Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường thực phẩm “sốt” theo giá vàng, USD
23 | 02 | 2011
Sau Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng thực phẩm nhất là thực phẩm tươi sống của người Hà Nội vẫn khá lớn nên tư thương có tư tưởng “tát nước theo mưa” để tăng giá.

Gần 3 tuần sau Tết Nguyên đán, giá cả trên thị trường tiêu dùng Hà Nội và một số thành phố lớn có xu hướng tăng, trong đó giá thực phẩm tươi sống “leo thang” từng ngày. Nguyên nhân của tình hình này được cho là do giá vàng, giá đô tăng cao.

Hà Nội: Thực phẩm "biến động" vì giá vàng, USD

Sau Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng thực phẩm nhất là thực phẩm tươi sống của người Hà Nội vẫn khá lớn nên tư thương có tư tưởng “tát nước theo mưa” để tăng giá.

Chưa hết, theo chị Chi - ở phố Kim Mã cho hay: “Tôi đi chợ thấy mấy ngày gần đây giá cả tăng đột biến, tôi thắc mắc sao hết Tết lâu rồi mà giá cả vẫn cao thế, nhưng người bán hàng trả lời rất thản nhiên rằng: giá vàng và đô cao thế cơ mà! Tôi thật không hiểu nổi quản lý thị trường kiểu gì mà ai thích tăng giá thế nào thì tăng?!”

Thực phẩm tăng giá theo tâm lý bám giá vàng, giá USD!?

Theo ghi nhận của PV Dân trí tại một số khu chợ bán lẻ nội thành Hà Nội, su hào bán với giá 4.000 đồng/củ, rau muống 5.000 đồng/mớ, rau cải chíp 8.000 đồng/kg, cải xoong 7.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg, cải bắp 8.000 đồng/kg, khoai tây 15.000 đồng/kg, rau cần 5.000 đồng/mớ, súp lơ 10.000 - 12.000 đồng/kg, khoai môn giá 15.000 đồng/kg…

Tại chợ Ngọc Hà, Thành Công, Hào Nam... giá thực phẩm tươi sống vẫn giữ ở mức tương đối cao. Trong đó, tăng mạnh nhất là mặt hàng thủy, hải sả. Giá cá trắm đen loại to ở mức 250.000 đồng/kg, cá quả 200.000 đồng/kg, cá chép 90.000 đồng/kg, ngao 45.000 đồng/kg, ốc nhồi 110.000 đồng/kg, trạch chấu 100.000 đồng/kg.

Ngoài ra, gà ta chưa qua giết mổ 120.000 đồng/kg; gà đã giết mổ có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg; thịt lợn ba chỉ 75.000 đồng/kg, thịt lợn mông 75.000 đồng/kg, thịt lợn thăn 80.000 đồng/kg; thịt bò thăn 170.000 đồng/kg; đậu phụ 3.000 đồng/bìa; bún 15.000 đồng/kg…

Chị Xuân - một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Cầu Giấy cho biết: “Các loại thực phẩm đều đổ dồn cung ứng cho dịp Tết nên sau Tết mọi mặt hàng vẫn chưa ổn định, đặc biệt giá vàng và đô la tăng lên từng ngày nên giá thị trường tiêu dùng tăng là điều đương nhiên”.

Tại các “phố ăn uống” như: Đội Cấn, Ngọc Khánh, Mai Hắc Đế, Bát Đàn, ngõ Cấm Chỉ... phục vụ nhu cầu ăn uống của thực khách sau Tết, nhiều nhà hàng, quán ăn bán rất chạy, trong đó hút hàng nhất là phở, bánh cuốn, bánh mỳ, nộm, bún ốc, bún riêu... nhưng giá cả lại đắt gấp hai, giá 35.000 - 40.000 đồng/bát (đắt gấp 2 lần so với ngày thường) nhưng thực khách vẫn nườm nượp vào ra.

TP Huế: Đồ ăn uống bình dân tăng “chóng mặt”

Khảo qua hàng trăm điểm bán hàng bình dân tại Huế trong hơn 10 ngày qua chúng tôi mới thấy “chóng mặt” trước việc chủ hàng tự ý nâng giá lên rất cao. Một thành phố có mức thu nhập trung bình thấp như Huế đang chật vật “đi bộ” theo mức giá đang tăng nhanh từng ngày.

Giá một ổ mỳ nhỏ đã tăng 2.000 đồng, từ 4.000 lên 6.000 đồng. Đi qua nhiều quán bán đồ bình dân khác thì ôi thôi, giá đã tăng lên hết: bánh canh từ 5.000 lên 6.000 đồng, cơm hến rẻ nhất cũng 4.000 đồng, còn lại thì trung bình 6.000 đồng (tăng 2.000 đồng so với trước tết), bún bò Huế hầu hết đã 20.000 đồng, tăng đến 5.000 đồng với lý do: thịt heo và thịt bò đều tăng.

Tại nhiều quán café ở khu vực Hội nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế, giá các loại từ café đen, café sữa, bạc sĩu đã tăng từ 1.000 - 2.000 đồng. Những quán “cóc” thuộc dạng rẻ nhất ở Huế như đường Trương Định giờ cũng đã có giá 4.000 đồng/ly café đen và 5.000 đồng/ly café sữa. Ở những quán sang hơn có wifi thì giá cũng tăng gấp 3 lần so với những quán thường từ 4.000 - 6.000 đồng tương đương với 13.000 đồng/ly café đen và 15.000 đồng/ly café sữa.

Phía sau chợ Đông Ba, buổi chiều khu vực này chuyên bán thịt cá tôm rẻ giờ cũng đã tăng vùn vụt. Thịt sườn giá 80.000 đồng/kg (tăng 20.000 đồng so với trước Tết), thịt chân giò cũng tăng lên 90.000 đồng, thịt bò đặc biệt tăng cao nhất lên đến 170.000 đồng/kg (cách đây 20 ngày chỉ có giá 125.000 đồng/kg). Ngoài ra, tôm, mực thì dù đã được “ngâm” gần nửa ngày vẫn có giá bán cao hơn trước Tết từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Cung đường ăn uống bình dân ở phố Mai Thúc Loan với những tiệm đồ ăn sẵn đã tăng 5% với giá 20.000 đồng cho tất cả các món cao lầu, phở khô, phở nước; bún đêm cùng giá với cao lầu và trứng lộn đã có giá 6.000 đồng (tăng 2.000 đồng/cái); món bánh canh cá lóc có lẽ là rẻ nhất nhưng cũng tăng giá lên 9.000 đồng/bát vì lý do cá lóc đồng lên giá. Nhiều quán ăn dọc đường Huỳnh Thúc Kháng vốn - là nơi dành cho dân xích lô, xe thồ ăn thì một đĩa cơm cũng tăng 20% so với thời điểm trước Tết.

Một giáo viên trường ĐH tại Huế thì tâm sự: “Tui ngỡ giá tăng ít thôi chứ đâu ngờ tết ni lại tăng dữ ri. Lương giáo viên tổng cộng gần 3 triệu đồng, ra tết đến giờ tiêu được hơn nửa tháng mà còn có vài trăm nghìn phòng thân vì giá quá cao”.



Theo cafef
Báo cáo phân tích thị trường