Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghệ An nỗ lực khôi phục đàn gia súc
28 | 07 | 2008
Nghệ An lâu nay được xem là một trong những tỉnh có ngành chăn nuôi khá phát triển với tổng đàn trâu bò gần 724.000 con, đàn lợn trên 1.143.000 con, đàn gia cầm trên 12,5 triệu con. Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2008 đã làm người chăn nuôi ở Nghệ An điêu đứng: 12.554 con trâu bò bị đổ ngã và chết rét.
Tiếp đó là trận “bão” dịch “tai xanh” một lần nữa làm người chăn nuôi Nghệ An mất thêm 8.749 con lợn phải tiêu huỷ. Chưa hết, dịch LMLM, dịch tụ huyết trùng trên đàn trâu bò từ đầu năm đến nay đang tiếp tục hoành hành và lây lan trên một số huyện làm gần 300 con trâu bò đã và đang đứng trước nguy cơ bị tiêu huỷ. Tình hình trên đã làm cho kế hoạch phát triển chăn nuôi gia súc của Nghệ An đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới và không thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

Đứng trước tình hình đó, mục tiêu khôi phục đàn trâu bò, sau rét đậm, rét hại và đàn lợn sau dịch “tai xanh” được Nghệ An đặc biệt quan tâm và đặt lên bàn nghị sự. Ông Nguyễn Thọ Cảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An khẳng định: Việc phục hồi đàn trâu bò, đàn lợn cả về số lượng và chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của 6 tháng cuối năm 2008.

Các địa phương ngay từ bây giờ phải nỗ lực để vừa duy trì được tốc độ tăng đàn/năm vừa làm sao để đủ bù cả số lượng gia súc bị thiệt hại do thiên tai và do dịch bệnh gây ra. Phấn đấu để sang năm 2009 trở đi tốc độ tăng trưởng chăn nuôi cao. Theo hướng này, ngay từ bây giờ, chúng tôi chủ trương khôi phục đàn trâu bò bằng 2 giải pháp chính: Một là nhập đàn về nuôi (tăng đàn cơ học). Hai là phát triển đàn bằng sinh sản tại chỗ…

Để thực hiện mục tiêu trên, Nghệ An đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương chi trả kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh đã công bố để người chăn nuôi có vốn mua lại đủ số lượng trâu bò đã bị chết rét. Vận dụng các nguồn đầu tư, hỗ trợ của các dự án, nguồn chính sách của các tổ chức để bổ sung thêm gần 6.900 con nâng tổng đàn bò tăng đàn cơ học lên khoảng 19.430 con.

Việc đẩy mạnh phát triển đàn bằng sinh sản tại chỗ, các địa phương đang ráo riết bình tuyển đàn trâu bò cái để tập trung phối giống thật tốt và xây dựng mô hình chuồng trại chống rét cho trâu bò để sang năm có thể cho ra đời khoảng 86.000 con bê và 34.200 con nghé. Riêng đàn lợn, số lượng lợn nái hiện nay của Nghệ An vẫn còn gần 187.000 con nên việc duy trì khoảng 2,3 đến 2,5 triệu con giống/năm là không khó. Vấn đề đặt ra trong khôi phục đàn lợn là phải tổ chức sản xuất và cung cấp giống tại chỗ làm sao tránh lây lan dịch từ nơi khác về và đảm bảo diệt hết mầm bệnh từ các ổ dịch cũ, vừa phải tổ chức trợ giá giống gốc để sản xuất lợn hậu bị cái nhằm thay thế và tăng đàn lợn nái cho các địa phương.

Nghệ An chủ trương chi trả đủ 100% tiền hỗ trợ kinh phí mua bổ sung trâu bò với mức 2 triệu đồng/con. Hộ nghèo, hộ vùng đặc biệt khó khăn ngoài mức hỗ trợ chung, tỉnh đầu tư hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/con. Riêng đàn lợn, mỗi hộ gia đình có lợn nái bị tiêu huỷ, ngoài mức hỗ trợ chung (25.000 đồng/kg hơi) tỉnh còn trợ giá thêm 480.000 đồng/con để các hộ mua lại lợn nái. Tỉnh còn đầu tư kinh phí để xây dựng mô hình chuồng trại và chế biến thức ăn gia súc cho 6 huyện vùng cao (mỗi huyện 2 mô hình) dự kiến 120 triệu đồng. Đầu tư 1 tỷ đồng để mua 100 con trâu đực giống và hàng trăm triệu đồng để mua bổ sung trang thiết bị truyền tinh nhân tạo và kho bảo quản tinh…




Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường