Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khi “tam nông” thiếu tri thức
16 | 03 | 2009
Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhiều chuyên gia đã nhận định rằng, đối tượng bị tổn thương nhiều nhất từ việc hội nhập chính là nông dân.

Cũng không phải mãi tới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thì chúng ta mới nhận ra điều đó, thực tế, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị ngày càng rộng. Đã đến lúc hiệu quả của những hình thức hỗ trợ cho tam nông: nông nghiệp – nông dân – nông thôn cần phải được cân nhắc, nghiên cứu lại.

Nghề “truyền thống”: buôn “đồng nát”

Ông Ngô Minh Loan, xóm Đông, xã Xuân Tân, Xuân Trường, Nam Định năm nay đã 65 tuổi - vốn là bộ đội phục viên- hiện đang chăm sóc ba sào ruộng và hai sào vườn. Tuy vậy, thu nhập chính của ông và gia đình lại là những suất lương hưu chứ không phải từ sản xuất nông nghiệp.

Với ba sào ruộng, thu gần năm tạ thóc một vụ chỉ đủ bù cho các khoản chi cho thuê cày, bừa, cấy lúa, mua giống, phân, thuốc sâu...

Còn hai sào vườn, ông trồng rau, một số cây ăn quả và thả gà. Thi thoảng bà hái những quả ổi, quả chanh, bưởi, hoa hoè, rau thơm... đem bán ở chợ làng, kiếm thêm vài ngàn bạc lẻ. “Những cây này cũng không cho thu hoạch cao, tôi tự mày mò mua giống trồng cấy cho vui thôi, chứ hoa quả xấu, chất lượng không cao thì làm sao bán được giá” – ông Loan nói.

Với ông Loan như thế còn hơn nhiều người dân cùng quê khác, bởi hai ông bà có lương hưu. “Rất nhiều hộ gia đình khác nếu chỉ dựa vào mấy sào ruộng, dịch bệnh liên miên mà còn nuôi con ăn học nữa thì thực sự quá vất vả. Vậy nên người dân quê tôi phải ra thành phố kiếm việc làm như đội bê tông, phu hồ, buôn bán đồng nát… để có tiền chi tiêu” – ông nói.

Đúng vậy, có những thời điểm, vùng quê thuần nông này lại trở nên khan hiếm người cấy, gặt thuê chỉ vì rất nhiều nông dân ra các thành phố tìm kiếm việc làm và cũng vì không ít nông dân… chán ruộng. Người dân Xuân Trường cũng thường nói đùa với nhau rằng, nghề truyền thống của vùng này chính là… buôn “đồng nát”.

Còn ông Loan thì tỏ ra buồn rầu khi tâm sự rằng, một vùng trù phú với điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp nhưng thu nhập của người dân lại phụ thuộc vào những chuyến làm ăn xa. Người dân không nề hà các công việc nặng nhọc, vất vả ở thành phố và cũng không thể phủ nhận được bộ mặt làng quê đã thay đổi nhờ những chuyến làm ăn xa, nhưng rõ ràng, “tài nguyên” cho sản xuất nông nghiệp đã không được tận dụng.

Ông Đặng Duy Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tân cho biết, “xã không có cây con gì đặc trưng và làm thế mạnh, sản phẩm tản mát, chất lượng thấp. Chúng tôi cũng chưa tạo được đầu ra nên sản phẩm của bà con lại trôi nổi, người dân tự sản, tự tiêu mà thôi”.

Hiện xã Xuân Tân cũng đã có một số mô hình kinh tế trang trại do vài nông dân mạnh dạn vay vốn đầu tư làm ăn, manh nha việc sản xuất kinh tế hàng hoá nông nghiệp tại vùng bãi bồi ven sông Hồng và tạo việc làm cho một số lao động địa phương. Nhưng những “người dũng cảm” chưa đủ sức làm sống dậy vùng đất thuần nông này.

Lác đác cán bộ trình độ đại học

Vậy đâu là chỗ dựa cho người nông dân và ai hướng dẫn họ cách làm giàu?

Ngoài việc tìm kiếm thông tin trên đài, báo, kinh nghiệm truyền miệng giữa những người nông dân, hệ thống loa truyền thanh cũng tích cực truyền tải thông tin của UBND xã tới từng hộ dân.

Xã Xuân Tân mới đầu tư 16 cụm loa truyền thanh, hàng ngày cập nhật thông tin từ lịch xuống giống, trồng cấy, tới phun thuốc trừ sâu, dịch bệnh, tiêm phòng cho gia súc, gia cầm… thậm chí cả các thông tin về dân số, giờ chạy các chuyến xe lên Hà Nội, danh sách học sinh đỗ ĐH, CĐ… cho mọi người dân trong xã.

Các bí thư chi bộ, trưởng thôn cũng là một kênh quan trọng chuyển tải thông tin tới các hộ dân những tin tức nói trên.

Tất nhiên đó chỉ là những thông tin hoàn toàn mang tính thời vụ. Còn đội ngũ cán bộ thú y, khuyến nông – lâm - thủy sản… chủ yếu lo công tác phòng trừ sâu bệnh, tiêm phòng cho vật nuôi, tư vấn người dân khi họ hỏi… Ông Lộc khẳng định, tại cơ sở, đội ngũ này đã làm tốt vai trò của mình, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, ông Trịnh Trọng Phan, Chủ tịch UBND xã lại cho rằng, cán bộ cấp xã chưa phát huy hết vai trò của mình và chưa bao giờ cấp cơ sở lại cần nhân lực có trình độ ĐH như lúc này. Được biết, cả xã có 19 chức danh thì chỉ được một kế toán có trình độ ĐH, một người đang học hàm thụ ĐH. “Có cán bộ có trình độ, bằng cấp cao, nhiều kinh nghiệm thì sẽ giúp cho xã được nhiều việc hơn rất nhiều” – ông Phan nói.

Trí thức cho phát triển nông nghiệp - nông thôn không chỉ là vấn đề đau đầu của riêng chủ tịch Phan mà cả ở những cấp cao hơn.

Nam Định là vùng đất học, chỉ riêng xã Xuân Tân, hàng năm có hàng chục học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Riêng năm 2008 có 37 học sinh đỗ ĐH và 47 em đỗ vào các trường CĐ trong cả nước.

Mặt bằng dân trí của xã thuộc loại cao nếu tính tỉ lệ đỗ, tốt nghiệp cao học, ĐH, CĐ… nhưng hầu hết nguồn lực này không quay về địa phương công tác mà ở lại các tỉnh, thành phố lớn khác. Và không thể không suy nghĩ khi một vùng đất học mà hàm lượng tri thức đóng góp cho phát triển kinh tế địa phương lại quá nhỏ nhoi. Đây là một nghịch lý không dễ gì giải quyết.

Dù sao, cũng không thể đòi hỏi cán bộ ở cấp cơ sở có thể đưa ra được quyết sách làm giàu cho người nông dân mà cần phải có một chiến lược mang tầm vĩ mô để có thể thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đưa nước ta thành nước công nghiệp hoá vào năm 2020.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường