Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hãi hùng chuyện sữa quá đát
11 | 08 | 2008
Hiện tại thị trường Việt Nam rất phức tạp. Ngoài hơn 300 sản phẩm sữa của các Cty lớn còn có cả những loại sữa không nhãn mác rất dễ gây nguy hại cho người sử dụng. Trình độ quản lý của các cơ quan chức năng chưa đáp ứng kịp.
Chi cục quản lý thị trường (QLTT) TP HCM đang ra quân chấn chỉnh tình trạng sản xuất và tiêu thụ sữa, sản phẩm làm từ sữa... và đã phát hiện nhiều vụ sai phạm.

Đủ loại sai phạm

Cụ thể gần đây nhất là lúc 15 h ngày 30/7, Đội QLTT 4A đã phát hiện một xe tải chở hơn 3 tấn các loại nguyên liệu dùng chế biến sữa gồm: Lactoval Hi cal, Vanila flavour, Dezaan, Milk flavour, Strawberry flavour, Caramel Special, Palsgaard 5821 đều đã hết hạn sử dụng từ tháng 4/2008 hoặc tháng 7/2008. Chỉ có nguyên liệu Aviel plus 3625 còn hạn sử dụng đến tháng 4/2009.

Số hàng trên là của Cty Campina Việt Nam, bán cho Cty TNHH Đức Minh (Q 8). Cty Campina giải thích: Khi liên hệ mua hàng, nơi mua nói sẽ sử dụng nguyên liệu quá date để chế biến thức ăn gia súc, nên Cty Campina bán và ghi trên hóa đơn là "hàng thanh lý". Sơ xuất của Cty là không yêu cầu người mua xuất trình giấy phép kinh doanh lĩnh vực nào.

Ngày 31/7, QLTT phát hiện tại kho T & C Tait chứa hàng của Cty Campina tại Z11 quốc lộ 1A, quận 12 có đến 18 danh mục hàng hóa đã hết hạn sử dụng từ tháng 7/2007 đến 7/2008. Gồm: 20.381 hộp sữa nước loại 1.000 ml và 140 ml, và 35.202 hộp sữa đặc loại 380 gr nhãn hiệu Campina. Cty Campina giải thích là số hàng quá date này do các cửa hàng, siêu thị trả về cho Cty, đang chờ thiêu hủy.

Cùng ngày, QLTT TP HCM đã cùng Cục Cảnh sát Môi trường kiểm tra trụ sở Cty TNHH Lương thực Thực phẩm Á Châu (130 Tân Chánh Hiệp 25, quận 12) và kho hàng của Cty tại 153/4A (khu phố 1, Hiệp Thành, quận 12), phát hiện nơi này đang trữ 1.068 hộp sữa bột và 1.230 bịch sữa bột bán thành phẩm hiệu AC Food, 3.055 kg nguyên liệu dùng để chế biến sữa, 28.000 bịch nhôm dùng để chứa sữa, 125 kg nhãn dán, 1.400 vỏ hộp đã dán nhãn... Tiếp tục kiểm tra chi nhánh của Cty này (số 67 đường D10, quận Tân Phú), phát hiện 91 hộp sữa canxi, sữa tăng cân nhãn hiệu AC Food và 703,5 kg nhãn hiệu các loại... Do Cty không xuất trình được các loại giấy tờ liên quan đến số hàng trên trong thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã niêm phong hàng để tiếp tục điều tra làm rõ.

Quản lý kém, có lợi DN cứ làm

Tại Chợ Lớn, chợ Kim Biên (Q 5 - TP HCM) là 2 chợ chuyên phân phối số lượng lớn hàng về các tỉnh (bán hàng sỉ) đang bán rất nhiều sữa đóng lon, bịch giấy, túi nhựa... Riêng sữa xá có 3 dạng là sữa bột béo, giá 50.000 - 52.000 đồng/kg; sữa lạt 34.000 - 35.000 đồng/kg và sữa mặn (xác sữa) từ 25.000 - 26.000 đồng/kg. Thực ra, sữa xá là loại sữa đóng bao tải, bao nilon từ 50 kg có chất dinh dưỡng thấp, dùng làm bánh, kem. Nhiều người mua về pha chế thêm đường, hương sữa, bột béo tổng hợp rồi đóng gói nhỏ lẻ để bán cho người thu nhập thấp, ham rẻ, hoặc đưa về các tỉnh.

Theo ngành chức năng, sữa là một nguồn thực phẩm rất tốt cho cơ thể con người, nhưng sẽ không có tác dụng, hoặc gây hại nếu quá date, bảo quản không tốt hay bị pha trộn quá nhiều thành phần khác. Công tác QLTT sữa đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên liệu sữa chủ yếu nhập từ nước ngoài, nhưng nhà sản xuất chế biến, pha trộn như thế nào khó biết được, dù trước khi đưa một loại sữa ra thị trường, cơ sở sản xuất phải đăng ký chất lượng. Tuy nhiên, khi đăng ký chất lượng thì nhà sản xuất thường chọn mẫu tốt nhất để xét nghiệm còn người tiêu dùng sau đó không biết chắc là chất lượng đạt đúng như mẫu kiểm tra, vì "hậu kiểm" chưa được làm thường xuyên. Một phần cũng do thiếu kinh phí và thiết bị.

Ngày 5/8, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Thương - Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM nói: Tuyệt đại đa số các DN sản xuất và tiêu thụ sữa - các sản phẩm làm từ sữa tại Việt Nam làm ăn chân chính. Về vụ Campina, ông Thương cho rằng chưa thể kết luận Campina cố ý bán nguyên liệu quá date cho mục đích dùng làm thực phẩm cho người, và chưa phát hiện sữa quá date của Campina bán trên thị trường. Tuy nhiên, để bảo vệ uy tín các thương hiệu sữa tại Việt Nam, ngành chức năng đang điều tra và sẽ xử lý nghiêm khắc các vụ việc đã phát hiện. Khi mua sữa, người tiêu dùng nên chú ý thật kỹ nhãn hiệu, nguồn gốc, hạn sử dụng...

Nếu đối tượng ăn các sữa kém chất lượng là trẻ em từ 2 tuổi trở lên, người lớn, chỉ dùng 1-2 ly mỗi ngày thì tác hại không rõ rệt trước mắt. Còn về lâu dài, nếu dùng thường xuyên loại thực phẩm không an toàn sẽ bị suy dinh dưỡng, kém phát triển về thể chất, trí tuệ, giảm thọ, tổn thương gan ruột...




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường