Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Nông dân và giới kinh doanh lúa gạo kiệt sức
16 | 10 | 2008
Giữa tháng 10, tại ĐBSCL, nhiều nông dân lúa đầy nhà, nhiều người kinh doanh lúa gạo, lúa cũng chất đầy kho. Thế nhưng, nông dân có lúa đang méo mặt vì giá lúa thấp, bán không được, thương lái thì nằm chờ thời, còn các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo thì than lỗ vì giá lúa ngày một rớt giá.
Nông dân kiệt sức

Trong những ngày nước lũ tràn về, bà Nguyễn Thị Minh Vi tại ấp Thuận Tân, xã Thuận An – Bình Minh, Vĩnh Long phải che lều trên sân xi măng để phơi lúa. Trời nắng thì tháo lều ra, khi mưa thì kéo lều che lại. Trong buồng nhà bà, lúa vụ đông xuân đã chứa đầy, gian nhà trên cũng đầy ắp lúa mới thu hoạch. Bà Vi cho biết: “Nhà bây giờ trở thành kho chứa lúa. Lúa cũ và lúa mới còn tổng cộng hơn 500 giạ (50 giạ = 1 tấn). Bán lúa không được nên khó khăn đủ điều, từ kho chứa, tiền ngân hàng, tiền vật tư phân bón, tiền công thu hoạch lúa… Hiện nay thương lái mua khoảng 3.700-3.800 đồng/kg lúa. Giá này cũng chỉ huề vì giá vật tư, phân bón, công thu hoạch rất cao.

Đối với bà Vi, tuy có khó khăn nhưng may mà nhà cao và rộng rãi nên cũng tạm chịu đựng chờ giá có tăng chút ít để giảm lỗ. Ông Nguyễn Thanh Phong, ở Hoà Tân - Đồng Tháp làm 40 công ruộng (1 công ruộng 1.000m2), hiện nay còn 30 tấn lúa chưa bán được, trong đó bao gồm 20 tấn lúa cũ vụ đông xuân và 13 tấn lúa mới thu hoạch. Nước lũ dâng cao, mùa nước lên cũng là lúc mưa nhiều. Nông dân ĐBSCL nói chung và nông dân Đồng Tháp nói riêng rất sợ lũ làm thiệt hại lúa.

Theo ông Phong, hiện nay lúa dài loại tốt giá 4.000-4.200 đồng/kg. Với giá đó tính ra có lời mỗi kg lúa khoảng 400 đồng. Lời như vậy rất ít, nhưng không ai mua nên cứ ngồi đợi thương lái. Cách đây gần hai tháng, khi Chính phủ kêu gọi mua hết lúa hàng hoá trong dân, lúc đó, có một số doanh nghiệp thu mua nên hàng có chạy và giá có nhích lên khoảng 4.500 đồng/kg, nay thì lúa không bán được mà giá càng ngày càng rớt, không phải mình khổ mà nhiều nông dân có lúa bán không được cũng rầu đứt ruột.

Ngoài việc bán chậm, một số nông dân ở ĐBSCL còn khổ vì thương lái không mua mà từ chối thẳng loại lúa 504, 404, những loại lúa bạc bụng, đục hạt gạo, vì xuất khẩu không được.

Tại huyện Tam Bình, Vĩnh Long, nông dân đang thu hoạch lúa vụ 3. Lúa vụ 3 ở Tam Bình năm nay không trúng mùa. Anh Huỳnh Văn Nhâm, nông dân ở xã Hoà Thạnh cho biết: “Tôi vừa thu hoạch 10 công lúa vụ 3, năm nay lúa năng suất không cao, tổng cộng được hơn 4 tấn/ha. Phân bón và vật tư nông nghiệp, công cắt lúa, thu hoạch, công tuốt lúa… đều phải chịu giá cao, tính ra nếu giá 3.600-3.700 đồng/kg thì nông dân không còn lời".

Anh Nhâm còn cho biết thêm: Tại địa phương của anh, hiện nay, nông dân còn lúa ế, chưa bán được nhiều. Nhiều người bị "nghẹn" không bán được lúa đông xuân lên đến 5-10 tấn. Khó nhất hiện nay là lúa cũ không ai mua, trong khi đó ngay cả lúa mới giá cũng rớt thê thảm. Mưa lũ về, nợ ngân hàng, nợ vật tư nông nghiệp không trả được, lại chuẩn bị vốn, phân bón, giống cho vụ lúa đông xuân 2008-2009… Tất cả những khó khăn của nông dân ĐBSCL đang chờ chực phía trước.

Trao đổi với ông Huỳnh Văn Nhựt, đại lý phân bón cấp 2 ở Tam Bình, anh Nhựt cho biết: “Nông dân bán lúa không được, người bán phân bón trả chậm như chúng tôi cũng bị vạ lây. Không thu hồi vốn lấy đâu ra tiền nhập phân mới bán trong vụ đông xuân 2008-2009. Vay ngân hàng thì phải chịu lãi suất cao. Nông dân gặp khó người bán phân cũng bị khó kiểu dây chuyền”.

Thương lái và giới kinh doanh đều than lỗ

Nhiều người cho rằng, giá lúa quá thấp, trong khi đó giá gạo quá cao, đây là dịp để giới kinh doanh lúa gạo hốt bạc, thương lái năm nay giàu to vì giá lúa quá thấp. Tuy nhiên, đi vào thực tế mới thấy tình hình không phải như thế, nhiều người kinh doanh lúa gạo năm nay điêu đứng, thua lỗ và có người còn đứng trước nguy cơ phá sản do giá gạo diễn biến phức tạp. Từ người buôn bán gạo lẻ, đến thương lái và doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu đều gặp khó khăn.

Tại đại lý gạo Kim Phượng trên đường Trần Hưng Đạo TP Cần Thơ, chị Lý Kim Phượng cho biết: “Giá gạo hiện nay cao thấp còn tuỳ loại, gạo cho giới bình dân như gạo cũ, nở, khô giá 7.000 đồng/kg, Hàm Châu cũ giá 8.000 đồng/kg, gạo thơm Mỹ giá 11.000 đồng/kg, cao nhất là Nàng thơm Chợ Đào giá 17.000 đồng/kg…

Tại đại lý gạo anh Ba Tự ở thị trấn Cái Tắc - Huyện Châu Thành - Hậu Giang, anh ba Tự cho biết: Giá lúa hiện nay dao động từ 3.800-4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, do xuất khẩu không nhiều nên hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu không “ăn hàng”, kéo theo các thương lái thu mua lúa gạo cung ứng cho đầu mối xuất khẩu cũng nghỉ hết. Anh là người cung ứng gạo cho những đại lý bán lẻ, thế nhưng năm nay mức cung thấp. Điều khó khăn nhất cho anh năm nay là lúc lúa giá cao 5.500-6.000 đồng/kg anh mua vài chục tấn để ở vựa. Giá cứ tuột dần nên tính sơ, anh lỗ cũng vài chục triệu đồng.

Anh Ba Tự cũng nói rất thực tế: “Mua lúa gạo giá cao, hiện nay bán giá thấp lỗ quá nên nhiều doanh nghiệp mua bán lúa gạo cứ trù trừ không muốn xuống giá, neo giá cao để giảm lỗ”. Cô Cao Thị Bé ở Tân Phú Thạnh, Châu Thành - Hậu Giang, một người mua gạo cung ứng cho các đại lý gạo cho biết: “Trước đây có 4-5 thương lái mua gạo về cung ứng cho tôi, tôi xay xát rồi bán lại cho các đại lý, cung ứng xuất khẩu… Hiện nay, các thương lái lúa gạo đó nghỉ hết rồi. Còn tôi buôn bán cũng khó khăn, ế ẩm, hoạt động cầm chừng thôi”.

Tại nhà máy xay lúa Út Hiền, ở Tân Phú Thạnh, Châu Thành, Hậu Giang, ông Nguyễn Văn Hiền chủ cơ sở cho biết: Chưa năm nào giới kinh doanh lúa gạo thua đậm như năm nay. Hiện nay tôi mua cầm chừng duy trì hoạt động. Hằng năm tổng kết năm cũng lời một hai trăm triệu đồng, năm nay mới 10 tháng tính ra cơ sở của tôi lỗ hơn 150 triệu đồng. Nguyên nhân lỗ là mua lúa giá cao, lúa rớt giá bán lỗ, vay tổng cộng 500 triệu đồng tiền ngân hàng phải đóng lãi suất gần 20%/ năm. Lỗ xuất phát từ những nguyên nhân như vậy.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn, công ty lương thực ở ĐBSCL cũng bị thua lỗ do "bị nghẹn" lúa đông xuân thu mua trước đây giá cao, xuất khẩu không được, nay lúa đó đã chuyển thành lúa cũ, giàu hơi (hạt gạo hơi nhuốm vàng). Theo chúng tôi nắm được số lượng gạo loại này hiện còn hàng chục ngàn tấn nằm rải rác nhiều doanh nghiệp. Lượng gạo cũ hơi bị giảm chất lượng này chỉ để bán cho dân ta dùng hằng ngày, không thể xuất khẩu được.

Tại hợp tác xã Thanh Phong - ở quận Cái Răng - Cần Thơ, chủ nhiệm HTX ông Nguyễn Văn Nhường cho biết: Hiện nay HTX cũng như nhiều doanh nghiệp ở Cái Răng và tuyến Mỹ Khánh hoạt động yếu. Nguyên nhân chính là đầu ra lúa xuất khẩu không mạnh. Hiện nay HTX còn khoảng 2000 tấn gạo. Với số gạo này và giá giảm liên tục, HTX đang bị lỗ khoảng hơn 2 tỉ đồng, trong đó bao gồm cả vốn vay phải trả lãi khi mua lúa tạm trữ để cung ứng xuất khẩu.

Ông Nhường còn bức xúc nhiều vấn đề, trong đó, riêng việc làm gì để cho kinh doanh lương thực bớt khó khăn, ông cho rằng: phải có cơ chế thị trường thông thoáng và có đầu ra xuất khẩu tốt, lãi suất ngân hàng hạ thấp hơn hiện nay… thì nông dân cho tới người kinh doanh lương thực sống được. Tình trạng như hiện nay kéo dài là nông dân đến doanh nghiệp sẽ kiệt sức.





Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường