Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường gạo: Hoa mắt với tên gọi và giá cả
29 | 10 | 2008
Giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL hiện ở mức rất thấp. Tuy nhiên tại thị trường TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ những ngày này, giá gạo vẫn ở mức khá cao. Cụ thể gạo IR 50404 tại các tỉnh ĐBSCL phổ biến ở mức 5.200-5.500 đồng/kg, nhưng khi có mặt tại các chợ bán lẻ ở TP.HCM giá vọt lên 8.500-9.000 đồng/kg!
Xem nhiều hơn mua

Chợ đầu mối lúa gạo Bà Đắc và Cụm công nghiệp xay xát An Thạnh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) được xem là nơi cung cấp gạo chủ lực cho thị trường TP.HCM, miền Đông Nam bộ và các tỉnh miền Trung. Sáng 26-10 khu vực này lèo tèo chừng chục xe tải từ TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu tới “ăn gạo”. Có hơn 100 hàng xáo (người mua lúa trong dân về xay gạo bán) ngồi bó gối trước cửa các nhà máy xay xát chờ... lái gạo (những người đánh xe tải từ TP.HCM và các tỉnh tới mua gạo về bán cho hệ thống đại lý cấp 1).

Ông Của, một lái gạo ở Bà Đắc chuyên cung cấp cho thị trường Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi xem qua hơn năm mẫu gạo tại chợ đã bỏ đi thẳng. Một chị hàng xáo than thở: “Thông thường sau khi xem gạo và nghe báo giá, lái gạo phải trả giá để mua. Nhưng hôm nay họ chỉ xem rồi đi chứ không trả giá”.

Giá gạo mỗi nơi mỗi khác

Ngay tại TP.HCM, giá gạo giữa nơi này với nơi khác cũng có sự chênh lệch khá lớn. Cùng một loại gạo tài nguyên chợ Đào, tại một sạp gạo trung tâm quận 1 là 15.000 đồng/kg, ở một đại lý gạo khác thuộc quận Bình Thạnh 13.500 đồng/kg, trong khi ở cửa hàng gạo trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3) là 12.500 đồng/kg.

Tại các siêu thị giá gạo cao hơn 15-20% do chi phí bao bì, nhãn mác... Chẳng hạn gạo nàng thơm chợ Đào giá 93.200 đồng/gói 5kg (tương đương 18.200 đồng/kg) trong khi cùng loại gạo này tại chợ khu vực quận 1 chỉ 12.000 đồng/kg. Điều này cho thấy thị trường gạo ở nơi tiêu thụ giống như “mê hồn trận” và giá cả luôn cao hơn rất nhiều so với giá tại gốc.

Là người có kinh nghiệm trong nghề mua bán gạo, ông Trần Ngọc Trung, chủ DNTN Phước Mỹ ở Bà Đắc, giải thích thêm: “Gạo xay xát xong không thể để lâu và do áp lực tiền vay nên hàng xáo và doanh nghiệp phải tranh thủ bán ra. Mặc dù thị trường gạo ở TP.HCM vẫn bình ổn nhưng để bán được gạo, chúng tôi bắt buộc phải tự giảm giá để giải phóng lượng gạo tồn kho”. Theo ông Trung, do lái gạo xem nhiều hơn mua nên hai ngày qua ông và hàng xáo ở đây liên tục phải hạ giá 200-400 đồng/kg gạo thông dụng nhưng sản lượng bán ra không nhiều.

Quá nhiều khâu trung gian

Mặc dù giá gạo nhiều nơi tại khu vực ĐBSCL những ngày qua ở mức rất thấp, nhưng khi đến tay người tiêu dùng tại TP.HCM và các địa phương bình quân tăng khoảng 2.000 đồng/kg, thậm chí lên tới 4.000 đồng/kg tùy loại.

Cụ thể, trong ngày 26-10 giá gạo IR 50404 phổ biến tại chợ đầu mối Bà Đắc ở mức 5.200-5.500 đồng/kg. Riêng gạo được xay từ lúa đông xuân năm 2007 chất lượng tốt hơn có giá 6.500 đồng/kg. Nhưng tại TP.HCM giá bán lẻ loại gạo này từ 8.500-9.000 đồng/kg.

Tương tự, gạo hạt dài loại 5% tấm có hai loại: gạo mới (thu hoạch vụ hè thu 2008) chỉ 6.600-7.000 đồng/kg, còn gạo cũ (đông xuân 2007) giá cao nhất 8.800 đồng/kg. Tại TP.HCM, giá bán lẻ loại gạo này phổ biến 11.200-11.800 đồng/kg.

Lái gạo tên H., quận 9, TP.HCM, cho biết chi phí vận chuyển gạo từ chợ đầu mối Bà Đắc về TP.HCM là 300 đồng/kg. Tiền lời lái gạo hưởng dao động 100-200 đồng/kg. Như vậy gạo từ nhà máy về đến chợ đầu mối hoặc đại lý cấp 1 đã tăng thêm khoảng 500 đồng/kg. Từ đại lý cấp 1, gạo tiếp tục được chuyển đến một trung gian khác là cửa hàng, chợ bán lẻ. Từ khâu trung gian đến người bán lẻ, giá gạo trung bình tăng khoảng 1.000 đồng/kg.

Ngoài ra, nhiều người kinh doanh gạo tại TP.HCM cho biết ngoại trừ một số loại gạo đặc sản cần phải giữ nguyên tên khi bán, thông thường họ phải trộn một số loại gạo với nhau để cho ra đời những “công thức” mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.

Và hầu như rất ít người tiêu dùng phân biệt được đâu là gạo cũ đâu là gạo mới và càng không thể biết... gạo trộn. Việc trộn các loại gạo với nhau cũng làm biến đổi giá theo hướng có lợi cho người kinh doanh. Quá nhiều chủng loại và tên gọi (không còn giống tên gốc) cũng làm người tiêu dùng hoa mắt.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường