Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xã hội hóa nghề rừng ở Lâm trường Ðình Lập
04 | 07 | 2007
Trong khi không ít nông, Lâm trường gặp khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể thì Lâm trường Ðình Lập (Lạng Sơn) lại khẳng định được hướng làm ăn hiệu quả, làm giàu từ cây thông mã vĩ, trở thành điểm sáng trên vùng biên giới.
Có được bước chuyển đó là nhờ Ðảng bộ Lâm trường sớm đưa ra Nghị quyết đúng đắn, sát thực với cuộc sống.

Ðường 4B, con đường của một thời khói lửa, làm nên chiến thắng biên giới thu đông 1950, vậy mà giờ đây vẫn nham nhở ổ trâu, ổ gà. Duy chỉ hai bên đường đi từ TP Lạng Sơn về huyện Ðình Lập, ngút ngàn mầu xanh của thông mã vĩ. Những cây thông vươn thẳng giữa bầu trời mùa thu trong trẻo. Không khí êm dịu đầy hương vị của cỏ cây.

Ðó là những cảm giác đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Ðình Lập, mảnh đất còn đầy nhọc nhằn, gian khó của tỉnh Lạng Sơn, nhưng đang từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Ðình Lập có 80% diện tích là đồi, núi.

Là huyện thuần nông, đời sống của bà con các dân tộc nơi đây chủ yếu trông chờ vào cây lúa, cây ngô. Trong cái khó, Ðình Lập lại được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, đất đai và những đồng cỏ, đồi, núi rất thích hợp trồng các loại cây công nghiệp như: thông, chè... Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Lạng Sơn có hơn 76 nghìn ha thông, thì Ðình Lập chiếm tới 40 nghìn ha. Ðây là một thế mạnh của huyện.

Song, để có được số diện tích trên phải kể đến mồ hôi, công sức của những người từng gieo ươm, đem cây thông đến với mảnh đất này. Sau bao nhiêu năm, cây thông đã không phụ lòng người, ngày nay trở thành cây có giá trị kinh tế cao.

Bác Lê Hồng, nguyên Giám đốc Lâm trường Ðình Lập, đã về hưu kể lại: Là người con của xứ Nghệ, khi mới ra trường, tôi được cử lên gây dựng sự nghiệp trồng cây trên tuyến biên giới vào những năm 60 của thế kỷ trước. Cả đời tôi gắn bó với núi rừng xứ Lạng, với bà con các dân tộc nơi đây, bao năm ươm trồng những cánh rừng xanh, nay mới trở thành rừng "vàng".

Nhưng để có và giữ được những đồi thông như ngày hôm nay, cán bộ, công nhân lâm trường đã trải qua bao phen thăng trầm. Khi mới thành lập vào năm 1959, chỉ có một đội sản xuất với năm lao động, được giao nhiệm vụ trồng, quản lý và bảo vệ rừng. Thời đó, đất trống, đồi, núi trọc nhiều, người dân địa phương thấy những công nhân đi trồng cây là chuyện lạ. Như những con ong chăm chỉ, cần mẫn hút mật cho đời, những cánh rừng thông theo năm tháng cũng lớn lên.

Và thời kỳ huy hoàng nhất là từ năm 1978 đến 1985, lực lượng lao động của lâm trường lên tới 1.142 người, mỗi năm trồng 300 ha rừng thông, năm cao nhất trồng 2.500 ha; sản phẩm gỗ khai thác bình quân hằng năm từ 1.000 m3 đến 3.000 m3, sản phẩm làm đến đâu đều có khách hàng bao tiêu, giá cả ổn định. Nhưng từ năm 1986, chuyển từ cơ chế bao cấp sang hạch toán kinh doanh, lâm trường tưởng chừng phá sản, vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, xảy ra tranh chấp vườn rừng, người dân đốt rừng làm nương rẫy, đời sống của người lao động không ổn định. Hàng nghìn công nhân xin chuyển công tác. Ðến năm 1991, lâm trường chỉ còn 266 cán bộ, công nhân, hiện nay còn 205 lao động, được bố trí tổ chức sản xuất ở bảy đơn vị sản xuất, hai xưởng chế biến.

Trong câu chuyện kể về một thời gian khó đó, Bí thư Ðảng ủy, Giám đốc Lâm trường Lê Gia Thái, người từng một thời nếm trải những năm tháng đầy cam go, nói tiếp: Ðứng trước những khó khăn đó, đòi hỏi Ðảng bộ lâm trường phải tìm ra lời giải từ thực tiễn. Muốn đứng vững được không có con đường nào khác là phải đổi mới nghề rừng, lấy năng suất, chất lượng và hiệu quả làm thước đo, nhưng phải quản lý bảo vệ được vốn rừng, bằng giải pháp giao khoán đến từng cây, giao vườn đến cán bộ, công nhân và bà con dân bản...

Từ năm 1992 đến nay, hằng năm, lâm trường ký hợp đồng với hơn 1.200 lượt hộ dân trên địa bàn năm xã nơi có diện tích đất rừng thuộc lâm trường quản lý. Lâm trường lo hướng dẫn kỹ thuật, cây giống và bao tiêu sản phẩm cho người lao động. Sự hình thành mối liên kết giữa: Lâm trường và người lao động, đã tạo sự gắn kết bền vững khẳng định hướng đi đúng đắn của lâm trường. Với cách làm này, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động được bảo đảm. Vì vậy, đã hạn chế được tình trạng đốt, chặt phá rừng. Ðể phát triển được vốn rừng, Lâm trường còn thực hiện phương châm: trồng rừng phải gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm...

Thực tế đó đã khẳng định bước đi đúng đắn của lâm trường, sản xuất không ngừng phát triển, đời sống của cán bộ, công nhân không ngừng được nâng cao. Cụ thể, từ năm 1990 đến nay, lâm trường đã trồng mới được 2.865 ha rừng, ngoài ra, Lâm trường còn vận động nhân dân thực hiện các dự án 661, 327, với tổng diện tích 5.277 ha. Hiện nay, tổng diện tích đất rừng do lâm trường quản lý hơn 11.285 ha, trong đó đất đã có rừng hơn 7.498 ha, chiếm 10% tổng diện tích đất lâm nghiệp của huyện.

Những năm gần đây, mỗi năm, lâm trường trồng mới 150 ha trở lên, khai thác gỗ tròn 7.200 m3, khai thác nhựa thông 500 tấn/năm. Năm nay, lâm trường đầu tư lò sấy gỗ chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Theo Phó Giám đốc Lâm trường Nguyễn Thị Vui: Cây thông là cây lâu năm, từ 15 năm trở lên mới cho khai thác.

Ðến làng lâm nghiệp Còn Ðuống, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, đường vào làng được bê-tông hóa. Hầu hết các hộ ven đường đều xây nhà kiên cố, thấp thoáng dàn ăng-ten, tiếng loa vang vọng.

Bí thư chi bộ, Ðội trưởng Phạm Công Ðoàn phân trần: Ðội có 12 công nhân, chuyên làm nhiệm vụ gieo ươm cây giống, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con. Hiện, diện tích rừng do đội quản lý gồm hơn 900 ha. Ðể giữ được rừng, đội còn triển khai ký hợp đồng với 140 hộ dân trong vùng cùng tham gia chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng. Nhiều hộ gia đình nông dân mỗi năm được hưởng lợi từ việc khai thác nhựa thông từ bảy đến tám triệu đồng/năm, mọi sản phẩm khai thác như gỗ, nhựa thông đều được Lâm trường lo tiêu thụ. Ðể xây dựng mối liên kết bền chặt, hằng tháng, hằng quý, chi bộ của các đội sản xuất đều cùng với chi bộ thôn giao ban, trao đổi, bàn biện pháp, nắm vững tư tưởng, nguyện vọng của bà con, khắc phục những yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn phá rừng, đốt rừng.

Với phương châm chỉ đạo ở đâu có đất rừng của lâm trường, ở đó có chi bộ đảng ở từng đội sản xuất, bảy đội Trung tâm lâm nghiệp của lâm trường đều đã có chi bộ Ðảng. Mọi sự chỉ đạo của Ðảng ủy lâm trường đều được triển khai đến từng cán bộ, công nhân của các đội. Ðồng thời, các chi bộ cơ sở cũng đã làm tốt sự phối hợp các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, giải quyết việc làm, góp phần xã hội hóa nghề rừng trên địa bàn huyện, đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn miền núi.

Nhờ những nỗ lực đó, từ năm 2000 đến nay, Ðảng bộ Lâm trường Ðình Lập luôn được công nhận là Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong dịp kỷ niệm 45 năm xây dựng và trưởng thành, vừa qua lâm trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Ðộc lập hạng ba.


(Nguồn: Nhân Dân)
Báo cáo phân tích thị trường