Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
An Giang: Nông dân vẫn háo hức lúa vụ 3
19 | 08 | 2009
Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, vụ thu đông (vụ 3) 2009, toàn tỉnh sẽ xuống giống gần 100.000 ha, lịch thời vụ bắt đầu từ ngày 5 đến 20/8/2009, nhằm né đợt rầy di trú và né được triều cường hằng năm. Dù thời tiết vụ này mưa nhiều không thuận lợi sản xuất lúa nhưng nông dân vẫn háo hức làm với hy vọng lúa vụ 3 sẽ bán được giá.

Ông Nguyễn Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Khánh (Thoại Sơn - An Giang) khẳng định, sản xuất lúa vụ 3 không đến mức quá khó làm và tin chắc lợi nhuận sẽ cao hơn vụ hè thu. Xã Vĩnh Khánh đã họp dân, thống nhất sản xuất 100% diện tích - 2.810 ha ở 6 tiểu vùng, lịch xuống giống được xác định ngày 10/8/2009. Công tác chuẩn bị sản xuất, ông Thu cho biết, đã gia cố đê bao và sửa các cống ngăn lũ, 15 trạm bơm điện và 75 máy bơm dầu công suất lớn sẵn sàng bơm rút nước chống ngập úng khi có mưa bão kéo dài.

Nông dân An Giang đang chờ một mùa lúa bội thu
Ông Thu so sánh sản xuất vụ 3 ở các năm qua, chi phí đều thấp hơn vụ hè thu từ 5-8 triệu đồng/ha nhưng năng suất trội hơn 0,5 tấn/ha. Ông Nguyễn Vinh Hùng - nông dân ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Khánh hớn hở khoe, 5 năm liền sản xuất lúa vụ 3 đều thắng lợi, năng suất đạt trên 5 - 6 tấn/ha, chi phí phân bón và nông dược ít tốn kém hơn vụ hè thu nên lợi nhuận cao hơn. Chuẩn bị sản xuất vụ 3 này, tôi chọn giống OM 5490 để gieo sạ 2 ha, sử dụng giống xác nhận để sạ hàng và áp dụng kỹ thuật “ba giảm, ba tăng”.

Phân tích về lợi ích của lúa vụ 3, kỹ sư Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn nói rằng, không chỉ tăng thêm thu nhập, lợi nhuận cho nông dân trồng lúa mà còn tạo công ăn, việc làm cho lao động vùng nông thôn, thay vì bỏ đất ngập nước. Theo kỹ sư Thủy, kế hoạch vụ 3 này, toàn huyện xuống giống 28.000 ha (xả lũ 8.000 ha) ở 84 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ. Công tác chuẩn bị mùa vụ đã sẵn sàng 190 trạm bơm điện và 702 máy bơm dầu. Thu hoạch xong vụ 3 sẽ xả lũ để lấy phù sa và làm vệ sinh đồng ruộng.

Ông Ngô Văn Chánh, Bí thư Huyện ủy huyện Phú Tân cho hay, đặc điểm của vùng chuyên canh nếp Phú Tân, hiệu quả sản xuất vụ 3 cao hơn vụ ĐX và vượt xa vụ HT. Các giống nếp thơm Phú Tân thích nghi thời tiết vụ thu đông nên năng suất xấp xỉ vụ ĐX. Nếp sau thu hoạch đưa vào lò sấy, chất lượng cao nên giá bán cao hơn vụ ĐX. Vì các yếu tố thuận lợi, nông dân Phú Tân “mặn” sản xuất vụ 3 hơn vụ HT. Tuy nhiên, vì sự phát triển bền vững của nền sản xuất nông nghiệp, Phú Tân sẽ phân kỳ sản xuất 3 năm 8 vụ. Do đó, vụ 3 này chỉ sản xuất khoảng 10.000 ha trên tổng diện tích 22.000 ha đất trồng lúa. Phương án xả lũ được thực hiện đan xen hằng năm giữa các vùng nhằm cân bằng công ăn việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn, phù hợp với chủ trương của tỉnh là 3 năm sản xuất 8 vụ. Trong số 10.000 ha lúa vụ 3, ưu tiên cho vùng mới làm đê bao kiểm soát lũ liên xã Phú Bình, Hiệp Xương, Hòa Lạc, Phú Xuân và một phần xã Phú Hưng trên diện tích 2.950 ha.

Tiến sĩ Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL giữ quan điểm ủng hộ tỉnh An Giang sản xuất lúa vụ 3 ở những vùng có đê bao kiểm soát lũ. Theo ông, tháng 8 và tháng 9 mưa nhiều cần chuẩn bị tốt hệ thống đê bao và các phương tiện chống ngập úng. Sang tháng 10 lúa trổ đến chín gặp nắng sẽ cho năng suất cao, thu hoạch thuận lợi.

Toàn vùng ĐBSCL có trên 1,6 triệu ha đất trồng lúa (sản lượng vụ hè thu 7,75 triệu tấn) nhưng diện tích sản xuất vụ 3 chỉ khoảng 480.000 ha (dự kiến sản lượng 2 triệu tấn) nên về mặt kinh tế sản xuất vụ này có lợi. Còn vấn đề môi trường, vài năm cho xả lũ một lần sẽ không ảnh hưởng đến nguồn dinh dưỡng đất.

Lo ngại là giá cả vật tư sản xuất nông nghiệp sẽ tăng cao ở vụ 3, làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người trồng lúa. Anh Trương Văn Bi, đại lý cấp II bán vật tư nông nghiệp (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn) lạc quan nói, hiện nay các loại phân bón đang giảm giá, nhất là mặt hàng phân DAP giảm rất mạnh, thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm giá, nguồn cung phân bón trên thị trường rất dồi dào, có lợi cho nông dân sản xuất lúa vụ 3. Anh Bi nói, chính sách kích cầu của Chính phủ đã đến nông dân, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để dự trữ hàng phục vụ sản xuất. Tôi tin vụ này không còn xảy ra tình trạng tăng giá phân bón, sốt nông dược khi vào cao điểm dịch bệnh hại lúa và nhu cầu phân bón như mấy năm trước.

Còn giá xăng dầu tăng cũng không đáng quan ngại, bởi đa số các tiểu vùng sản xuất đều có trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, chống ngập úng. Tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông 2009, bà Phạm Thị Hòa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra để bình ổn thị trường vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh phân bón dỏm, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, nhằm đảm bảo sản xuất có lợi và hiệu quả cho nông dân.



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường