Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
XK gạo tự do: 3 cái lợi
05 | 11 | 2008
Giá lúa vẫn giảm đã đặt ra vấn đề: Phải chăng cơ chế điều hành XK gạo của ta đang là rào cản chính khiến giá lúa không "ngóc" lên được? Và Bộ Công thương đã đề xuất với Chính phủ cho XK gạo tự do...
Trao đổi với chúng tôi về việc Bộ Công thương vừa đề nghị Chính phủ cho các DN được XK gạo tự do đến tháng 2/2009, ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên cao cấp của Vụ Kế hoạch (Bộ NN- PTNT) cho rằng, đến bây giờ mới cho XK gạo tự do là muộn, nhưng muộn còn hơn không. Theo ông Tụng, nếu cho XK gạo tự do, nông dân sẽ có lợi vì các DN sẽ phải cạnh tranh nhau nhiều hơn trong việc thu mua lúa gạo. Và chẳng có DN nào dại gì XK với giá quá rẻ để phải chịu lỗ, do đó không phải lo việc các DN XK với giá quá thấp, rồi lại ép giá thu mua lúa của nông dân.

Cũng theo ông Tụng, giải pháp nói trên không mới vì trước đây đã từng có thời kỳ các DN được XK gạo tự do không bị ràng buộc về giá sàn cũng như số lượng XK. Nhưng rồi để đảm bảo ANLT, Chính phủ đã cho ngừng việc để DN tự quyết định giá xuất cũng như yêu cầu DN phải báo cáo số lượng xuất về Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong từng thời kỳ đã hình thành những cơ chế XK gạo khác nhau: XK theo đầu mối có hạn ngạch quota, XK theo đầu mối có chỉ định, rồi Ban điều hành XK gạo…Nhìn chung, tuy hình thức có khác nhau, nhưng đều là cơ chế XK theo kiểu “xin – cho”.

Chính cơ chế này đã khiến cho đến giờ, việc XK gạo về cơ bản vẫn còn nằm trong tay các DN Nhà nước. Các DN tư nhân mới chỉ tham gia XK gạo với số lượng rất nhỏ, dù ở ĐBSCL hiện có tới hàng trăm DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thu mua, xay xát lúa gạo. Đây là một nghịch lý, bởi hiện nay các thương lái, DN tư nhân đang đảm nhận việc thu mua tới 90% lượng lúa gạo hàng hoá và cung ứng tới 70% lượng gạo thành phẩm XK cho các DN Nhà nước. Có những DN tư nhân đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng kho bãi, sắm dây chuyền chế biến gạo và mỗi năm cung ứng tới hàng trăm ngàn tấn gạo XK cho các DN Nhà nước, nhưng lại không trực tiếp làm ăn với khách hàng nước ngoài.

Thực ra, không phải là các DN tư nhân không muốn tham gia XK trực tiếp. Nhưng vì cơ chế “xin – cho”, họ đành làm kẻ buôn bán trung gian để hưởng lợi. Nếu việc cung ứng gạo thành phẩm XK cho các DN Nhà nước mà có lãi, họ sẽ làm mạnh. Nếu hoà vốn, họ làm chơi. Nếu lỗ, họ sẽ không làm. Còn nếu “dại dột” nhảy ra XK trực tiếp, e rằng với tiềm lực và quan hệ còn hạn chế so với các DN Nhà nước, DN tư nhân sẽ sớm bị “đánh” cho xây xẩm mặt mày.

Chính vì vậy, nếu bỏ hẳn cơ chế “xin – cho”, cho phép các DN được XK gạo tự do, không cần phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực (đang do các DN Nhà nước chi phối), chắc chắn sẽ có không ít nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền vốn vào lĩnh vực XK gạo. Khi ấy, nếu XK có lợi, cả 3 nhà-Nhà nước, DN và nông dân đều hưởng lợi.

Còn nếu DN nào XK bị lỗ, thì DN đó phải tự chịu lấy, mà không gây thiệt hại đến tiền bạc Nhà nước như trong mấy năm qua (các DN lương thực quốc doanh có những đợt ký hớ giá để rồi lỗ nặng, khiến Nhà nước lại phải khoanh nợ, bù lỗ). Và điều quan trọng nhất, là việc tạo ra một thị trường XK gạo tự do sẽ giúp cho việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân được tốt hơn, nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn do các khâu thu mua, cung ứng trung gian được giảm đi đáng kể …



Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường