Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh lương thực: Phát triển tập đoàn giống cây ăn củ truyền thống
10 | 10 | 2008
Trong chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua, lúa vẫn được coi là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, có một thực tế là nông dân, người trực tiếp làm ra lúa gạo vẫn nghèo và nông nghiệp vẫn là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn là yếu tố khiến giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta chưa thực sự hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện chất lượng sống cho nông dân có thể bắt đầu từ những loại cây bình dị quanh mình.
Trong nông nghiệp, ngành trồng trọt, trong đó có sản xuất lúa, luôn bị coi nhẹ bởi hiệu quả kinh tế thấp, dù sản lượng xuất khẩu luôn đứng ở tốp đầu. Nhìn từ góc độ kim ngạch xuất khẩu của gần 20 mặt hàng trong 20 năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản đứng thứ ba, chiếm khoảng 12% (trong đó gạo đóng góp 4,5%). Tính đến giữa tháng 8 năm 2008, xuất khẩu gạo đạt gần 2,76 triệu tấn, kim ngạch 2,24 tỷ USD, giảm 1,7% về lượng nhưng tăng tới 94% về giá trị so với năm 2007. Tuy đạt thành tựu to lớn nhưng không ai dám khẳng định vấn đề an ninh lương thực, an sinh xã hội không đe doạ đến Việt Nam.

Điều tra của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại huyện Ô Môn (Cần Thơ) cho thấy: Trong bữa ăn của người Việt, gạo chiếm tới 88,7%, trong khi cơ cấu bữa ăn hợp lý thì calo từ gạo chỉ chiếm khoảng 60%, còn 40% từ thịt, trứng, cá, sữa, rau quả.. Theo một dự thảo chiến lược an ninh lương thực quốc gia, mức tiêu thụ gạo của chúng ta đến năm 2010 sẽ vào khoảng 130kg/người/năm, năm 2020 là 110kg, năm 2030 là 100kg. Người Thái đã đi trước chúng ta một bước dài về giảm gạo tiêu dùng để phục vụ xuất khẩu. Những năm 1990, họ mới xuất được khoảng 5 triệu tấn gạo, nay tăng lên 8-9 triệu tấn mà không cần tăng diện tích gieo trồng.

Như vậy, sản xuất nhằm tăng chất lượng bữa ăn có hiệu quả kép, đó là: bồi dưỡng sức lực cho nông dân, giảm gạo tiêu dùng cho xuất khẩu. Có lẽ, chúng ta mới chỉ quan tâm đến sản xuất hàng hóa, nhất là cho xuất khẩu, mà coi nhẹ mức sống của nông dân. Tình trạng chậm đổi mới nhất ở nông thôn là bữa ăn quá đạm bạc, chỉ có cơm là chính. Để khắc phục được tình trạng này, chỉ có thể hóa giải bằng mô hình kinh tế VAC.

Cơ cấu cây lương thực ở nước ta gồm có: lúa gạo, ngô, khoai, sắn. Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ năm 2001 đến 2007, diện tích trồng lúa hầu như không thay đổi, nhưng năng suất đã tăng từ 42,9 lên 48,9 tạ/ha, do đó tổng sản lượng tăng từ 32,1 lên 35,9 triệu tấn. Tương tự, sản lượng ngô (bắp) tăng khá ấn tượng, từ 2,1 lên 4,2 triệu tấn, do tăng cả diện tích (từ 0,73 lên gần 1,1 triệu hecta) lẫn năng suất (29,6 lên 39,6 tạ/ha). Nhưng ngô không phải là lương thực chính mà chủ yếu làm thức ăn cho gia súc.

Diện tích sắn (mì) tăng nhanh nhất, từ 292.000ha lên 497.000ha. Năng suất cũng tăng từ 120 lên 161 tạ/ha, sản lượng từ 3,5 lên gần 8 triệu tấn. Cũng như ngô, sắn thường dùng làm mì chính (bột ngọt) hoặc nấu cồn nên từ lâu nó được coi là cây công nghiệp chứ không thuộc nhóm cây lương thực. Chỉ có cây ăn củ luôn đồng hành với lúa gạo cung cấp lương thực, chúng ta phải tính đến việc tăng sản lượng lương thực trên vùng cao, vùng trung du, đồi núi. Thế mà vai trò của tập đoàn cây lương thực ăn củ chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện mới chỉ có thống kê để làm dự thảo chiến lược an ninh lương thực đối với khoai lang. Từ năm 2001 đến năm 2007, diện tích trồng khoai lang giảm từ 24,46 xuống còn 18,12 vạn hecta. Theo đó sản lượng cũng giảm từ 1,65 xuống 1,46 triệu tấn, mặc dầu năng suất tăng từ 68 lên 82 tạ/ha. Thời kỳ vàng son của khoai lang đạt diện tích 35 đến 45 vạn hecta. Hiện có khá nhiều mô hình xuất khẩu khoai lang hiệu quả cao, như ở huyện Đắc Rlấp (Đắk Nông), đất ven sông Hậu thuộc huyện Bình Minh, Bình Tân (Vĩnh Long), đất lúa phèn tỉnh Kiên Giang... Khoai tây cũng được coi là cây trồng tiềm năng nhưng hiện diện tích mới đạt 50.000ha. Năm 2008 được Tổ chức Lương - Nông Thế giới (FAO) coi là năm khoai tây, nói lên vị thế của khoai tây cũng như vai trò ngày càng quan trọng của nó.

Tập đoàn giống cây ăn củ của Việt Nam rất phong phú. Có thể kể ra đây khoai môn, khoai sọ, khoai nước, khoai lùn, củ mỡ, khoai thơm, củ từ gai, củ từ lông, vạc hương, dong riềng, hoàng tinh, sắn dây, củ đậu, củ ráy... Đã có nhiều mô hình trồng khoai môn đạt hiệu quả kinh tế cao ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, ở U Minh Thượng thuộc Kiên Giang. Cũng như đối với khoai lang và khoai tây, tiến bộ về giống và kỹ thuật đã khắc phục được nhược điểm của một số cây ăn củ,... Chính vì vậy, để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò của những cây ăn củ truyền thống.



Nguồn: chebien
Báo cáo phân tích thị trường