Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Các vàng” mới giao đất lúa
24 | 08 | 2009
Chuyện tưởng đùa nhưng thật 100%. Lần đầu tiên xã Minh Tiến, huyện Phù Cừ - 1/19 xã nghèo nhất tỉnh Hưng Yên được đón một DN về đầu tư, chính quyền thì vô cùng phấn khởi, còn người dân ra giá: Phải các vàng…mới mua được đất lúa của chúng tôi.

Nông dân cũng cập nhật nghị định

Khi tôi đến xóm Đông, thôn Phạm Xá, người dân xúm lại hỏi có phải tôi về mua đất làm dự án không. Tôi liều gật. Một người dân nghi ngờ: Người ta đi ôtô bóng loáng về đây hỏi mua đất lúa chúng tôi còn chưa bán, anh đi xe máy sao có tiền mua được? Tôi bảo, đất ở đây 20 triệu/sào chứ mấy? “20 triệu đồng chú động vào là gẫy tay đấy. Chúng tôi nghèo thì nghèo thật, nhưng ruộng vẫn là nguồn sống duy nhất, con cái tôi không có ruộng, bán đi chúng sống bằng gì. Hôm qua chú có xem tivi, đài nói không, để giữ đất lúa, Nhà nước sẽ đền bù tăng gấp nhiều lần hiện nay. 70 triệu một sào thì hãy nói chuyện chú nhé”- một người dân dội "gáo nước lạnh" rồi bỏ đi.

Chả là, hơn một tháng trước, Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương về cánh đồng Văn Xa của người dân thôn Phạm Xá xem xét đầu tư một dự án phát triển chăn nuôi. Thái Dương dự định sẽ thuê khoảng 13ha đất trồng lúa + màu ở đây nuôi 10 ngàn lợn thương phẩm và 1.200 lợn nái. Dù mới đang làm thủ tục thuê đất, chưa họp dân bàn thảo về giá cả, nhưng chuyện có nhà đầu tư về xây dựng trang trại chăn nuôi đã loang ra khắp làng Phạm Xá.

Tôi có mặt tại Phạm Xá sau một ngày Bộ TN-MT công bố Nghị định 69 càng khiến câu chuyện“nóng” hơn. Một cụ già trong dòng họ Nguyễn, ở xóm Đông, thôn Phạm Xá cho biết: Ít ngày trước, anh em họ Nguyễn có công việc gặp mặt nhau, nói về chuyện bán đất trồng lúa ở cánh đồng Văn Xa, một số người nói là nếu bán thì có tiền hỗ trợ thu nhập trong mấy vụ, lại có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng của xóm, lợi quá…Nhưng rất nhiều người trong họ, nhất là những hộ sống bằng nông nghiệp 100% lại phản đối kịch liệt. Họ tỏ ra rất cảnh giác với công nghiệp. Họ bảo, thực tế, có khối nông dân bán đất cho công nghiệp rồi…ra đường đấy.

Bà Nguyễn Thị Vân, xóm Tây, thôn Phạm Xá dẫn tôi ra cánh đồng Văn Xa, cách làng khoảng một cây số. Chỉ vào ruộng lúa đang thì con gái, bà bảo: Đây, xã định bán đất lúa này của chúng tôi. Năng suất ở khu vực này trung bình lúc nào cũng đạt khoảng 2,5 tạ/sào. Làm màu thì phải đạt 4-5 triệu đồng/sào. Đây là cánh đồng đạt 120 triệu/ha hiếm hoi ở huyện Phù Cừ này. Nhà tôi thì các con đi học hành công tác xa hết, nên thực sự không nhất thiết phải giữ ruộng. Nhưng chắc là phải 40 triệu trở lên/sào tôi mới bán. Nhưng những hộ như nhà tôi chỉ có vài nhà, còn lại chủ yếu là các hộ chỉ biết trồng lúa + màu và nuôi lợn, các con họ không có ruộng, chưa đi làm được, họ không đồng ý bán đâu. Nếu có bán, giá phải cao họ mới bán.

Chị Tươi, một hộ nghèo thì khẳng định: “Hai vợ chồng tôi được mấy sào ruộng, ở cái vùng này chẳng làm thuê làm mướn được. Bán ruộng thì sống bằng gì hả chú? Có các vàng tôi mới giao đất”.

Xung đột công-nông?

Khác hẳn với tâm tư của nông dân, Chủ tịch UBND xã Minh Tiến Ngô Duy Nhất coi DN về là một vinh dự của xã: “Địa bàn như địa phương chúng tôi, nếu để Cty tự vào thì chả có Cty nào vào. Nhưng đây là dự án được tỉnh ưu tiên đưa về một huyện còn khó khăn Phù Cừ. Lúc đầu huyện chọn xã Trần Cao có giao thông thuận lợi, nhưng vì nội bộ ở đó không thống nhất được nên mới đưa về Minh Tiến. Qua tìm hiểu thì thấy, nếu dự án này thực hiện ở xã Minh Tiến người dân và xã sẽ có nhiều cái lợi. Họ hứa là sẽ giải quyết khoảng 200 lao động. Và dù không đủ 15 tỉ để hoàn thành cơ sở hạ tầng của xã, nhưng chúng tôi sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng của xã được cơ bản từ tiền bán đất công ích nằm trong dự án”.

Dù chưa họp dân, chúng tôi và dân mới nghe ngoài lề về dự án này, nhưng qua tâm tư của người dân thì thấy, dân nghèo thật đấy nhưng họ không mặn mà bán đất nông nghiệp đâu. Hiện dân thôn tôi đang nợ ngân hàng 5 tỉ. Chăn nuôi thua lỗ, kiến thiết thì không lấy ra mà ăn được, ra ngoài làm thì thất nghiệp hoặc không nuôi nổi miệng mình, làm ruộng tiếng thế vẫn nuôi được con đi học đấy. Bán ruộng rồi lấy gì sống hả chú? Có phải ai bán đất cũng đổi nghề làm cái này cái kia được đâu. Dân bảo, nếu bán, thì phải giá nào đó thì dân mới bán . (Bí thư Chi bộ thôn Phạm Xá, Phạm Văn Thơi)
 
Theo như lời ông Nhất, trong tổng số khoảng 13ha mà dự án định lấy có 50% là đất công ích của xã đang cho dân đấu thầu, còn lại là đất đã giao lâu dài. “Tới đây, chúng tôi sẽ họp dân đề nghị dân đổi đất đó lấy đất công điền của xã ở khu vực dưới cánh đồng Văn Xa. Vì dân đang canh tác trên cánh đồng có hiệu quả cao nên chúng tôi sẽ dùng tiền đền bù của Cty để hỗ trợ”- ông Nhất cho biết. Tuy nhiên, nhiều người chưa đồng ý đổi lấy đất công điền vì đất này nằm rải rác nhiều chỗ và manh mún, rất khó cho canh tác. Vả lại, đất ở những khu vực đó không thể tốt bằng đất 2 lúa + 1 màu của dân đang làm bây giờ.

Tôi mang câu chuyện dân đòi "các vàng" mới bán đất lúa cho Chủ tịch Ngô Duy Nhất nghe, ông Nhất nói: “Dân họ nói thế. Ở cái vùng nông thôn nghèo đói không kiếm ra được 10 ngàn đồng/ngày này, 20 triệu đồng/sào, được nhận vào làm trong Cty tháng 1,5 triệu đồng thì nông dân bỏ làm nông nghiệp ngay lập tức”.

Hỏi, theo Nghị định 69 vừa ban hành, thì đền bù đất lúa sẽ cao hơn hiện nay, dân đòi giá cao cũng có lí của họ, như thế liệu DN có thuê được đất không? Chủ tịch Ngô Duy Nhất khẳng định: “Đất trồng lúa mà Bộ NN-PTNT đang tham mưu cho Chính phủ để quy hoạch đảm bảo ANLT thì đừng có động vào. Động vào đấy là phải trả tăng gấp 5 lần”. Thế đất ở cánh đồng Văn Xa có phải là đất lúa không? – tôi hỏi. “Đấy là đất lúa + màu, có năm đạt 120 triệu/ha, nhưng có đất công điền của xã. Không có chuyện dân đòi cao đâu. Hôm nào họp dân chú cứ về mà xem. Dân bán ngay”. Chủ tịch UBND xã Minh Tiến Ngô Duy Nhất khẳng định. 



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường