Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giao rừng cho thôn, bản
15 | 07 | 2007
Trong những năm gần đây, việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng (thôn, bản và các tổ chức đoàn thể, xã hội) quản lý đã góp phần phát huy tiềm năng lao động địa phương, tăng thu nhập cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.
Từ năm 2004, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển rừng nhiệt đới (SGP PTF), đã tổ chức thành công nhiều mô hình giao rừng cho các cộng đồng quản lý.

Xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có hơn 2.400 ha đất tự nhiên thì đất có rừng chiếm hơn 1.000 ha, chủ yếu rừng tái sinh, do Lâm trường Hướng Hóa quản lý. Hạt Kiểm lâm huyện đã khoán rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ, rừng được bảo vệ tốt. Tuy nhiên, năm 2002, khi kinh phí khoán rừng  hết thì rừng bắt đầu bị chặt phá. Ngoài ra, xã còn hơn 400 ha đất đồi để hoang. Ông Trần Xuân Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: "Việc giao rừng theo chủ trương khoán bảo vệ chưa làm người dân có ý thức bảo vệ rừng, chủ yếu làm theo kinh phí phân bổ, do chưa xác định quyền sử dụng. Vì vậy, tỉnh và huyện cũng đã có chủ trương quy hoạch lại, giao diện tích rừng theo quy hoạch sản xuất cho các hộ dân, phần rừng đặc dụng và phòng hộ sẽ giao cho cộng đồng và lâm trường quản lý".

Năm 2004, khi được UNDP tài trợ, Hạt Kiểm lâm Hướng Hóa và Hội Nông dân xã đã triển khai SGP PTF tại bản Ruộng với tổng kinh phí khoảng một tỷ đồng, trong đó nhân dân và huyện đóng góp 250 triệu đồng. Hai năm qua, với nguồn vốn ít ỏi trên, dự án đã góp phần giao 130 ha rừng tự nhiên, 100 ha đồi núi trọc cho người dân, do UBND huyện cấp giấy; thành lập bốn tổ bảo vệ rừng. 100% số hộ dân đăng ký bảo vệ, quản lý rừng, được tập huấn kỹ thuật làm giàu rừng; Dự án đã hình thành quỹ phát triển rừng hơn 200 triệu đồng, cho người dân vay đầu tư trồng cây ăn quả, nuôi bò. Ðến nay, 100 ha đồi trọc được giao đã được phủ kín cây xanh, và hàng chục hộ dân có thêm thu nhập từ đàn bò. Gia đình ông Sơn cũng được vay tiền từ quỹ, đã trồng một vườn gió trầm và cây vải, ngoài ra mua thêm bò. Năm 2005, ông Sơn thu được 11 triệu đồng tiền bán bò giống.

Tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Ðác Lắc), Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh và Hội Nông dân xã chọn bản Tul là điểm triển khai SGP PTF. Bản Tul nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, có 1.114 ha rừng và đất lâm nghiệp. Ông A Ma Y, Trưởng buôn Tul cho biết, tham gia dự án SGP PTF, buôn Tul được giúp đỡ quy hoạch lại các loại rừng, người dân được tập huấn kỹ thuật trồng rừng, nhất là quy trình canh tác nương rẫy phù hợp, được vay vốn để phát triển sản xuất. Theo ông Y Thak Niê Kđăm, Chủ tịch Hội Nông dân xã thì mặc dù chỉ có số vốn đầu tư khoảng một tỷ đồng, nhưng đến nay, toàn buôn đã khoanh nuôi, tái sinh 500 ha rừng; chuyển 300 ha rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, được giao thẳng cho người dân để bảo vệ. Bà con đã trồng được gần 100 ha rừng sản xuất; xây dựng được một vườn ươm giống có thể cung cấp 200 nghìn cây giống/năm. Ngoài ra, từ nguồn quỹ của dự án, mỗi năm giúp cho 10-15 hộ dân vay mua bò trong hai năm. Nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu. Gia đình ông A Ma Brai có 12 người, được hỗ trợ 1,5 triệu trồng 1,5 ha rừng sản xuất, được vay vốn mua hai con bò và trồng điều, ca-cao. Ðến nay, gia đình ông đã có tám con bò, tám sào ca-cao, sáu sào ruộng rẫy, năm sào điều. Năm 2006, ông ước tính thu nhập từ vườn đồi được hơn 35 triệu đồng, chưa kể 1,5 ha rừng sẽ cho thu hoạch trong 5-6 năm nữa.

