Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2070, VN có thể mất nhiều diện tích đất do nước biển dâng
28 | 08 | 2007
Theo các chuyên gia, nhiều khả năng tới năm 2070, nước ta có nguy cơ mất gần sáu phần trăm diện tích đất do nước biển dâng.

Tại buổi thảo luận về biến đổi khí hậu toàn cầu và tác động của nó tới Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Vụ trưởng, Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên&Môi trường, đưa ra một vài con số báo động về tình hình biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Theo ông Hiếu, các nghiên cứu gần đây cho thấy, ở Việt Nam, nhiệt độ trung bình hàng năm tăng 0,1 độ C trong một thập kỷ qua. Trong các tháng mùa hè, nhiệt độ tăng 0,1- 0,3 độ C.

Nhiệt độ trung bình của mùa đông giảm. Hình thái và cường độ mưa có sự thay đổi khác nhau giữa các vùng, miền. Có nơi, lượng mưa tăng lên. Có nơi, lượng mưa lại sụt giảm đáng kể.

Cũng theo ông Hiếu, tình trạng nhiễm mặn ở Đồng bằng Cửu Long hiện nay là một trong những dấu hiệu của biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, một số tỉnh xảy ra tình trạng thiếu nước ở các cửa sông dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập vào đất liền khi triều cường. Ở Đà Nẵng, nước mặn xâm nhập làm ảnh hưởng cả đến nhà máy nước cung cấp cho cả thành phố.

Vẫn theo ông Hiếu, theo một kịch bản mà các nhà khoa học đưa ra, năm 2010, nhiệt độ trung bình tại Việt Nam sẽ tăng từ 0,3 – 0,5 độ, mực nước biển sẽ dâng cao hơn 9 cm so với hiện nay.

Đến năm 2050, nhiệt độ tại Việt Nam sẽ tăng hơn 1,1 – 1,8 độ với mực nước biển dâng cao hơn 33 cm. Cũng theo kịch bản này đến năm 2070 mực nước biển sẽ dâng thêm 45 cm.

Từ con số này, ông Mark Lowcock, Vụ trưởng Ban Chính sách&Quốc tế, Bộ Phát triển Quốc tế, Anh, tính toán mực nước biển tăng 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất.

Nếu năm 2070, mực nước biển nước ta tăng 45 cm, chúng ta sẽ mất gần sáu phần trăm diện tích đất trên cả nước.

Không chỉ đưa ra con số tính toán cho tương lai, chuyên gia người Anh còn đưa ra một loạt dẫn chứng về hậu quả của biến đổi khí hậu đang tác động tới Việt Nam như khó dự đoán quy luật thời tiết, các cơn bão xuất hiện nhiều và trầm trọng hơn, v.v..

Ông Mark Lowcock nhấn mạnh, Việt Nam và Bangladesh là hai trong số những nước trên thế giới tiềm ẩn nguy cơ nước biển dâng.

Cần làm gì

“Nếu chúng ta không có biện pháp tích cực để ổn định và hạn chế phát thải khí nhà kính, tương lai, nhiệt độ sẽ tăng hơn, nước biển dâng cao hơn, hình thái mưa sẽ tiếp tục thay đổi”, ông Hiếu nhấn mạnh, “ Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 1.000 km. Nước biển chỉ cần dâng cao 30 cm thôi cũng gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng rồi”.

Ông Lowcock cho rằng, có nhiều biện pháp giảm thải nhà kính như mở rộng sử dụng năng lượng có thể tái tạo và các nguồn năng lượng ít carbon, v.v…

Ngoài ra, theo ông Lowcock, Việt Nam nói riêng và các nước khác nói chung cần quan tâm và lựa chọn các chính sách mạnh để có thể giảm khí nhà kính, v.v…

Báo cáo Stern, báo cáo của chính phủ Anh về biến đổi khí hậu toàn cầu, cho thấy, nếu hiện tượng ấm dần toàn cầu vẫn tiếp tục diễn ra với tốc độ này, các sông băng tan chảy sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt, làm giảm mạnh các nguồn cung ứng nước và đe dọa tới 1/ 6 dân số thế giới.

Các nguồn cung ứng nước giảm sẽ dẫn tới việc sản lượng lương thực giảm khiến hàng trăm triệu người không có khả năng sản xuất.

Biến đổi của khí hậu toàn cầu cũng có thể làm tăng tử vong trên toàn cầu do suy dinh dưỡng và nóng bức. Bên cạnh đó, các dịch bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết có thể hoành hành hơn nếu các biện pháp kiểm soát không được áp dụng.

Bản đánh giá ước tính, nếu nhân loại không hành động, tổng tổn thất và rủi ro từ biến đổi khí hậu sẽ tương đương với việc mất ít nhất năm phần trăm GDP toàn cầu mỗi năm. Nếu tính thêm một số rủi ro và tác động, dự tính thiệt hại có thể lên tới 20% GDP hoặc hơn nữa.

Bản đánh giá cũng cho thấy, nếu thế giới không có hành động nào được triển khai để giảm khí thải vào khí quyển, năm 2035, nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng thêm hai độ C. Về dài hạn, có hơn 50% khả năng nhiệt độ sẽ tăng thêm năm độ C.



Sơn Hà
Báo cáo phân tích thị trường