Thay vì tìm cách nâng giá kiếm lời, nhà kinh doanh lại đang đau đầu tìm cách đẩy cho hết hàng tết để tránh bị thua lỗ...
Hệ thống Co.opmart đã tăng lượng hàng bình ổn lên gấp ba lần so với cam kết với sở Công thương TP.HCM. Ngoài những nhóm hàng bình ổn, Co.opmart đã tăng lượng hàng nhu yếu phẩm phục vụ mùa tết lên 150.000 tấn, gấp 30 – 40% so với năm ngoái. Bà Nguyễn Thị Hạnh, tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, hiện hàng hoá đã được tập kết đầy đủ về trung tâm phân phối. Đối với những hàng không dự trữ được như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, Co.opmart đã có kế hoạch ứng vốn cho các nhà vườn, các hợp tác xã sản xuất sau đó được chuyển dần về hệ thống theo đơn đặt hàng.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Báu, phụ trách kinh doanh của cơ sở Bình Minh chuyên cung cấp rau cho các siêu thị cũng đã liên kết được nhiều hợp tác xã rau an toàn ở Long An để chuẩn bị nguồn hàng cho tuần giáp tết và tháng giêng âm lịch. Bà Báu đảm bảo, ngay ngày mùng một tết, siêu thị hay các chợ cần rau sạch đều có cung ứng ngay. Hợp tác xã nông nghiệp Thỏ Việt tham gia chương trình bình ổn giá dưa leo và khổ qua với hệ thống Co.opmart. Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Thỏ Việt nói, các mặt hàng rau củ quả sẽ không tăng giá vào dịp tết vì với giá bình ổn là nông dân đã có lời và lượng hàng luôn sẵn có trên ruộng.
Khó tăng giá
Ngày 9.1, giá heo hơi tại thị trường phía Nam vẫn ổn định ở mức 35.000 – 38.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D&F), nếu tính đúng, tính đủ các yếu tố giá thành đầu vào, thì giá heo hơi hiện nay lẽ ra phải ở mức trên 40.000 đồng/kg. Có được mức giá hiện tại, phần vì nguồn heo nuôi quá nhiều, trong khi yếu tố chi phối giá là sức mua lại giảm khoảng 20% so với trước đây.
Đồng ý với quan điểm trên, ông Trần Văn Hạc, giám đốc kinh doanh công ty C.P còn cho rằng, kể từ sau đợt dịch tai xanh (tháng 10.2010) đến nay, sức mua thịt heo giảm 20 – 30% và rất khó hồi phục. Hơn nữa, việc các doanh nghiệp tham gia bình ổn, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, chốt giá bán ngay từ cách nay hai tháng cũng góp phần xoá đi tâm lý tăng giá dịp tết như vẫn thường xảy ra.
Thực tế, ở khu vực Đồng Nai, chỉ có duy nhất D&F làm nghĩa vụ bình ổn 10.000 con heo, gần 300.000 con gà ta và tam hoàng, nhưng TP.HCM thì có đến 16 đơn vị, trong đó chín doanh nghiệp trữ hàng thực phẩm với số lượng lên đến hàng chục ngàn tấn các loại. Tất nhiên, giá thực phẩm khi bị kìm ở mức không tương xứng với giá thành đầu vào, thì một bộ phận người chăn nuôi sẽ chịu thiệt. Một ký thịt heo hơi vẫn thấp hơn giá đầu vào ít nhất 2.000 đồng; với gà tam hoàng, vịt là 1.000 – 1.500 đồng…
Hiện nay, không riêng gì thịt heo giá ổn định 65.000 – 75.000 đồng/kg, thịt gia cầm như vịt, gà tam hoàng trong diện bình ổn bán lẻ cũng chỉ có 50.000 đồng, gà ta 90.000 đồng. Hàng chế biến như giò lụa từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, lạp xưởng 100.000 – 130.000 đồng/kg. Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan khẳng định, doanh nghiệp này đã chuẩn bị nguồn vốn tết lên đến 350 tỉ đồng, dự trữ 58.000 con heo, 3.500 tấn thực phẩm chế biến và 150 tấn thịt đông lạnh.
“Tổng số thực phẩm tết của Vissan chiếm 30% thị phần tại thị trường thành phố. Nếu tính cả các đơn vị khác, tôi tin rằng giá thực phẩm năm nay sẽ khó có dấu hiệu tăng nóng”, ông Mười nói.
Doanh nghiệp lo ế
Mọi năm, vào thời điểm này, hàng thực phẩm chế biến như lạp xưởng, giò, chả, xúc xích… thường được các doanh nghiệp mua số lượng lớn làm quà biếu. Nhưng năm nay, doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này thừa nhận có rất ít đơn vị đặt mua. Ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc D&F cho biết, tuần rồi nhân viên D&F mang hàng đến một số doanh nghiệp, đại lý là khách hàng quen để chào nhưng họ mua khá ít. Vì theo ông, năm nay họ có chủ trương tiết kiệm khá rõ, nếu có mua thì cũng lựa chọn giá, rồi so sánh sản phẩm với đơn vị khác rất kỹ chứ không xuề xoà như mọi năm.
“Ngay như các đại lý bán lẻ cũng không dám vay tiền ôm hàng nhiều như trước”, ông Phương nói thêm, đồng thời cho hay, D&F mới bán 40 tấn lạp xưởng; các sản phẩm khác thì mới dám sản xuất 30% sản lượng, còn lại thì phải nghe ngóng xem sức mua thị trường như thế nào nữa mới làm tiếp. “Số đầu heo và gà đã dự trữ thì chúng tôi cũng không dám giết mổ ồ ạt, thị trường cần tới đâu sẽ cung ứng tới đó”.
“Tình hình kinh tế khó khăn, thực phẩm vẫn là mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất dịp tết, tuy nhiên người tiêu dùng sẽ cân nhắc, lựa chọn những loại nào thật cần thiết mới mua”, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó tổng giám đốc SG.Fisco phân tích. Còn theo ông Châu Nhật Trung, đại diện công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, để kích thích người dân mua sắm, thì ngoài việc giữ giá, doanh nghiệp phải tính đến giải pháp đưa hàng đến tận nhà, nghĩa là tạo ra cách bán thuận tiện nhất cho người mua.
“Chúng tôi đã giết mổ trữ đông 200 tấn thịt gia cầm. Ngoài ra, vẫn giết mổ luân chuyển thêm 20 tấn/ ngày nên cũng khá hồi hộp”, ông Trung tâm sự. Theo ông, bên cạnh kênh cửa hàng, đại lý, siêu thị, thì năm nay, công ty tiếp tục bán hàng lưu động trên xe tải. Và đặc biệt, sẽ phải thực hiện việc bán hàng ngay từ sáng ngày mùng một tết chứ không đợi đến ngày mùng ba như các năm trước để đẩy hết hàng tết.