Từ nửa cuối năm 2006, đặc biệt từ đầu năm 2007, Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều tập đoàn, công ty lớn từ nhiều nước, cũng như khơi dậy tiềm năng đầu tư từ dân doanh trong nước. Nhiều khách sạn 5 sao sẽ được xây dựng tại Hà Nội trong thời gian tới. Đó là, tổ hợp khách sạn 5 sao mang ký hiệu X1, với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD, do Tập đoàn Charmvit - Hàn Quốc đầu tư. Hiện chủ đầu tư đã nộp Sở Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận, sau khi ký hợp đồng thuê đất chủ đầu tư sẽ nộp ngân sách thành phố toàn bộ tiền thuê đất trong 50 năm (khoảng 215 tỷ đồng).
Tổ hợp khách sạn 5 sao X7, vốn đầu tư 270 tỷ đồng, do Công ty TNHH Trần Hồng Quân (doanh nghiệp trong nước) đầu tư và đang tiến hành hoàn thành các thủ tục để lập dự án và xin cấp giấy chứng nhận.
Khách sạn 5 sao X3, vốn đầu tư 1.198 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam đã được Tp. Hà Nội cấp giấy quyết định đầu tư.
Riêng địa điểm xây dựng khách sạn 5 sao tại X2, do có thêm Tập đoàn Riviera, Nhật Bản đề xuất được đầu tư, trên cơ sở xem xét, cân nhắc quan hệ đối tác Việt Nam với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, tranh thủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội quyết định giới thiệu thêm một địa điểm nữa tại E6, khu đô thị mới Cầu Giấy.
Theo đó, Tập đoàn Rivera, Nhật Bản sẽ đầu tư vào vị trí X2 (4 ha) để xây dựng khách sạn 5 sao. Chủ đầu tư sẽ ủng hộ TP khoảng 5 triệu USD, cùng với đề xuất được giới thiệu xây dựng 2 địa điểm xây dựng tổ hợp sân golf, văn phòng, căn hộ với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.
Đồng thời, Tập đoàn Keangnam, Hàn Quốc, sẽ đầu tư vào E6 (4,6 ha) xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao, với vốn đầu tư 500 triệu USD. Chủ đầu tư sẽ ủng hộ thành phố khoảng 2 triệu USD và đóng tiền thuê đất 50 năm/một lần, khoảng 300 tỷ đồng. UBND thành phố đã trao Quyết định số 981, chấp thuận địa điểm.
Tập đoàn Gamuda, Malaysia sẽ đầu tư xây dựng dự án xây dựng Công viên Yên Sở và xử lý nước thải hồ Yên Sở, trong đó đầu tư xây dựng công viên 380 triệu USD, xử lý nước thải 200 triệu USD.
Tập đoàn Pacific Land, Anh, đã nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng dự án Khu công nghệ sinh học Nam Thăng Long, tổng vốn đầu tư có thể đến 1 tỷ USD. Tập đoàn cũng đã nộp hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao Sài Đồng, với tổng vốn đầu tư có thể từ vài trăm triệu đến 1 tỷ USD.
Theo ông Triệu Đình Phúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND thành phố, đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính và triển khai thực hiện các luật mới; đồng thời tăng cường minh bạch thông tin, mở rộng xã hội hoá, tận dụng tối đa cơ hội.