Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cả sẽ tăng bền vững
17 | 03 | 2009
Giá cả tiêu dùng trong tháng 3 và những tháng sau đó sẽ tiếp tục xu hướng gia tăng một cách bền vững với mức tăng dao động vào khoảng 1%/tháng và có thể cao hơn trong 2 quý cuối năm.

Đó là nhận định của TS Nguyễn Minh Phong, Trưởng Ban Nghiên cứu kinh tế (Viện Khoa học và Xã hội Hà Nội) về xu hướng diễn biến của thị trường trong thời gian tới, dù ông cho rằng “hai tháng là một khoảng thời gian không dài và tất nhiên những chỉ số trong 2 tháng chưa mang tính đại diện cho xu thế của cả năm”.

Giá sẽ tăng nhưng không đột biến

Lý giải điều này, ông Phong nhận định, trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới đang tung ra những gói kích cầu với tổng trị giá hàng ngàn tỷ đô la, một lượng tiền rất lớn sẽ được đưa ra thị trường, bất chấp tâm lý dè dặt, tiết kiệm của một bộ phận lớn người tiêu dùng. Ở thị trường trong nước cũng tương tự. “Không phải là quá sớm khi cảnh báo về khả năng tái xuất hiện tình trạng lạm phát khi một lượng tiền tệ lớn được đưa vào lưu thông”, chuyên gia này bình luận.

Trên thực tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2009 theo giá thực tế ước tính đạt 179,8 nghìn tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2008. Riêng hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM đạt 63,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 35,3% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, tăng 18,5% so với 2 tháng đầu năm 2008. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2009 tăng 1,17% so với tháng trước. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,67% (lương thực tăng 0,82%; thực phẩm tăng 1,72%); nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,59%. Các nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá giảm: văn hoá, thể thao, giải trí giảm 0,07%; phương tiện đi lại, bưu điện giảm 0,05%. Tổng hợp lại, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 2 tháng đầu năm 2009 tăng 16,13% so với cùng kỳ năm 2008.

Phân tích kỹ hơn biến động của các nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, các chuyên gia cho rằng xu thế tiêu dùng đang dần dần trở lại đúng quy luật hàng năm - cũng có nghĩa là sẽ tăng giá vào những tháng tới.

Xuất siêu: chưa vội mừng!

Lần đầu tiên, kể từ tháng 1-2006, cán cân xuất nhập khẩu của nước ta đảo chiều với kết quả tính chung cho 2 tháng là xuất siêu 290 triệu đô la Mỹ. Tưởng chừng như căn bệnh nhập siêu đã thoái lui, nhưng các chuyên gia kinh tế lại thận trọng cho rằng đây chưa phải tín hiệu đáng mừng. Xuất siêu không phải do ta xuất khẩu được nhiều hàng, hàng được giá mà là do nhập khẩu giảm mạnh. Kim ngạch nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm là 7,73 tỷ đô la Mỹ, giảm 43,1% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị nhập khẩu của các mặt hàng chủ lực đều giảm, đặc biệt, giảm mạnh ở nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp suy giảm. Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước, phần vì giá thế giới giảm, một số doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong khâu thanh toán, phần vì nhu cầu tiêu thụ tại một số thị trường giảm sút. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may 2 tháng đầu năm 2009 đạt 1,3 tỷ đô la, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2008; dầu thô đạt 958 triệu đô la, giảm 42,4% (mặc dù tăng 26,7% về lượng); cà phê đạt 440 triệu đô la, giảm 9,6% (tăng 10,8% về lượng)...

Chính vì vậy, nhiều nhà kinh tế cho rằng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phát triển sản xuất ở thời điểm này là rất cần thiết, nhưng phải được tiến hành từng bước một cách khôn ngoan.



Nguồn: www.dddn.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường