Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa gạo quay đầu về mức năm ngoái?
06 | 11 | 2008
Giá lúa gạo trong và ngoài nước vẫn tiếp tục giảm. Điều này khiến nỗi lo giá lúa gạo lùi về ở mức như năm ngoái đang có nguy cơ thành hiện thực.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến đầu tháng 11/2008, giá lúa hè thu chất lượng cao chỉ còn khoảng 3.800-3.900 đ/kg, lúa IR50404 còn 3.100-3.200 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 khoảng 5.300 – 5.400đ/kg, gạo nguyên liệu loại 2 khoảng 4.300–4.700 đ/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn tàu khoảng 6.000 - 6.400 đ/kg, gạo 15% tấm khoảng 5.200 - 5.500 đ/kg. Còn theo thông tin từ Sở NN- PTNT An Giang, giá lúa chất lượng cao ở tỉnh này chỉ còn 3.500-3.700 đ/kg, lúa IR50404 còn thảm hại hơn nữa với mức giá từ 2.500-3.100 đ/kg.

Như vậy, những mức giá nói trên đã xuống gần bằng với mức giá các loại lúa gạo tương ứng của năm 2007. Vào thời điểm này năm ngoái, giá lúa chất lượng cao ở Long An là 3.500-3.600 đ/kg. Gạo 5% tấm giá từ 5.300 - 5.400 đ/kg, gạo 15% tấm khoảng 5.200 đ/kg, gạo 25% khoảng 5.000 đ/kg.Tuần đầu tiên của tháng 11, giá gạo thế giới cũng đã giảm khá mạnh. Giá gạo chuẩn (gạo 100% loại B) của Thái Lan chỉ còn 580 USD/tấn, giảm tới 50 USD/tấn so với lần chào giá trước đó. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong 7 tháng qua, giá gạo Thái Lan xuống dưới ngưỡng 600 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đến cuối tháng 10 là 500 USD/tấn đối với gạo 5%, gạo 10% tấm giá 480 USD/tấn, gạo 15% tấm 430 USD/tấn và gạo 25% tấm là 410 USD/tấn.

Ở thị trường giao dịch kỳ hạn tại Chicago (Mỹ), giá gao dịch cho các hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2008 và tháng 1/2009 cũng giảm khá mạnh. Hợp đồng kỳ hạn tháng 11/2008 giá giảm 9 US cent xuống 15,29 USD/cwt, trong khi kỳ hạn tháng 1/2009 giảm 7 ½ US cent xuống 15,56 USD/cwt.

Nguyên nhân của tình trạng giảm giá gạo XK trên toàn cầu, vẫn là do các nước NK lớn đã tích trữ đủ lượng gạo cần thiết trong thời gian tới hoặc đã tự lực được. Bên cạnh đó, các nước châu Phi dù vẫn đang có nhu cầu NK gạo với số lượng lớn, thì lại gặp khó khăn lớn về tài chính. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho nhiều ngân hàng quốc tế mất khả năng thanh khoản, đành phải thắt chặt tín dụng, không bảo lãnh mở L/C mua hàng, nhất là với các nhà NK của châu Phi. Do không mở được L/C, nhiều nhà NK lương thực ở châu Phi đã phải huỷ bỏ các hợp đồng đã ký kết, tạm ngưng hỏi mua gạo từ các nước XK.

Trong khi đó, nước XK gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan còn tồn tới trên 4 triệu tấn gạo. Đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay. Nước này lại chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ chính trong tháng 11 này. Chính phủ Ấn Độ cũng đã thông báo về việc được mùa lúa vụ chính và việc thu mua dự trữ vượt kế hoạch đề ra.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tháng 10/2008, cả nước XK được 404.307 tấn gạo, trị giá 193,243 triệu USD (FOB). Như vậy, từ ngày 1/01/2008 đến ngày 31/10/2008, nước ta đã XK 3.958.190 tấn gạo, trị giá 2,3455 tỷ USD (FOB).

Nhiều khả năng nước này sẽ khôi lại hoạt động XK gạo một cách bình thường trong tháng 11/2008. Pakistan cũng đã trúng mùa lúa nên nước này đã dỡ bỏ giá XK tối thiểu và dự kiến sẽ XK nhiều hơn trong mấy tháng tới. Những nguồn cung dồi dào từ 3 nước nói trên sẽ khiến thị trường gạo toàn cầu trong tháng 11 này, nhiều khả năng vẫn còn tiếp tục ảm đạm.

Giá gạo thế giới trong thời gian qua cũng bị tác động không nhỏ từ giá dầu thô. Theo ước tính của Tổ chức Nông – Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nếu giá dầu giảm đi một nửa, từ mức 130 USD/thùng xuống còn 65 USD/thùng, thì giá gạo sẽ giảm 32% do chi phí sản xuất, vận chuyển giảm. Chính những điều trên đang đẩy giá gạo thế giới nhiều khả năng còn tiếp tục giảm nữa trong những tháng cuối năm 2008 và đầu 2009, và có thể xuống thấp dưới mức giá thành. Tuy nhiên, nếu nhìn lại giá gạo XK bình quân của năm 2007 là 300 USD/tấn thì giá gạo XK hiện nay chưa đến mức quá tệ hại. Chỉ có điều chi phí SX lúa năm 2008 chắc chắn cao hơn nhiều năm 2007 do giá phân bón, công làm đất, công thu hoạch tăng cao nên người trồng lúa hầu như không có lời.



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường