Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân có cổ phần trong nhà máy?
01 | 11 | 2007
Lâu nay nông dân vẫn là lực lượng chủ lực góp sức tạo ra vùng nguyên liệu cho các DN. Như vậy sau chủ trương cổ phần hoá (CPH), cần có chính sách thế nào để DN cùng san sẻ quyền lợi với nông dân?

Kỳ 1: Dân háo hức, doanh nghiệp e dè!

Bài học cũ

 

Cuộc thăm dò từ nhiều nông dân cho thấy ước vọng làm cổ đông, mua cổ phiếu của DN đối với họ vẫn mong manh: Vốn thiếu, mù tịt thông tin và chính sách hài hoà chưa có nên việc chen chân làm cổ đông ở DN CPH là điều không tưởng. Anh N.T.H nuôi bò sữa ở Củ Chi-TPHCM từng hay tin Vinamilk bán cổ phiếu ưu đãi nhưng do chăn nuôi nhỏ, không nắm vững lĩnh vực này nên không thể chen chân.

Về quan điểm nông dân góp đất, nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng DN vẫn dè chừng trước những rủi ro có thể xảy ra. Có DN cho rằng, trường hợp DN làm ăn thua lỗ đương nhiên đồng nghĩa với việc nông dân mất đất. Tương lai của họ sẽ ra sao khi lâu nay chỉ trông vào mảnh đất? Tuy vậy một giải pháp có thể bớt “sốc” là thay vì góp đất với DN, thông qua chính sách Nhà nước phải tạo điều kiện cho nông dân góp vốn bằng giá trị tiền cho thuê đất của họ.

Theo anh H. việc ưu đãi, hay đấu giá công khai thì nông dân nghèo cũng không có cơ hội. Tương tự, nhiều nông dân trồng mía, bắp... cung cấp nguyên liệu cho nhiều DN còn cho biết: "Làm gì dám mơ có tiền nhiều mua cổ phiếu. Ai ưu đãi, cho làm cổ đông thì ráng dành dụm thôi!".

Thực tế, Vinamilk vẫn đang là tâm điểm thời sự của câu chuyện CPH. Kết thúc thanh tra tại Công ty CP Sữa Vinamilk, Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi gần 40 tỷ đồng sai phạm. Liên quan đến những sai phạm ở đây, không chỉ các cán bộ, cá nhân ở Vinamilk bị kiểm điểm mà cả một số cán bộ ở Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương), Bộ Tài chính, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam. Những nông dân nuôi bò sữa cung cấp sữa cho Vinamilk được mua cổ phần ưu đãi. Thế nhưng, số cổ phần này đã không được bán hết cho nông dân. Về vấn đề này, lãnh đạo Vinamilk cho rằng, hộ nông dân không mua hết số cổ phần được mua ưu đãi. Tuy nhiên, thay vì giải thích, thuyết phục để nông dân hiểu lợi ích của việc mua cổ phần và gắn bó với Vinamilk thì công ty đã không tổ chức đấu giá số cổ phần ưu đãi (2,66% vốn điều lệ) mà hộ nông dân không mua hết, không báo cáo với Bộ Công nghiệp để điều chỉnh phương án mà tự ý dùng các quỹ khen thưởng và phúc lợi của Cty để mua. Việc làm này, theo Thanh tra Chính phủ là không đúng quy định của Bộ Tài chính. Thanh tra CP nhận định, số cổ phiếu này nếu được đấu giá công khai thì sẽ chênh lệch với giá mà công ty dùng quỹ mua lại hơn 2 tỷ đồng.

Sau "bài học" trên cùng với đà thiếu nguồn nguyên liệu sữa trầm trọng, Vinamilk đang tính toán việc xây dựng các vùng nguyên liệu lớn ở Tây Ninh, Lâm Đồng... với quy mô khoảng 2.000 con/trang trại. Song với giá cổ phiếu cao như hiện nay, việc nông dân có muốn trở thành cổ đông nữa hay không vẫn chưa rõ, nhưng đại diện Vinamilk cho biết cả người dân trong vùng dự án sẽ được hưởng lợi vì có thêm người trồng cỏ để bán. Tất nhiên, những vùng nuôi bò sữa đang được toan tính và nông dân "đại gia" có xuất hiện không vẫn còn là chuyện tương lai...

Cách nghĩ mới

Khi nghĩ về chuyện CPH, ông Nguyễn Hữu Huy-GĐ Cty Chăn nuôi Tiền Giang, một đơn vị chuẩn bị CPH tâm sự: Cty có nghĩ đến việc mời các đại lý là đối tác chiến lược của Cty làm cổ đông. Tuy nhiên, theo quy định hiện định nay thì đại lý, nông dân tham gia mua cổ phiếu cũng phải qua đấu giá, chứ không còn ưu đãi. Theo ông Huy, vùng nguyên liệu TĂCN cung cấp cho Cty không lớn. Theo QĐ 80 “liên kết bốn nhà”, năm 2006 Cty từng gợi mở làm thí điểm dự án vùng nguyên liệu 50-70 ha, kéo nông dân vào. Song, ý tưởng này cũng không dễ vì nông dân có quan điểm trồng lúa có ăn hơn cây bắp. “Nếu có quy định cụ thể, hợp lý Cty cũng thực hiện theo quy định của pháp luật”-ông Huy nói.

GĐ chi nhánh Cty Phân bón Bình Điền tại Tiền Giang (đơn vị chuẩn bị CPH), ông Phạm Anh Cường nhìn nhận: Đặt ra tình huống buộc DN phải cho nông dân ở vùng nguyên liệu trở thành cổ đông cũng phải nhìn cho toàn cảnh. Cho dù vốn lớn nhưng trở thành cổ đông mà nông dân có trình độ kĩ thuật, học vấn thấp...thì rất khó. Quan tâm đến nông dân để chia sẻ quyền lợi cho họ, ai cũng muốn nhưng phải xác định đúng đối tượng, không khéo sẽ xảy ra tình trạng “đội lốt” nông dân.

Trong khi đó, GĐ một DN sản xuất thuốc BVTV đưa ra tình huống: Nếu Nhà nước bắt buộc bằng mọi cách để nông dân trở thành cổ đông sau CPH DN là không dễ thực hiện. Theo vị này, chuyện chọn cổ đông phải tuân theo quy luật thị trường thì mới có tập thể cổ đông mạnh, đóng góp cho Cty. Hãy phát huy “sở trường” của nông dân là sản xuất cho thật tốt trên miếng đất của họ. Vì vậy để phát triển bền vững thì Nhà nước phải tính toán, tạo điều kiện cho nông dân trở thành công nhân nông nghiệp lành nghề để họ tự đảm bảo được đời sống.

Trên thực tế vẫn có những nông dân đi xe hơi, bỏ áo trong quần… có vốn, kiến thức và bằng nhiều hình thức họ đủ sức chen chân làm cổ đông, nắm giữ nhiều cổ phiếu. Vấn đề ai cũng thấy là nông dân ở các vùng nguyên liệu đa số còn nghèo. Bên cạnh đó mối quan hệ mua-bán giữa DN và nông dân là "thuận mua, vừa bán". Vậy vấn đề tìm giải pháp, nhằm mang lại lợi ích cho nông dân ở các DN đã và đang sẽ CPH ra sao?

 



Theo nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường