Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kích cầu trong nước: Hướng về nông thôn
10 | 03 | 2009
Bộ Công Thương đang xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ gói chương trình khai thác thị trường nội địa, kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh thị trường nông thôn.

Theo các chuyên gia, kích cầu thị trường nông thôn là hướng đi đúng nhưng cần cụ thể để tránh tình trạng làm rầm rộ nhưng triển khai ít hiệu quả.

Đẩy thị trường nông thôn: Không đơn thuần là nông nghiệp

Bộ Công Thương đang xây dựng để trình Chính phủ đề án “Kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, mở rộng khai thác thị trường nội địa”.

Theo đề án, nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thị trường nội địa; tổ chức một số hội chợ chuyên đề theo nhóm sản phẩm hoặc theo vùng để giúp các doanh nghiệp gây sự chú ý và kéo người tiêu dùng tới những sản phẩm nội. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bán sản phẩm, nhất là tại thị trường nông thôn.

Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các Cty Việt Nam tổ chức ba đoàn thí điểm bán hàng lưu động trực tiếp tại các trung tâm huyện, xã. Sản phẩm chủ yếu là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, có giá cả, chất lượng phù hợp với người dân khu vực nông thôn, chương trình này sẽ triển khai trong tháng 3/2009 và kéo dài hết năm 2010.

Tổng kinh phí cho gói chương trình này được đề xuất là gần 52 tỷ đồng.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, việc xây dựng các đề án nhằm kích thích, phát huy thị trường trong nước là bước đi đúng.

Nhưng với tình hình thị trường xuất khẩu ngoài nước đang gặp khó, phát triển thị trường trong nước cũng không dễ dàng.

Việc hướng tới thị trường nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng nhưng đây cũng là khu vực cần yểm trợ do khả năng bất ổn cao.

“Chương trình yểm trợ phải rất cụ thể như hỗ trợ bằng lãi suất cho tiêu thụ nông sản thay vì đưa tiền thẳng cho nông dân chẳng hạn sẽ tốt hơn. Còn với các nhóm chịu nhiều rủi ro về thị trường, thiên tai xếp vào diện yếu thế, nhà nước cần có những chính sách quyết liệt hơn, thậm chí phải đưa ra những khoản cứu trợ để vực dậy”- Ông Thiên nói.

Cũng theo ông Thiên, việc tập trung vào thị trường này đáng lẽ phải làm từ lâu, phải có chiến lược quan tâm phát triển kinh tế nông thôn theo nghĩa rộng chứ không chỉ đơn thuần là nông nghiệp.

Trong điều kiện hiện nay, để làm nhanh vấn đề này, cần giải tỏa những ách tắc trong thị trường nông thôn, làm sao để hàng hóa tiêu thụ được lưu thông, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ.

Những việc đơn giản như bỏ việc cấm nông dân bán hàng tại những khu vực nhất định cũng là việc rất có ý nghĩa. Đây là lúc cần tạo điều kiện cho khu vực sản xuất nhỏ hoạt động.

Doanh nghiệp phải thay đổi cách làm

TS. Vũ Đình Ánh

Cùng quan điểm trên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường - Giá cả, Bộ Tài chính, TS Vũ Đình Ánh cũng cho rằng, hiện thị trường nông thôn hầu như bị chiếm lĩnh của hàng hóa nước ngoài trong khi hàng hóa trong nước gần như bỏ trống.

Nhu cầu và khả năng thanh toán ở thành thị tốt hơn nhưng nhu cầu mà hàng hóa trong nước đáp ứng được thì đã gần như bão hòa. Do đó khả năng tiếp cận và kích cầu sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với thị trường nông thôn.

Theo TS Ánh, với dân số khoảng gần 70 phần trăm sống ở nông thôn, kích cầu ở thị trường này, cụ thể là kích cầu nông dân, hiệu quả hơn rất nhiều so với kích cầu thành phố. Nhu cầu của thị trường này rất lớn nên khi họ có khả năng thanh toán chắc sẽ khiến hàng hóa trong nước tiêu thụ tốt.

Việc bỏ trống thị trường trong nước có nhiều lý do, một phần do giá thành của doanh nghiệp nội sản xuất thường cao hơn nhập khẩu, chất lượng cũng không bằng.

Trung Quốc chi 2,9 tỷ USD hỗ trợ nông dân mua hàng điện tử

Năm 2009, Chính phủ Trung Quốc chi 20 tỷ NDT (2,9 tỷ USD) hỗ trợ nông dân mua hàng điện tử gia dụng. Đây là một phần của kế hoạch kích cầu trong nước với mục tiêu đạt mức doanh thu 150 tỷ NDT (22 tỷ USD) từ bán hàng điện tử gia dụng ở khu vực nông thôn.

Trong năm 2009, Trung Quốc có kế hoạch lập thêm 150.000 cửa hàng bán lẻ, xây dựng 1.000 trung tâm phân phối hàng hóa và 200 khu chợ bán buôn nhằm hoàn thiện hệ thống bán hàng tại khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân mua sản phẩm chất lượng và đúng giá.

“Nếu các doanh nghiệp vẫn ứng xử theo kiểu vì không bán được ra thị trường nước ngoài thì quay về thị trường trong nước, họ sẽ thất bại với cách làm này. Quay lại thị trường trong nước là một vấn đề đòi hỏi doanh nghiệp phải tiếp cận hết sức bài bản và phải coi đây là thị trường mục tiêu dài hạn.

Đây là vấn đề cả về tiêu thụ sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Một cách khác để chiếm lại thị trường trong nước nữa là trước đây xuất khẩu được sự ưu đãi thế nào thì nay cũng nên áp dụng như vậy với thị trường trong nước”- Ông Ánh phân tích.

Đại diện cơ quan soạn thảo đề án kích cầu, ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương, cũng khẳng định, hàng Việt Nam có nhiều lợi thế vượt trội.

Tuy nhiên, để chiến thắng trong cạnh tranh, doanh nghiệp phải tổ chức tốt công tác thị trường.

“Gói kích cầu tiêu dùng thực chất là đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt Nam trên thị trường nội địa. Kết quả tiêu thụ thế nào tùy thuộc vào khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều người cho rằng, tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam sẽ là trở ngại nhưng, tôi cho rằng, xu hướng ấy không phải là phổ biến và không đáng ngại”- Ông Quyền lạc quan.



Nguồn: Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường