Tính đến hết tháng 4, các nhà máy đường đã ép được 11.143.800 tấn mía, làm ra 1.033.350 tấn đường. Các nhà máy ở miền Đông và ĐBSCL đã kết thúc niên vụ. Từ miền Trung trở ra do thời vụ thu hoạch mía muộn nên vẫn tiếp tục ép. Niên vụ 2006-2007 ngành mía đường đạt một kết quả khá ngoạn mục: chắc chắn đạt cao hơn chỉ tiêu đề ra là 1.259 tấn.Cộng với lượng đường tồn kho và dự trữ từ năm cũ, lần đầu tiên cả nước cân đối đủ nhu cầu đường cho tiêu dùng và sản xuất công nghiệp, không phải lo nhập khẩu nữa. Đáng nói nhất là mặc dù giá đường thế giới giảm nhưng đường nhập lậu hiện tại không còn là nỗi lo vì các nhà máy đã nỗ lực hạ giá thành để cạnh tranh.
Vụ 2006/2007, tổng công suất các nhà máy đường đang hoạt động là 83.350 tấn mía/ngày so với 82.150 tấn của niên vụ trước. Ngoài việc duy tu bảo dưỡng, một số nhà máy đã nâng cấp thiết bị nhằm tăng công suất, nổi bật như Công ty Cổ phần Đường Cần Thơ, Công ty TNHH Công nghiệp KCP, Công ty Cổ phần Mía đường Ninh Hòa... ở miền Trung.
Vụ mía đường năm trước, giá mía, giá đường tăng cao đã tạo điều kiện thuận lợi để củng cố, xây dựng vùng nguyên liệu. Nông dân nhiều vùng đã tích cực trồng lại mía ở các diện tích trước đó đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Diện tích mía cả nước đã tăng 38.000 ha, lên 303.000 ha. Diện tích các vùng nguyên liệu các nhà máy đã ký hợp đồng đầu tư và bao tiêu tăng 41.115 ha, lên 225.774 ha.
Các nhà máy gần như đều lúng túng trong việc thực hiện hợp đồng. Đầu tiên giá đưa ra là 350.000-400.000 đ/tấn nhưng do lượng mía quá nhiều, các nhà máy đều vin vào chữ đường để hạ giá mua, hoặc thả nổi để tư thương hạ giá mua của nông dân. Tại vùng Cù lao Dung (Sóc Trăng), sau Tết âm lịch, giá mía chỉ còn 180.000 đồng/tấn. Bình quân trong cả niên vụ, giá mía tại ĐBSCL khoảng 330.000-360.000 đ/tấn, miền Trung từ 350.000-380.000 đ/tấn, miền Bắc từ 320.000-360.000 đ/tấn.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa nhà máy và nông dân còn thiếu gắn kết. Tại Bình Định, vùng nguyên liệu mía 4.000 ha có nguy cơ tan nát khi nhà máy không thực hiện các cam kết về bao tiêu, thưởng đối với các hộ đã chuyển đổi đất sang trồng mía.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Bình Định trả lời những thắc mắc của nông dân về sự bội tín rằng do phía cổ đông mới nắm giữ cổ phần chi phối của công ty đang làm một cuộc cải tổ nên mới xảy ra sự cố trên. Tại Long An, vào cuối vụ người dân lại băn khoăn khi trúng mùa nhưng đem đến bàn cân, nhà máy lại đánh giá chữ đường khá thấp!
Chữ đường trở thành vấn đề đau đầu trong quan hệ bán buôn giữa nông dân và nhà máy. Công ty TNHH Mía đường Bourbon Tây Ninh (SBT) vừa qua xây dựng được vùng nguyên liệu 16.000 ha, lớn nhất từ trước đến nay. Năng suất năm qua được mùa, đa phần đạt 70 tấn/ha, nhiều hộ đạt 120 tấn/ha. Thế nhưng khi giao nguyên liệu, nhiều người không hài lòng khi chữ đường được đánh giá khá thấp, chỉ 8-9 chữ đường.
Trước tình hình người dân thắc mắc về chữ đường, nhiều nhà máy từ ĐBSCL đến Nam Trung Bộ-Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ đưa ra sáng kiến... mua mía “xô”, không phân loại, không tính đến chữ đường.
Công ty TNHH Công nghiệp KCP có đến 2 nhà máy tại Phú Yên. Theo Tổng giám đốc công ty, từ khi đưa ra cách mua xô, nông dân thực sự phấn khởi vì thanh toán nhanh. Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý cho rằng cách làm này sẽ không khuyến khích nông dân trồng mía có chữ đường cao. Cây mía ở vùng trung du Trung Bộ, chữ đường thường đạt khá cao, từ 11-12 chữ đường, nếu cứ mua xô (tính bình quân từ 8-9 chữ đường) thì rõ ràng cái lợi đa phần thuộc về nhà máy, còn người nông dân cứ mãi chịu thiệt thòi.
Trong niên vụ 2006-2007, một số doanh nghiệp mía đường đã có thể tiếp tục phát triển, làm ăn có hiệu quả trong thời kỳ hội nhập. Một số nhà máy đường trước đây chưa vững vàng, nhưng nhờ hoàn tất cổ phần hóa đã xoay chuyển được tình hình. Tại Khánh Hòa, Nhà máy đường Cam Ranh sau khi thành Công ty Cổ phần đã chạy gần đạt công suất thiết kế 6.000 tấn mía/ngày. Công ty mía đường Bourbon Tây Ninh đang có các dự án sau mía khá triển vọng như nhà máy điện, nhà máy cồn...
Ngày 15/2/2007, Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển mía đường đến 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được ban hành. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh có nhà máy đường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch phát triển nguyên liệu của tỉnh; qua đó điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch của vùng nguyên liệu của từng nhà máy phù hợp với phát triển cơ sở chế biến.
Theo các nhà quản lý đây chính là mấu chốt của sản xuất mía đường. Vì vậy các công ty phải tính toán để người trồng mía và những người làm mía có cùng một tiếng nói chung để ngành mía đường phát triển ổn định