Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bao giờ nhà máy đường đủ mía?
14 | 09 | 2010
Niên vụ 2009-2010, cả nước có 40 nhà máy đường hoạt động với lượng mía ép đạt 9,74 triệu tấn, lượng đường sản xuất đạt 904 nghìn tấn, tỉ lệ phát huy công suất bình quân chỉ đạt 61,5%.

Hiện tại, tổng công suất của 10 nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 23.000 tấn/ngày. Song diện tích mía khoảng 52.500 ha, sản lượng 3,8 triệu tấn mía cây, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng chạy 165 ngày/vụ/năm. Tình trạng tranh mua, tranh bán mía nguyên liệu vẫn chưa có hồi kết.

Vụ mía vừa qua, diện tích các vùng mía nguyên liệu cả nước tăng nhưng không cao, chỉ khoảng 3-4%. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nếu diện tích tăng không nhiều thì chưa thể tạo ra đột biến về sản lượng mía, bởi có thâm canh tốt cũng chỉ đáp ứng không quá 70% nhu cầu của các nhà máy đường.

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 1/2 diện tích và sản lượng mía cả nước nhưng việc đầu tư phát triển giống mía mới rất chậm, giống mía cũ vẫn còn cao dẫn đến sản lượng mía cây chưa đáp ứng nhu cầu của nhà máy.

Cả 10 nhà máy đường tại đây  cũng không có vùng mía nguyên liệu riêng nên khi vào vụ ép đã tranh nhau mua mía, đẩy giá mía lên cao ngất, có lúc đạt kỷ lục 1,2 triệu đồng/tấn, dẫn đến sản xuất và hiệu quả kinh doanh không ổn định. Hợp đồng giữa nhà máy và nông dân trồng mía chủ yếu là hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nên 2 bên chưa gắn kết chặt chẽ và nhà máy chưa muốn đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu riêng.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định mở rộng vùng mía ở đây lên 90.000 ha, sản lượng đạt 7 triệu tấn mía cây. Riêng tại Hậu Giang, mỗi năm trồng khoảng 13.000 ha và trở thành có vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực, có khả năng cung cấp mỗi năm từ 900.000 - 1 triệu tấn mía cây.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông  thôn tỉnh Hậu Giang cho biết: “3 nhà máy đường trong tỉnh nếu hoạt động đủ công suất sẽ cần vùng mía nguyên liệu 15,000 ha. Do đó không lo tăng diện tích mía, nếu mở rộng đến 17.000 ha vẫn tìm được nơi tiêu thụ.

Diện tích mía niên vụ 2010-2011 của Hậu Giang khoảng 14.000 ha, tăng 1.000 ha so niên vụ trước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân nên phá bỏ vườn tạp chuyển sang trồng mía. Tuy nhiên, cần tránh quá đà phá cả vườn dâu, sầu riêng hoặc bỏ lúa trồng mía”.

Thời gian qua, việc xây dựng vùng nguyên liệu mía của tỉnh Hậu Giang có sự đóng góp đáng kể của doanh nghiệp mía đường. Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) tổ chức cuộc thi “Nông dân trồng mía giỏi tỉnh Hậu Giang” đã chọn nông dân đọat giải nhất làm chủ nhiệm Câu lạc bộ và chọn xã Hiệp Hưng làm nơi thí điểm thành lập câu lạc bộ trồng mía.

Đồng thời, Công ty đã cử cán bộ đến tận ruộng hướng dẫn nông dân Hiệp Hưng thay đổi tập quán trồng mía, tổ chức nhiều hội thảo đầu bờ truyền đạt kiến thức trồng mía theo mô hình mới hiệu quả, chữ đường cao cho các thành viên của câu lạc bộ.

Ngay vụ thử nghiệm đầu tiên, nhiều hộ trong câu lạc bộ đạt năng suất đến 170 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt tới 200 tấn/ha. Sau thành công này, Casuco phối hợp cùng chính quyền địa phương đứng ra thành lập câu lạc bộ 200 tấn mía/ha, với gần 60 thành viên. Nông dân trong câu lạc bộ, ngoài việc được bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thu mua 5đồng/kg, còn được Casuco hỗ trợ về kỹ thuật giống mía, đi tham quan học hỏi kinh nghiệm và được tặng học bổng cho con em, bà con chỉ bán mía cho Casuco.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty Casuco cho biết: " huyện Phụng Hiệp là vùng mía lũ, mùa nước về thì nông dân buộc phải đốn mía đồng loạt. Do vậy vào mùa này nguồn mía nguyên liệu rất thừa, qua hết mùa lũ lại thiếu mía. Cảnh thừa thiếu đã ảnh hưởng đến cả vùng, tạo nên sự cạnh tranh giành nguyên liệu giữa các nhà máy đường”.

Hiện nay, ngoài hai nhà máy của Casuco, Hậu Giang còn có nhà máy đường Long Mỹ Phát với tổng công suất 8.500 tấn mía nguyên liệu/ngày. Nếu vùng nguyên liệu mía chỉ đáp ứng 2/3 công suất ép của các nhà máy trong vùng thì chuyện tranh mua tranh xảy ra ngay tại địa phương. Vì vậy bên cạnh tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển câu lạc bộ 200, Casuco đã chủ động mở rộng vùng chuyên canh mía là vấn đề cấp thiết.

Ông Trần Thành Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nói: “nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu, nguồn vốn thu mua, vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh là khó nhất đối với các doanh nghiệp hiện nay. Giữa các doanh nghiệp và các ngân hàng còn khó khăn hơn. Vì thế chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có một bước điều chỉnh trong các mối quan hệ giữa nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và nông dân. Cần phải có sự ràng buộc và trách nhiệm, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn”.

Hiện năng suất mía bình quân tại Hậu Giang đạt 90-120 tấn/ha, nếu được đầu tư thỏa đáng về kỹ thuật, giống thì nông dân trồng mía có thể đạt năng suất cao hơn câu lạc bộ 200. Như vậy có khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất của ba nhà máy đường. Đây là giải pháp hàng đầu mà doanh nghiệp mía đường đang hướng tới.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường