Đây là nhận định của hơn 100 bộ trưởng và 6000 đại biểu là các nhà quản lý, kinh tế, khoa học tham dự Hội nghị môi trường tổ chức ở Nairobi (Kenia) mới đây nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu và cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2012 khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực.
Các quan chức LHQ cảnh báo thiệt hại do hạn hán, bão lụt và những hiện tượng thời tiết bất thường gây ra trong năm 2005 đã ở mức kỷ lục 210 tỷ USD và có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2040. Riêng thiệt hại do trận bão Katrina tại Mỹ năm qua lên tới 120 tỷ USD.
Những trận bão xảy ra từ tháng 7 đến tháng 9/2006 tại Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines đã gây thiệt hại 13 tỷ USD. Tại châu Phi, nạn hạn hán và lụt lội diễn ra ở Ethiopia và Somali đã làm cho 280.000 người mất nhà ở, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 3 triệu người.
Đại diện của Tổ chức nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) cho rằng cộng đồng thế giới cần quan tâm đặc biệt tới tác động của sự biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, rừng và nghề cá. Hội đồng ngũ cốc quốc tế dự báo nhu cầu lương thực thế giới sẽ vượt cung trong niên vụ 2006-2007 và thế giới có thể thiếu hụt 64 triệu tấn lương thực. Sản lượng lương thực toàn cầu giảm do hạn hán, lũ lụt diễn ra tại nhiều nước, làm cho giá lúa mì tại Chicago, London, Pari và giá thóc gạo tại nhiều nước ở châu Á tăng cao.
Nhiều đại biểu còn cảnh báo các di sản văn hoá và tự nhiên đang đứng trước nguy cơ do môi trường ô nhiễm, hoá chất và tác động đến tầng địa chất. Tổng giám đốc Tổ chức văn hoá, khoa học và giáo dục của LHQ (UNESCO), ông Coichiro Matxuura nói biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của con người và thiên nhiên. Theo ông, bảo vệ và quản lý hiệu quả các di sản này là “mệnh lệnh tối cao” mà con người phải thực hiện.
Một công trình nghiên cứu do tiến sĩ Nicholas Stern, cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của Ngân hàng thế giới (WB) thực hiện, công bố tại hội nghị này cho biết toàn cầu sẽ thiệt hại tới 7.000 tỷ USD do hiện tượng trái đất nóng lên trong 10 năm tới nếu như các nước không thực hiện những biện pháp có hiệu quả nhằm ngăn chặn hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh.
Ông Ducan Green, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Oxfam có trụ sở ở London nói thời tiết ở châu Phi vốn đã thất thường khiến cho châu lục này dễ bị tổn thương nhất, do hạn hán, lũ lụt và dông bão xẩy ra ngày càng thường xuyên hơn.
Báo cáo kêu gọi các nước cần tôn trọng cam kết về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo tinh thần Nghị định thư Kioto, cũng như những cam kết về viện trợ và xoá nợ cho những nước nghèo. Khí hậu trái đất nóng lên, hạn hán, mưa bão, lũ lụt thường xuyên hơn, tình trạng sa mạc hoá diễn ra trên diện rộng do nguồn nước ngọt ngày càng cạn kiệt.
Tại Hội nghị quốc tế về hồ nước tự nhiên lần thứ 11 vừa diễn ra tại Thủ phủ Nam Xương, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc), ông Marion Hammerl, Chủ tịch Quỹ bảo vệ tự nhiên toàn cầu (GNF) cảnh báo lượng khí thải và rác thải ngày càng lớn, quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá diễn ra nhanh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới đa dạng sinh học các hồ nước tự nhiên.
Ông kêu gọi chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế phối hợp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước và bảo vệ các hồ nước tự nhiên.
Theo Xinhua, trong 50 năm qua có gần 1000 hồ nước ở Trung Quốc biến mất . Ông Chu Quang Diệu, Phó quốc vụ khanh phụ trách bảo vệ môi trường Trung Quốc, 75% trong số 20.000 hồ tự nhiên ở nước này bị ô nhiễm nước thải chứa nitrogien, phốt pho và các chất độc hại khác. Tại tỉnh Hồ Bắc, nổi tiếng là thiên đường hồ tự nhiên, trong những năm 50 của thế kỷ trước có 522 hồ, đến nay chỉ còn 217 hồ, tổng diện tích hồ tự nhiên giảm 34%.
Quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh trong 2 thập kỷ qua cùng với việc buông lỏng quản lý, bảo vệ hệ sinh thái ở các địa phương, Trung Quốc đã trở thành một trong những nước ô nhiễm môi trường nhất trên thế giới.
Ông Chu Sinh Hiền, Cục trưởng Cục môi trường (SEPA) Trung Quốc cho biết một nửa số sông ngòi nước này bị ô nhiễm nghiêm trọng, có tới 1/3 lãnh thổ Trung Quốc bị mưa axit tàn phá.
Các chuyên gia môi trường Trung Quốc cho rằng tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêp trọng, một phần do các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chuyển các nhà máy công nghiệp nặng sang Trung Quốc. Theo OECD, năm 2005, Trung Quốc đã phải chi 104,85 tỷ USD, tương đương 1,3% GDP cho việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường .
Giải thích về sự biến đổi khí hậu và những thảm hoạ thiên nhiên bất thường gần đây, như lũ lụt lớn và bão biển với cường độ mạnh tại Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, các nhà khoa học nói có sự liên quan tới hiện tượng El Nino sắp diễn ra.
Theo thông báo mới nhất của Viện nghiên cứu quốc tế về dự báo khí hậu Mỹ (IRI), trung tuần tháng 11 năm nay, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực xích đạo Thái Bình Dương đã cao hơn 1 độ C so với mức bình thường, vượt 1,5 độ C ở trung tâm và ngoài xa phía đông xích đạo Thái Bình Dương. IRI dự báo hiện tượng El Nino sẽ xuất hiện trong 3 tháng, từ 12/2006 đến tháng 1 và 2/2007, khả năng diễn ra El Nino tới 92% .
Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết năm 2006 tầng ozon ở Nam cực bị tổn thương nghiêm trọng nhất. Kết quả khảo sát của vệ tinh Envisat cho thấy tầng ozon ở Nam cực đã bị hao hụt tới 40 triệu tấn trong tháng 10 năm nay vượt kỷ lục 39 triệu tấn được ghi nhận năm 2000. Năm nay, lỗ hổng tầng ozon có diện tích tới 28 triệu km2 và dày 100 đơn vị Dobson (đơn vị đo chiều dày của tầng ozon).
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của tình trạng này là do khí thải và hoá chất độc hại, đặc biệt là khí Chlorine và chất Chlorofluorocaborn có quá nhiều trong khí quyển. Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) cũng lưu ý rằng lỗ hổng tầng ozon theo mùa trong năm nay đạt mức cao kỷ lục.
Các loại khí gây hiệu ứng nhà kính đã làm cho nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm từ 2-6 độ C trong thế kỷ tới. Khi nhiệt độ trung bình của trái đất tăng lên 2 độ C, có thể làm cho hàng trăm triệu người có nguy cơ mắc bệnh và đe doạ cuộc sống khoảng 50 triệu người do mức nước biển dâng cao vì băng tan.