Nằm trong vùng đệm của khu bảo tồn Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), những năm trước, người dân ở xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) thường khai thác lâm sản tự nhiên một cách bừa bãi. Diện tích đất trống, đồi trọc của thôn ngày một nhiều. Bà Dương Thị Hói, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Trạch cho biết, khi Hội Phụ nữ được giao triển khai SGP PTF, Hội đã quyết định chọn bốn thôn có nhiều diện tích đất trống tham gia dự án. Khi chúng tôi đi thăm thôn Lín, thấy cả một dãy đồi mênh mang đã mọc lên những cây keo lá tràm cao ngang đầu người. Chị Hói cho biết, mỗi ha trồng mới, dự án hỗ trợ người dân khoảng sáu triệu đồng. Kế hoạch hai năm 2006 - 2007 là phủ xanh rừng sản xuất trên 100 ha đất trống đã được UBND huyện giao cho người dân. Ðến nay, toàn xã đã trồng 35 ha keo, tham gia bảo vệ  200 ha rừng phòng hộ. Với tổng số tiền của dự án hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng, toàn xã đã có 103 hộ dân được hưởng lợi (hỗ trợ trồng rừng và cây ăn quả), trong đó 26 hộ được vay thêm vốn mua bò, dê, lợn. Trên đồi Lín, chúng tôi gặp bác Trần Thị Sâm ở thôn 3. Bác Sâm cho biết, gia đình có đến 19 thành viên, thu nhập chủ yếu từ 2,8 ha thông, ba ha sắn, sáu sào ruộng. Ðược dự án hỗ trợ bốn nghìn cây keo giống, 300 cây ăn quả (xoài, nhãn, hồng) và vốn vay mua hai con dê.  Bác bảo "Tôi sinh ra ở rừng, từ nhỏ toàn chặt cây rừng, đến giờ lại suốt ngày trồng rừng. Rừng đã trở thành thu nhập chính của nông dân chúng tôi đấy".

Theo ông Nguyễn Hải Nam, điều phối viên của chương trình SGP PTF, trong ba năm qua, chương trình đã chọn  được 28 thôn, bản ở 16 tỉnh trung du và miền núi để triển khai dự án. Dự kiến, hết năm 2007, chương trình sẽ kết thúc. Ðến nay, đã có hơn 10 dự án cơ bản hoàn thành. Kết quả bước đầu của dự án cho thấy bốn ưu điểm. Thứ nhất là công tác giao đất, giao rừng kèm theo kế hoạch khai thác, hưởng lợi đã tạo cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất rừng trồng. Nhiều hộ dân đã được giao đất qua hình thức sổ đỏ đã góp lại để hình thành mô hình cộng đồng thôn, bản cùng trồng mới những loại cây có giá trị kinh tế cao như keo lá tràm, mỡ. Thứ hai, các điểm triển khai dự án đều đã hình thành cơ chế và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên khá tốt nhờ được hưởng phụ cấp. Thứ ba là qua hình thức hình thành quỹ cho vay sản xuất đã góp phần tạo điều kiện để một số gia đình có thêm thu nhập ổn định, ít nhất duy trì được cuộc sống trong chu kỳ khai thác rừng trồng (6-8 năm). Ưu điểm cuối cùng là qua các hoạt động hỗ trợ cây, con giống cũng như tập huấn kiến thức về nuôi, trồng, nhiều hộ dân đã có thêm kiến thức sản xuất, nâng cao kỹ thuật nuôi, trồng các loại cây, con giống mới, tạo đà để chính quyền và ngành nông nghiệp triển khai phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hầu hết các điểm dự án đều đã tự sản xuất được vườm ươm giống cây lâm nghiệp, tự cung cấp cho đồng bào nguồn cây giống với chi phí thấp.

Hiện nay, ở nước ta việc giao rừng cho cộng đồng quản lý đã và đang được nhiều địa phương triển khai, tuy nhiên hình thức triển khai khác nhau. Nhiều địa phương mới dừng ở mức giao đất lâm nghiệp cho cộng đồng mà chưa có kế hoạch để người dân triển khai cụ thể kế hoạch sản xuất cũng như kế hoạch khai thác, hưởng lợi khi nhận đất trồng rừng, cho nên kết quả còn hạn chế. Chính vì vậy, việc triển khai các dự án thử nghiệm mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng quản lý như của chương trình SGP PTF cần được các địa phương nghiên cứu, nhân rộng.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường