Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa giảm, nông dân nghèo: vì đâu?
24 | 10 | 2008
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo nhiều hơn VN nhưng giá luôn ổn định và cao hơn VN.
Còn việc xuất khẩu gạo của chúng ta năm nào cũng “có vấn đề”. Những điệp khúc: “trúng mùa rớt giá”, “giá lúa giảm do thu hoạch rộ”, “giá lúa giảm do doanh nghiệp kẹt vốn” năm nào cũng vang lên.

Năm nay khi mà thế giới thiếu lương thực trầm trọng và giá gạo tăng đột biến, nông dân Thái Lan hưởng lợi nhưng nông dân VN lại bán gạo với giá thấp và có lúc không có cả người mua.

Điều gì đã tạo ra sự khác biệt đó? Theo tôi, có bốn yếu tố chính:

1. Chính phủ Thái Lan trực tiếp mua lúa của nông dân với mức giá bảo đảm có lời cho nông dân, sau đó tùy thời điểm sẽ bán lại cho các công ty xuất khẩu. Trong khi đó Chính phủ VN giao việc xuất khẩu gạo cho Hiệp hội Lương thực (HHLT) VN. Điều này có một số hạn chế như sau:

+ Việc xuất khẩu gạo có nhiều tầng lớp trung gian nên không thể đảm bảo chất lượng gạo xuất khẩu và làm tăng chi phí.

+ Cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương và ngân hàng. Không có sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, việc phối hợp này không thực hiện được.

+ Nhiệm vụ của các doanh nghiệp trong HHLT VN chỉ là đạt lợi nhuận và đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu gạo được giao.

+ Lợi nhuận của các doanh nghiệp trong HHLT không phụ thuộc giá gạo xuất khẩu mà chỉ phụ thuộc chênh lệch giá: nếu hợp đồng xuất khẩu giá thấp, các doanh nghiệp sẽ ép mua lúa của nông dân giá thấp và họ vẫn có lời.

+ Vì lợi nhuận do chênh lệch nên các doanh nghiệp trong HHLT VN không thiết tha đến việc tạo thương hiệu cho công ty mình và thương hiệu cho gạo: gạo xuất khẩu không có tên, chỉ gọi chung là “gạo trắng hạt dài” và phân biệt bởi phần trăm tấm: 5%, 10%, 25%.

+ Việc đảm bảo chỉ tiêu xuất khẩu đôi khi khiến các doanh nghiệp ký bán gạo giá thấp, có lúc dẫn đến lỗ lã. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu gạo cho rằng việc các doanh nghiệp đua nhau ký hợp đồng bán gạo khi giá đang thấp không phải do thiếu vốn, mà là chạy theo “thành tích xuất khẩu”.

+ Một hiệp hội kinh doanh xuất khẩu gạo mà khi giá gạo thế giới lên lại ngừng ký hợp đồng nên mất hết các bạn hàng truyền thống. Đến khi giá gạo xuống không tích cực tìm kiếm khách hàng lại tự ý ngừng mua, đẩy hết gánh nặng lên vai nông dân.

2. Bộ Nông nghiệp Thái Lan có chiến lược lúa gạo cụ thể nhằm hoạch định đường lối nâng cao hiệu quả phát triển lúa gạo của Thái Lan trong những năm trước mắt. Mục tiêu nhằm: 1/Nâng cao năng suất; 2/ Nâng cao giá trị; 3/ Tiếp thị quy mô toàn cầu; 4/ Đảm bảo đời sống người lao động và tránh rủi ro; 5/ Nâng cao hiệu quả dịch vụ.

3. Hội Nông dân Thái Lan hoạt động hiệu quả.

Khi giá lúa giảm, Hội Nông dân Thái Lan tạo áp lực buộc chính phủ phải xem xét quyền lợi của nông dân.

4. Gạo Thái Lan có uy tín trên thị trường thế giới.

Chỉ Thái Lan và VN có gạo 5% tấm. Chất lượng như nhau nhưng gạo Thái Lan luôn bán cao giá hơn 50-100 USD/tấn. Sự chênh lệch này là do thương hiệu.

Tóm lại, Chính phủ nên trực tiếp thực hiện việc xuất khẩu gạo, phân phối lợi nhuận cho nông dân và cho HHLT VN một cách công bằng, đặt ngang bằng tiếng nói của Hội Nông dân và tiếng nói của HHLT VN.

Vài tháng nữa nông dân sẽ làm lúa đông xuân, đây là vụ chính của chúng tôi. Rất mong những hạt lúa đông xuân sẽ được trao vào tay Chính phủ. Rất mong chúng ta có được một chiến lược lúa gạo hợp lý để nông dân chúng tôi có một vụ thu hoạch “trúng mùa được giá”.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường