Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo không có thị trường, lúa ế đầy nhà
21 | 10 | 2008
Ngay khi mớ giống lúa đông xuân của nông dân đồng bằng sông Cửu Long vừa gieo sạ xuống đồng, thì những lão nông vẫn chưa rõ câu trả lời: ai mua giùm số lúa cũ từ hai vụ hè thu, thu đông, với giá huề vốn. Chỉ mong vậy thôi, chứ không dám nghĩ tới chuyện lãi 40%. Mới hơn tuần trước, giá lúa chớm lên 4.000 – 4.200đ/kg, nông dân thầm mừng sẽ giải phóng được lúa, né con nước rông rằm tháng 9 dâng cao, nhưng rồi lại thất vọng.
Anh Nguyễn Minh Hoàng, nông dân xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long than thở: “Giá mua lúa dọc tuyến quốc lộ 51 kêu 3.600 – 3.700đ/kg lúa khô. Đi sâu vào các đường liên xã, ấp chỉ còn ở mức 3.400 – 3.500 đồng/kg. Mấy năm trước lái buôn có lúc mua cả lúa tươi trên đồng, còn năm nay, lúc này, lúa khô ráo chất ngập trong nhà mà không thấy ai hỏi mua, kêu bán cũng nhận được cái lắc đầu”.

Nông gia chán

Thống kê sơ bộ, tỉnh Vĩnh Long hiện còn khoảng 150.000 tấn lúa còn tồn trữ trong dân chưa bán được. Anh Lê Văn Lực nông dân ở xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), tức tối: “Mấy năm trước sạ các giống lúa thơm, người ta cũng mua với giá không phân biệt, năm nay chuyển một phần sang sạ giống lấy năng suất cao thì chỉ bán được cho mấy người nuôi vịt lẻ tẻ. Lúa thơm (jasmine) cũng phải chịu cảnh ế ẩm. Ở huyện Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh… (Cần Thơ) bây giờ muốn bán lúa phải năn nỉ năm lần bảy lượt mới có người chịu mua với giá 3.200 — 3.300đ/kg”.

Doanh nghiệp và thương lái thu mua lúa có cái lý của họ. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo than phiền thiếu kho trữ, hợp đồng xuất khẩu mới chưa ký được, lãi suất ngân hàng cao khiến họ không dám vay nên thiếu vốn. Lái thu mua thì dè bỉu chất lượng do thu hoạch trong điều kiện mưa dầm, phơi sấy không đúng ẩm độ. Với loại nguyên liệu này hạt gạo bị ngả màu vàng và tỷ lệ gãy rất cao sau chế biến… Chính vì vậy mà hạt lúa miền Tây vẫn phải chấp nhận số phận ế lưu vụ của nó.

Theo cục Trồng trọt thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản lượng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước đạt gần 20,3 triệu tấn, tăng trên 1,6 triệu tấn. Trong lúc sản lượng tăng thì nhiều nông dân vẫn chưa thể bán được lúa thu hoạch từ vụ đông xuân trước. Cuối vụ hè thu, giá lúa tăng cao, nông dân tranh thủ gieo sạ vụ lúa thứ ba – vì mục tiêu an ninh lương thực. Nhưng rồi họ lại thất vọng.

Vụ mùa mới đã tới, nông dân vẫn nhắm mắt ra đồng, quên đi số lúa tồn lưu trong nhà; cố quên đi món nợ vật tư, nợ ngân hàng… để giữ cho đất khỏi hoang hoá. Có những người ít đất, trước đây phải đi mướn thêm để canh tác thì năm nay năn nỉ chủ đất để trả lại, đi tìm phương kế khác.

Tìm kiếm thị trường mới

Tính từ đầu năm đến 10.10, Việt Nam đã xuất khẩu 3,7 triệu tấn gạo, trị giá 2,223 tỉ USD.

Tại phiên họp khẩn ngày 16.10 giữa bộ Công thương với hiệp hội Lương thực Việt Nam, sở công thương các địa phương phía Nam, thứ trưởng Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết, tình hình tiêu thụ lúa gạo đang gặp nhiều khó khăn bởi lượng lúa trong dân còn tồn khoảng 50%. Lượng gạo tồn đọng ước tính khoảng 400.000 tấn, theo số liệu của trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp và nông thôn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản hồi rằng các giao dịch của họ gần như bị đình lại bởi không ký được hợp đồng xuất khẩu.

Trong khi nguồn cung tăng cao, theo trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp và nông thôn, các khách hàng truyền thống cơ bản đã nhập đủ lượng hàng cần thiết. Chính vì vậy mà giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm nhẹ. Giá gạo 5% tấm đạt mức 505 USD/tấn giảm 3 USD/tấn so với tuần trước. Giá gạo 10% tấm và 15% tấm đều giảm 3 USD/tấn và đạt mức 505 USD/tấn so với tuần trước. Riêng giá gạo 25% tấm ổn định ở mức 408 USD/tấn. Trước mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong quý 4 này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang tìm kiếm khách hàng mới ở Tây Phi và Trung Đông.

Trước tình hình này, đã có ý kiến cho rằng đây là chuyện khó có thể tránh khỏi bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính là việc hiệp hội Lương thực Việt Nam chịu trách nhiệm trực tiếp việc xuất khẩu gạo chứ không phải Chính phủ. Do vậy, việc thu mua lương thực từ nông dân sẽ qua nhiều khâu trung gian, tăng chi phí và không đảm bảo lợi ích của người trực tiếp sản xuất. Điều này khác với Thái Lan bởi Chính phủ Thái trực tiếp mua lúa của nông dân với mức giá đảm bảo lợi ích của nông dân, sau đó sẽ bán lại cho các công ty xuất khẩu lương thực. Ngoài ra, việc xây dựng một chiến lược phát triển, nâng cao chất lượng lúa gạo cũng như tiếp thị sản phẩm của ta còn rất nhiều bất cập, hạn chế đến giá trị xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường