Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cả vượt qua kênh phân phối
09 | 02 | 2009
Cho dù thông tin về thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2008 đã vượt qua 1.000 USD cũng không làm cho người tiêu dùng bớt băn khoăn.

Cuộc điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay được tiến hành trong bối cảnh nền kinh tế có quá nhiều biến động, từ sự háo hức chi tiêu vào đầu năm 2008 đến lạm phát gia tăng vào quý 2 và 3, tiếp theo là sụt giảm tiêu dùng trong quý 4.

Mức chi tiêu tăng

Ngoài yếu tố lạm phát, vật giá gia tăng, số liệu điều tra qua các năm cho thấy mức chi tiêu bình quân đầu người tăng mạnh qua các năm đối với mức chi tiêu bình quân trên 1 triệu đồng/người/tháng (nhóm chi tiêu cao nhất) và giảm đều ở các nhóm còn lại.

Nhóm chi tiêu cao nhất này đã tăng từ 18,4% năm 2004 lên 62,2% năm 2008, tăng hơn 3 lần. Riêng hai nhóm người tiêu dùng có mức chi tiêu bình quân từ 500 ngàn đồng/người/tháng trở lên trong năm 2008 chiếm đến 93,3%. Số liệu này cho thấy mức sống của người tiêu dùng đã cải thiện đáng kể qua các năm (xem bảng).



Sự đổi ngôi Yếu tố chọn mua

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm căn cứ trên nhiều yếu tố khác nhau tùy theo mỗi ngành hàng. Thu nhập tăng, sức tiêu dùng tăng cũng làm thay đổi quan điểm tiêu dùng của người tiêu dùng.

Chất lượng, dĩ nhiên, là yếu tố hàng đầu khi người tiêu dùng chọn mua sản phẩm. Thương hiệu được lựa chọn nổi trội, là yếu tố niềm tin nơi người tiêu dùng, khi ngày càng có nhiều nhãn hiệu khiến người tiêu dùng khó khăn trong lựa chọn.

Trong hầu hết các ngành hàng, thương hiệu đóng vai trò như là yếu tố đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng mua sản phẩm của những thương hiệu nổi tiếng, vì theo họ, sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng đã được thị trường kiểm nghiệm, người tiêu dùng yên tâm sẽ tránh được rủi ro chọn nhầm sản phẩm kém chất lượng.

Hơn nữa, hiện nay người tiêu dùng đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như: hàng gian, hàng giả, hàng nhái…; do đó yếu tố thương hiệu càng trở nên quan trọng dưới nhãn quan tiêu dùng, nhất là có nhiều vụ tai tiếng về chất lượng sản phẩm trong thời gian qua.

Năm nay, yếu tố giá cả đã vượt qua phân phối để chiếm vị trí thứ hai. Như vậy, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế đã thể hiện rõ qua lựa chọn của người tiêu dùng (xem bảng).



Thay đổi Nơi mua hàng

Bên cạnh việc lựa chọn một sản phẩm tốt phù hợp với nhu cầu, người tiêu dùng còn rất quan tâm và cân nhắc chọn nơi mua phù hợp. Tùy theo đặc điểm từng ngành hàng mà các kênh phân phối có ưu thế khác nhau.

Theo kết quả điều tra tiêu dùng, siêu thị là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng thường xuyên. Đặc biệt đối với ngành hàng thực phẩm đông lạnh, siêu thị chiếm đến 61,6% tỷ lệ chọn mua, trong khi đại lý chiếm vị trí thứ hai - chỉ 12,6%.

Trong sự “lấn át” của siêu thị, tiệm tạp hóa và chợ - hai kênh phân phối truyền thống - vẫn được người tiêu dùng chọn mua nhiều ở các ngành hàng như nước chấm, gia vị, đồ uống không cồn hay nhựa gia dụng.

Tham khảo thông tin khi mua hàng?

Các kênh thông tin cơ bản mà người tiêu dùng thường tham khảo thông tin về sản phẩm là truyền hình, báo chí, người bán, người thân/bạn bè. Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy kênh thông tin quan trọng nhất là kinh nghiệm tiêu dùng của chính bản thân người tiêu dùng.



Tuy nhiên, cũng như chọn nơi mua hàng, tùy theo đặc điểm của từng sản phẩm, ngành hàng, sự lựa chọn các kênh thông tin tham khảo có những khác biệt rõ rệt.

Đối với ngành hàng tư liệu sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng thường “tối mù” trước các thông tin phức tạp của sản phẩm thì kinh nghiệm bản thân hoặc người thân, bạn bè giới thiệu là lựa chọn hàng đầu.

Hay như ngành đồ uống không cồn thì tivi và báo chí chiếm vị trí cao. Đặc biệt, báo chí là nguồn thông tin tham khảo hàng đầu trong ngành băng đĩa.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường