Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“1 ha đất phải đầu tư trên 1 triệu USD”
01 | 11 | 2007
Hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tây.
Năm 2006, Hà Tây đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút FDI. Vậy xin ông cho biết kết quả thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài của Hà Tây từ đầu năm 2007 đến nay?

10 tháng đầu năm 2007, Hà Tây thu hút được 115 dự án với tổng số vốn đăng ký là 18.743 tỷ đồng. Đầu tư trong nước có 92 dự án với vốn đăng ký 10.491 tỷ đồng, tăng 2,04 lần về số dự án và gấp 8,31 lần tổng vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ năm 2006. Dự kiến đến hết năm 2007, thu hút đầu tư trong nước của Hà Tây có thể đạt 16.300 tỷ đồng, gấp 3,53 lần so với năm 2006 và bằng 145,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả giai đoạn từ năm 2000 đến hết 2006.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, có 23 dự án với vốn đầu tư đăng ký là 515,7 triệu USD, tăng 92% về số dự án và gấp 11,2 lần về vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ 2006. Nếu tính cả các dự án đã và sắp trình hồ sơ cấp phép đầu tư, dự kiến cả năm 2007 sẽ thu hút được khoảng 30 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tăng 57,8% so với năm 2006, với tổng vốn đăng ký khoảng 1 tỷ USD, tăng 25,8% so với năm 2006. Như vậy, riêng năm 2007, Hà Tây có thể khẳng định kết quả thu hút đầu tư vượt năm kỷ lục 2006.

Hà Tây đề ra những mục tiêu kêu gọi thu hút đầu tư cụ thể nào cho năm 2008, thưa ông?

Năm 2008 sẽ tiếp tục phát huy những thế mạnh cũng như những điều kiện, bài học đã thu nhận được trong năm 2006 và 2007. Tuy nhiên, năm 2008, chúng tôi sẽ chú ý mạnh đến chất lượng những dự án đầu tư, làm sao cho Hà Tây có sự chuyển hướng cơ cấu kinh tế đúng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển dịch sang nền kinh tế dựa vào du lịch và dịch vụ.

Năm 2007, những dự án được cấp phép năm 2006 sẽ giải ngân được khoảng 30%. Chúng tôi có thể khẳng định những dự án đã cấp phép năm 2006 và 2007 sẽ được giải ngân trong năm 2008. Trong năm 2008, chúng tôi tin tưởng số vốn đầu tư trong nước sẽ bằng hoặc cao hơn năm 2007 và vốn đầu tư nước ngoài sẽ đạt hơn 1 tỷ.

Hà Tây là địa phương đất chật người đông, nếu thu hút đầu tư theo kiểu lấy số đông, liệu quỹ đất có đủ đáp ứng?

Đúng vậy, thực ra phát triển công nghiệp - dịch vụ du lịch của Hà Tây mới bắt đầu 3 năm trở lại đây nên quỹ đất vẫn còn tương đối lớn, trong khoảng 5 đến 10 năm nữa, chúng tôi hoàn toàn có đủ quỹ đất để thu hút đầu tư. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến chuyện sử dụng đất sao cho có hiệu quả nên chủ trương của Hà Tây là thu hút những dự án có suất đầu tư lớn, quy mô lớn, đi theo hướng đầu tư chiều sâu về công nghệ cao, giảm thiểu những dự án dùng nhiều đất nhưng suất đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế thấp.

Đây là vấn đề khó, nước ta đang dần đi theo hướng tự do hoá đầu tư, tự do hoá kinh doanh nên chúng tôi đang tính đến việc thiết chế hóa các quy định để nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư nhưng không trái với tinh thần tự do hóa đầu tư kinh doanh. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ công bố các thiết chế nhưng vẫn lấy hiệu quả đầu tư, lợi ích phát triển kinh tế và lợi ích nhà đầu tư để xây dựng chính sách.

Như vậy, Hà Tây sẽ tiến tới chỉ tiếp nhận những dự án lớn. Vấn đề đặt ra ở đây là khả năng thẩm định dự án của địa phương có thể thẩm định được tính hiệu quả của các dự án lớn?

Tư duy hiện nay là tự do hoá đầu tư với nguyên tắc các nhà đầu tư tự khai, tự chịu trách nhiệm. Chúng ta đang tiến đến nền hành chính theo hướng bỏ tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm và nâng cao vai trò tính chịu trách nhiệm trước pháp luật của các nhà đầu tư. Như vậy, vấn đề thẩm định không quyết định mà nằm ở công tác hậu kiểm.

Hà Tây đưa ra thông điệp tuy không chính thức: Trên 1 ha đất mà nhà đầu tư không đầu tư được trên 1 triệu USD thì hầu như chúng tôi từ chối tiếp nhận. Trong quy hoạch của tỉnh, chúng tôi muốn xây dựng 11 khu công nghiệp nhưng Chính phủ chỉ cho 5 khu vì sợ không lấp đầy. Vấn đề lớn của chúng tôi là làm sao thu hút những nhà đầu tư mang hiệu quả kinh tế cao, những nhà đầu tư chiều sâu về công nghệ cao, còn việc thu hút đầu tư đơn thuần của Hà Tây không phải là vấn đề lớn.

Nguồn nhân lực qua đào tạo là vấn đề lớn với hầu hết các địa phương, về phía mình, Hà Tây sẽ giải quyết vấn đề nhân lực như thế nào?

Nguồn lao động qua đào tạo của Hà Tây mặc dù lớn hơn mức trung bình của cả nước nhưng chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu thu hút đầu tư. Chúng tôi sẽ đưa ra nhiều chính sách nhằm xã hội hóa công tác dạy nghề bằng các nguồn vốn trong và ngoài nước. Chúng tôi sẽ cùng các nhà đầu tư lớn thực hiện việc chuyển hóa lực lượng lao động thô thành lao động qua đào tạo.


Theo vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường