Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Thần dược” chống bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa?
01 | 07 | 2007
Bệnh vàng lùn và lùn xoắn đã trở thành đại dịch hoành hành diện tích lúa ở hơn 20 địa phương của ĐBSCL. Trong khi các nhà khoa học thực vật Việt Nam cũng như thế giới còn chưa tìm ra thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh này thì Công ty CP Thanh Hà đã mạnh dạn xin được thử nghiệm 3 loại chế phẩm AH, KH, NH cho một số diện tích lúa ở Long An.

Công ty này là đơn vị đã được trao giải nhất - Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ - Vifotec năm 2005 về phân bón sinh học phục vụ nông nghiệp.

Long An được coi là một trong những tỉnh có diện tích lúa bị nhiễm bệnh khá cao. Trước tình hình bệnh dịch lan rộng chưa có phương pháp điều trị thích hợp, ngày 16/10/2006, được sự đồng ý của các cơ quan chức năng, Công ty Thanh Hà đã ký hợp đồng với Chi cục Bảo vệ thực vật Long An thử nghiệm 3 chế phẩm sinh học này trên ruộng lúa của các hộ dân xã Nhơn Thạnh Trung-thị xã Tân An để hạn chế sự phát triển bệnh vàng lùn trên lúa.

Theo biên bản đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Long An, Cục Trồng trọt phía Nam và Công ty Thanh Hà thống nhất, thì đây là diện tích lúa đã bị nhiễm rầy nâu và tỷ lệ vàng lùn từ 16,18%- 63,78%. Ngoài ra, cây lúa có hiện tượng vàng lá chưa rõ nguyên nhân, rễ lúa bị ngộ độ phèn và có rễ đen...

Việc thử nghiệm phun chế phẩm AH, KH, NH đã được tiến hành trên 3 hộ gia đình ông Trần Văn Tạo với diện tích thử nghiệm 1.000 m2, ông Nguyễn Thế Hoàng 5.000 m2 và ông Nguyễn Thành Vũ 2.000 m2. Những diện tích lúa này, các hộ dân đã định nhổ bỏ đi để gieo trồng lại.

Sau hơn 20 ngày được phun chế phẩm, toàn bộ diện tích lá tham gia thí nghiệm chế phẩm đều đã xanh tốt trở lại. Ông Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, người đã trực tiếp đến thăm diện tích lúa đã được phun chế phẩm ở xã Nhơn Thạnh Trung sau 20 ngày khẳng định, hiện nay trên thế giới chưa tìm ra phương thuốc điều trị được bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa.

Nhưng nhìn những đồng ruộng của nông dân trước đây vàng héo đến 60-70% chưa rõ nguyên nhân đã chuẩn bị phải nhổ đi mà khi đưa phân bón, hoá chất hay bất kỳ thuốc gì khác vào để biến nó thành xanh tốt bình thường, cho thu hoạch đạt tỷ lệ 70-80% là điều rất phấn khởi, cần được khuyến khích!

Mặc dù diện tích lúa thử nghiệm chế phẩm đã xanh tốt trở lại nhưng ông Khiêm cho rằng “cần phải xác định rõ lại xem nó vàng là do đâu: nghẹt cổ rễ hay bệnh sinh lý cây trồng?”. Nếu đó là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì là một thành công tuyệt vời. Còn việc khẳng định đã tìm ra chế phẩm chữa vàng lùn là hoàn toàn sai. Hiện nay, các nhà khoa học bảo vệ thực vật trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tìm tòi nghiên cứu rất nhiều nhưng chưa có phương pháp trị thích hợp.

Nguyên nhân bệnh, giải pháp chữa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá đã có nhưng chưa có thuốc trừ bệnh? Bệnh này do virút gây ra, nhưng virút này nằm trong con rầy nâu (với mật độ lớn). Rầy nâu hút từ cây lúa bệnh bay sang cây khác và cánh đồng khác. Do đó, muốn diệt bệnh phải diệt rầy nâu trước, nên thuốc chữa trị phải là thuốc chữa trị rầy nâu để ngăn chặn sự phân tán của virut chứ không phải là phương pháp nào khác.

Ông Nguyễn Anh Kết - Giám đốc Công ty Thanh Hà khẳng định, việc Công ty thử nghiệm chế phẩm trên diện tích lúa không nhằm mục đích nghiên cứu về mặt virut học mà chỉ tạo ra môi trường tốt để cải tạo đất, cung cấp năng lượng sống.

Để phục hồi cây trồng chỉ có thể dùng giải pháp sinh học chứ khó có thể dùng biện pháp hoá học bởi nó chỉ có thể diệt rầy nâu, bệnh cho lúa. Các chế phẩm AH, KH, NH sẽ có chức năng cải tạo chua phèn, giải độc cho đất, cây trồng bằng những hợp chất để cung cấp nguồn dinh dưỡng sống, tạo cân bằng cho cây trồng. Cây trồng khoẻ thì sẽ có thể chống chịu, đề kháng với sâu bệnh.

Hiện chưa thể khẳng định rằng chế phẩm AH, KH và NH là giải pháp chữa bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho lúa khi chưa có những cơ sở khoa học xác đáng. Tuy nhiên, những gì mà chế phẩm này đã thử nghiệm ở Vĩnh Long để biến một ruộng lúa chuẩn bị nhổ đi trở lại xanh tốt, cho thu hoạch là một tín hiệu tốt đáng hy vọng, cần có những nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng của các cơ quan chuyên môn.

Trong khi chưa tìm ra giải pháp điều trị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá thì việc ứng dụng thử nghiệm những chế phẩm sinh học mới sẽ được ủng hộ, giúp đỡ như lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo ngày 4/11/2006.

Giữa lúc cả ĐBSCL đang khốn đốn vì đại dịch vàng lùn, lùn xoắn lá lá thì việc xác định chính xác để tránh lập lờ diện tích lúa vàng bệnh lý, vàng sinh lý cây trồng thuộc về các cơ quan chuyên môn bảo vệ thực vật. Mục đích cuối cùng của doanh nghiệp khi thử nghiệm chế phẩm này là xem cây lúa vàng lụi có bật rễ, phát lá, hoặc lây lan hoặc chết không? Nếu nó sống thì sẽ phát triển như thế nào, có lùn nữa không? Ông Kết cho rằng chỉ cần có được kết quả này cũng là một thành công của chế phẩm và từ đó sẽ có những nghiên cứu tiếp để điều chỉnh tỷ lệ các hoạt chất có trong chế phẩm để cung cấp cho cây trồng.

Cùng với đó, ông Khiêm cũng đưa ra giải pháp cắt vụ để hạn chế mầm mống bệnh lây lan giữa các mùa vụ. Bởi cách đây 20-30 năm, miền Bắc cũng đã bị dịch nhưng miền Bắc đã dập được dịch, cắt nguồn lây lan vì 2 vụ được cách xa nhau với thời tiết vụ Đông và ruộng được cày ải. Còn miền Nam hiện nay, lúa được gieo trồng quay vòng liên tục: có chỗ gieo, chỗ đang làm đòng, nơi đang trỗ, có chỗ lại đang gặt. Do đó, trên một cánh đồng lúc nào cũng có môi trường dưỡng bệnh.



Phan Anh
Báo cáo phân tích thị trường