Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường tăng chóng mặt: Bán lẻ "ăn quá dày"?
15 | 01 | 2010
Từ đầu năm, giá đường các NM trong nước công bố “nhảy múa” liên tục như giá vàng. Hiện giá đường kính trắng trên thị trường vọt lên cao nhất từ trước tới nay (22.000đ/kg). Ngày 14/1, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần chủ trì cuộc họp với các nhà SX, tiêu thụ đường về cân đối cung cầu đường trong nước.

NM đường tố: Người bán lẻ "ăn quá dày"

Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại NLTS&NM Đoàn Xuân Hoà cho biết, vụ ép mía 2009-2010 dự kiến sản lượng của các NM đường trong nước chỉ đạt xấp xỉ 1 triệu tấn. Căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ trong nước, mức thiếu hụt có thể lên đến 300.000 tấn. Trước mắt Bộ NN- PTNT, Bộ Công thương thống nhất cấp hạn ngạch cho các DN chế biến NK 150.000 tấn đường về tinh luyện và cả đường thành phẩm.

Theo ông Hoà, giá đường tinh luyện thế giới ngày 13/1 lên tới 780 USD/tấn, giá đường thô 670-680 USD/tấn. Vì vậy giá đường trong nước cũng tăng theo. Cụ thể giá bán đường kính trắng loại 1 đã có thuế tại kho NM ở miền Bắc từ 14.500 - 14.700đ/kg, miền Trung và Tây Nguyên từ 14.800-15.500đ/kg, miền Nam từ 15.000- 15.500đ/kg. Giá đường tinh luyện Biên Hoà 17.500đ/kg, đường Lam Sơn 16.500đ/kg, đường KCP 17.300đ/kg. Do giá lên cao, nhiều DN có quota NK rất khó nhập theo giá thế giới để có lợi cho SX. Giá xuất bán của các NM công bố là vậy, thế nhưng trên thị trường mỗi kg đường lại “đội” lên từ 20.000 - 22.000đ, do đâu?

“Theo tôi biết giá đường các NM bán ra cao nhất chỉ 17.000đ/kg, nhưng khi sản phẩm vào trong hệ thống bán lẻ tăng thêm 4.000- 5.000đ, khiến người tiêu dùng phải mua tới 22.000đ/kg là điều không thể chấp nhận được”- Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần phát biểu. Một số thông tin đã được NNVN kiểm chứng cũng cho thấy, giá đường từ các NM ở La Ngà (Đồng Nai), Bourbon (Tây Ninh) về đến TPHCM, đường từ Sơn Dương (Tuyên Quang), Nông Cống (Thanh Hoá) ra Hà Nội phải đi qua mấy "cầu", đã tăng thêm từ 4- 5.000đ/kg. Lãi ở khâu này, những người bán lẻ ăn cả, NM đường không được mà người tiêu dùng lại phải gánh.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường VN Võ Thành Đàng cho rằng, sở dĩ giá đường tăng là do thời điểm cận Tết nhu cầu đường phục vụ SX và tiêu dùng tăng cao, Thái Lan đã tiêu thụ hết đường và đường lậu từ biên giới Camphuchia không vào VN được. Để bình ổn thị trường đường, Hiệp hội đề xuất giá đường tinh luyện từ 16.000-17.000đ/kg, đường kính từ 15.000-16.000đ/kg. Với giá này DN đường cũng gật mà người mua cũng chấp nhận được.

Nhưng ở góc độ khác bà Đinh Thị Mỹ Loan, đại diện Hiệp hội các nhà bán lẻ VN lại cho rằng, bản thân các nhà bán lẻ cũng bức xúc vì giá đường. Vì vậy đã đồng loạt kiến nghị lãnh đạo các Bộ ngành liên quan can thiệp. Khoảng tuần nay, các NM chào giá một cách rất “khôi hài”, giá đường họ công bố cứ “nhảy múa” liên tục như giá vàng. Ngay trong sáng nay (14/1), có DN phàn nàn phải mua đường Biên Hoà qua đại lý cấp 1 tới 19.500đ/kg, về bán ra 21.000-22.000đ/kg mới có lãi. Bà Loan khẳng định sở dĩ giá đường từ NM về đến siêu thị “đội” lên thêm vài nghìn là do chi phí vận chuyển, giá thuê nhân công tăng cao, thậm chí DN phải chi cả khoản “tiêu cực phí”.

Bộ NN- PTNT: Không được tự tiện đẩy giá lên

TGĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn, ông Lê Văn Thanh khẳng định, hiện giá đường trong nước có tăng hơn tháng trước khoảng 1.000đ/kg nhưng không cao hơn giá thế giới. Vụ ép năm nay nhiều NM đường rất khó khăn do thiếu nguyên liệu, chữ đường giảm nên giá bán ra tăng một chút là điều bình thường. Người tiêu dùng phải mua 22.000đ/kg đường là giá ở trong siêu thị chứ không phải giá do NM bán ra.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần:

“Để đảm bảo cung cầu, bình ổn thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán đề nghị Hiệp hội Mía đường VN yêu cầu các NM giữ giá đường từ 14.000-15.000đ/kg, không được phép cao hơn giá thế giới. Tôi đề nghị các nhà bán lẻ nên tính toán lại chi phí cho hợp lý, không nên “tát nước theo mưa”, tự đẩy giá đường lên quá cao khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt thòi”.

Lãnh đạo một số Cty đường cũng cho rằng, giá đường trong nước mà NM bán ra là hợp lý, không phải giá quá cao, không “nhằm nhò” gì so với giá sữa vẫn đang tăng gấp 2 lần. Nếu DN chế biến kêu giá cao thì Nhà nước cứ để cho họ nhập khẩu về, khi đó sẽ rõ là giá cao hay thấp?

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cho rằng: “Vụ ép năm nay các NM đường đều lãi cao, bình quân mỗi NM có công suất ép 1.500 tấn mía đứng/ngày lợi nhuận lên tới 40 tỷ đồng/vụ thì không thể nói là khó khăn được. Khi các NM khó khăn thì Chính phủ đầu tư hỗ trợ ngành đường. Hiện nay trong bối cảnh Nhà nước đang kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, có thể một số DN thấy giá đường thế giới tăng mà tự tiện đẩy giá trong nước lên, là không được. Hơn nữa đang trong thời điểm mía thu hoạch rộ, các NM đều hoạt động hết công suất mà giá đường cao là bất hợp lý”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho hay, căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ trong nước, năm nay lượng đường sẽ thiếu hụt 300.000 tấn. Trước mắt Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương thoả thuận cấp hạn ngạch 150.000 tấn để đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà SX đường trong nước. Nếu các NM cam kết không tăng giá so với giá thế giới để bình ổn giá đường trong nước, Bộ Công thương sẽ hạn chế NK để bảo hộ ngành đường, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Nên dự trữ quốc gia về đường

“Cần xây dựng cơ chế NK đường theo hướng Nhà nước kiểm soát giá cả, thay vì sự độc quyền giá của các DN; nghiên cứu phương thức đấu thầu “người mua” hạn ngạch quota NK đường. Theo đó, đơn vị trúng thầu phải bán sản phẩm theo giá chỉ đạo của Nhà nước trong thời gian nhất định, góp phần bình ổn giá đường trên thị trường.

Chính phủ cần có cơ chế dự trữ quốc gia về đường (như gạo, muối) vì đường là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Năm 2009 Trung Quốc đã dùng biện pháp tung dự trữ 60.000 tấn đường để ổn định giá thị trường trong nước”

(Phó Cục trưởng Chế biến Thương mại NLTS&NM Đoàn Xuân Hoà)



Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường