Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sông Hồng có thể ghi kỷ lục mới về khan cạn
06 | 10 | 2007
Trạm Quản lý Đường sông Hà Nội dự báo mực nước sông Hồng năm nay có thể tiếp tục lập kỷ lục khan cạn mới so với năm trước.

Theo dự báo, sông Hồng đoạn Hà Nội mùa cạn năm nay cạn hơn mực nước các năm trước. Vào tâm điểm tháng 1/2007 mực nước có thể xuống thấp hơn kỷ lục năm ngoái là 1,28m.

Điều đáng lưu ý là hiện nay luồng tại đoạn Hà Nội có nhiều thay đổi dòng chảy. Hiện mực nước sông Hồng đang xuống thấp ở mực nước khoảng 1,5m. Nếu mực nước sông Hồng tiếp tục cạn, trong nay mai con lạch này trơ đáy.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Trưởng trạm Quản lý Đường sông Hà Nội (Công ty Cổ phần Quản lý Đường sông Số 6, Cục Đường sông Số 6) cho biết tại lạch quýt thời điểm này thuyền nhỏ cũng không thể đi qua được nữa. Có đoạn đi từ thành phố ra bãi giữa không cần thuyền chỉ cần lội bộ cũng sang được.

Hiện chưa phải là tâm điểm của mùa cạn nhưng mực nước đo được đoạn sông thấp nhất sáng 25/12 là 1,5m. Vài năm gần đây, mực nước sông Hồng giảm nhanh theo từng năm.

Tại đầu mùa cạn năm nay so với năm năm trước đây mực nước giảm non nửa. Năm nay mực nước sông Hồng vào tháng 12/2006 là 1,5m thì tháng 12/2005 mực nước là 1,8m; tháng 12/2004 là 1,95m; tháng 12/2003 là 2,32m, v.v…

Mùa cạn năm nay có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và an toàn giao thông, hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại khu vực Hà Nội.

Đoạn chảy qua địa phận Hà Nội rất ngắn nhưng lại là đoạn phức tạp nhất của cả con sông về luồng lạch mà những cán bộ đường sông ở đây gọi là dòng sông phiêu lãng bởi không theo trật tự, quy luật nào. Thậm chí chỉ sau một đêm luồng lạch đổi theo hướng khác. Theo thông lệ hàng năm, tình trạng khan hạn kéo dài từ tháng 11 năm trước cho đến tháng 3 năm sau.

Từ nhiều ngày nay, Công ty Cổ phần Quản lý Đường sông và Trạm Quản lý Đường sông phân bổ lực lượng theo dõi luồng và mực nước thường xuyên đưa ra những biện pháp khắc phục, đặc biệt là hệ thống phao tiêu, biển báo luôn thay đổi để có thông tin chính xác cho người đìều khiển tàu.

Theo đó, việc phân luồng giao thông từ xa, ngăn chặn và yêu cầu san tải sang các tàu nhỏ có mớn nước thấp đi qua được tiến hành. Bên cạnh đó, với mực nước thấp, tàu lớn chân vịt sẽ phá luồng, thậm chí là bồi đáy dẫn đến mực nước an toàn chạy tàu bị phá vỡ gây tắc nghẽn.

Nếu như vào mùa cạn năm ngoái, đoạn Ngọc Thụy là luồng khơi thông, tàu thuyền có thể dễ dàng đi qua thì năm nay hình thành một bãi giữa sông khá rộng và luồng hiện đang phá lở dần bờ trái.

Ông Minh cho biết, trong vài ngày tới, Trạm phải nạo vét khu vực hạ lưu cầu Thăng Long vì đoạn này bắt đầu có dấu hiệu khan cạn. Nếu tính từ đầu mùa khô đến nay, đây là lần thứ hai về nạo vết sông Hồng.

Ngay từ đầu mùa cạn lực lượng quản lý đường sông nạo vét đoạn Bắc Biên ở giai đoạn 1. Trạm Quản lý Đường sông Hà Nội dự báo của mực nước sông Hồng năm nay có thể tiếp tục lập kỷ lục khan cạn mới so với năm trước.

Tại mùa khô 2006 – 2007 có thể mực nước thiếu hụt từ 30 – 50%, tại mùa cạn năm 2005 – 2006 mực nước thiếu hụt là 22 – 50%. Hiện Trạm phải áp dụng mực nước chạy tàu là +1,8m, thấp hơn so với mọi năm 20cm.

Dự báo, những vị trí khan cạn đang phải nạo vét là đoạn Bắc Biên, Phú Thượng, Phú Viên, Phú Châu, Yên Tân. Hà Nội hiện tại có ba điểm trọng điểm về khan cạn là Bắc Biên, Yên Tân, Phú Viên với mật độ lưu thông trung bình từ 300 – 400 lượt tàu thuyền/ngày, có những đợt lưu lượng này có thể lên đến 800 phương tiện/ngày.

Khác với đường bộ, phương tiện giao thông thủy hoạt động phần lớn là dựa vào tín hiệu giao thông, và nhiều ẩn họa khó lường.



Theo An Ninh Thủ Đô
Báo cáo phân tích thị trường