá đà của phía TQ. Điển hình là mặt hàng sắn lát.

Điều đáng nói ở đây là trong khi VN thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu để chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN), nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn nguyên liệu với trị giá gần 2 tỉ USD mỗi năm, thì nguyên liệu trong nước vẫn XK sang TQ vô tội vạ. Giá TACN tăng khiến ngành chăn nuôi nhiều tháng qua điêu đứng, không ít nông hộ phải treo chuồng vì không trụ được sức ép tăng giá. Một thực tế đáng báo động là do hiện nay giá thu mua nguyên liệu sắn tăng cao, có hiện tượng nhiều người dân ở Quảng Ngãi, Quảng Nam và Phú Yên đã ngang nhiên đốt rẫy, phá rừng đầu nguồn chắn lũ để trồng sắn.

Với tình trạng trên, nông sản nước ta đang đứng trước nhiều nguy cơ khó lường, trong đó có mất cân đối thị trường. Trong khi DN trong nước chưa có phản ứng gì, thì nông sản vẫn mỗi ngày “chảy” sang TQ với số lượng không nhỏ. Thay vì chủ động nắm bắt thị trường, chính DN trong nước đang rơi vào thế bị động khi để cho láng giềng “thay” mình tính toán bài toán cung - cầu.

Bà Trần Thị Miêng cho rằng, với khó khăn về tiếp cận vốn và chịu sức ép lãi suất cao hiện nay của DN trong nước, DN nước ngoài (trong đó có TQ) có lợi thế hơn khi vào VN. Nông dân hoàn toàn hài lòng trước sự chào giá mức cao hơn so với DN VN để bao tiêu thị phần. “Bộ NNPTNT đã nhiều lần kiến nghị giải pháp ưu tiên DN thu mua nông - lâm - thuỷ sản XK.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn DN chưa tiếp cận được vốn, nhưng không phải tất cả các DN đều không tiếp cận được vốn vay” - bà Miêng nói. Trước mắt, để sớm quản lý nguồn thực phẩm xuất sang TQ, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, sẽ yêu cầu các tỉnh rà soát lại tình trạng mua bán thịt thương phẩm (thịt lợn, gà, vịt và trứng gia cầm) và sớm có báo cáo chính thức trong tuần này.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Diệp Kỉnh Tần:

Có tình trạng tận thu cả hàng kém chất lượng

Hiện DN nước ta đang gặp nhiều khó khăn bởi các mặt hàng nông sản đang được thương nhân TQ mua tận nơi, đặt đại lý thu mua tận làng, xã và tranh mua tranh bán. Thay vì mua chọn lọc những hàng hóa đạt tiêu chuẩn như trước đây, thì hiện nay có tình trạng họ mua ồ ạt, gây khó khăn cho quản lý chất lượng. Điển hình là với thủy sản, ta đang quyết liệt với tình trạng tiêm tạp chất để đảm bảo tiêu chuẩn XK. Nhưng thương nhân TQ tận thu cả những sản phẩm có tạp chất với giá cao hơn giá trong nước.

Hai vấn đề được đặt ra: Hoặc TQ khó khăn về nguồn cung thực phẩm, hoặc cố tình gây khó khăn cho nỗ lực mà chúng ta mong muốn. Chúng ta càng gắt gao muốn bán nông sản có chất lượng thì TQ vẫn cố tình mua cả hàng kém chất lượng với giá cao, nhằm “tiếp tay” cho những DN xấu, gây cản trở những nỗ lực của thị trường trong nước. Chúng tôi đã báo cáo việc này với Chính phủ và Bộ Công Thương để sớm có giải pháp trong thời gian tới. D.H ghi

Theo Lao động



Báo cáo phân tích thị trường