Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để nâng cao giá trị sản phẩm
09 | 11 | 2011
Theo đánh giá của ngành Công Thương 13 tỉnh ĐBSCL, năm 2011 được coi là một năm khá thuận lợi với các mặt hàng xuất khẩu (XK) chủ lực của ĐBSCL khi cả kim ngạch và giá trị các mặt hàng này đều tăng so với cùng kỳ năm 2010. Tính đến tháng 10/2011, kim ngạch XK toàn vùng đạt trên 6 tỉ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm 2011 giá trị kim ngạch XK sẽ đạt 8,07 tỉ USD.

XK giữ đà tăng trưởng

Theo Sở Công Thương Cần Thơ kim ngạch XK toàn tỉnh đến nay đạt  trên 1 tỉ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ và vượt 1,5% kế hoạch năm, trong đó gạo và thủy sản là hai mặt hàng XK chủ lực. Đối với mặt hàng gạo, sản lượng XK trong thời gian qua đạt 787.200 tấn, tăng 50,1% so với cùng kỳ (tương đương giá trị 378 triệu USD). Hiện giá thu mua lúa thường trên địa bàn tỉnh khoảng 7.000-7.200 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg so với tháng trước); lúa chất lượng cao giá 7.200-7.300 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg so với tháng trước). Đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch XK mặt hàng thủy sản của thành phố đạt 376,67 triệu USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước...

Các tỉnh khác như An Giang, Long An, Cà Mau… cũng đều có kim ngạch XK tăng so với cùng kỳ. Nguyên nhân của việc tăng trưởng này do nhu cầu thủy sản của các nước nhập khẩu tăng cao và  việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) quyết định chọn Bangladesh là quốc gia thứ 3 thay thế để tính biên độ phá giá áp dụng cho cá tra Việt Nam. Sự thay đổi này được đánh giá là có lợi cho cá tra Việt Nam bởi trong lần trước đó, DOC đã chọn Philippines - nước có chi phí sản xuất cá tra cao hơn hẳn Việt Nam và khiến cho thuế chống bán phá giá cá tra vào Mỹ tăng cao. Đây cũng là yếu tố góp phần tăng giá trị XK thủy sản của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL. Ngoài ra, ở thời điểm này các doanh nghiệp (DN) thủy sản cũng đang ráo riết đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao vào dịp lễ, Tết cuối năm...

Các mặt hàng XK hàm lượng công nghệ cao chưa nhiều!

Mặc dù vậy, không phải địa phương nào cũng đạt nhiều thuận lợi trong việc XK các sản phẩm địa phương ra nước ngoài. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, giá trị và kim ngạch XK các mặt hàng của tỉnh trong 10 tháng chỉ tăng 17% so với cùng kỳ, tương đương 150 triệu USD. Nguyên nhân là do hàng hóa XK của vùng chưa ổn định, chủ yếu tập trung vào XK gạo và thủy sản; hàm lượng công nghệ cao trong chế biến XK còn ít nên khả năng cạnh tranh sản phẩm XK kém. Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi, nhiều diện tích tôm nuôi trong tỉnh bị thiệt hại, nguồn nguyên liệu cá tra chưa đáp ứng đủ nhu cầu... ảnh hưởng đến hoạt động chế biến XK thủy sản. Thêm vào đó, thế mạnh của tỉnh là XK nông sản nhưng việc sản xuất thường bị ảnh hưởng của thời vụ. Trong khi đó, trái cây là mặt hàng có nhiều lợi thế của vùng nhưng XK còn ít do chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của các nhà nhập khẩu.

Tương tự, kim ngạch XK của Sóc Trăng cũng chỉ tăng khoảng 11% so với cùng kỳ (tương đương 386.782 nghìn USD), trong khi đó tỉnh này lại phải nhập khẩu tăng hơn 1,73 lần so với cùng kỳ (tương đương 11.706 ngàn USD). Lý giải nguyên nhân giá trị kim ngạch XK chưa cao, ông Nguyễn Văn Ngưng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết, hầu hết các mặt hàng của tỉnh vẫn chỉ XK dưới dạng thô, chưa có nhiều mặt hàng có giá trị hàm lượng công nghệ cao, tính cạnh tranh của sản phẩm còn thấp.

Theo ông Ngưng, chuyển dịch cơ cấu XK đang là vấn đề đặt ra trong phát triển XK ở ĐBSCL nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Muốn làm được, các địa phương cần định hướng chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, mặt hàng giá trị gia tăng, mặt hàng mới; chú trọng hỗ trợ, khuyến khích DN đổi mới công nghệ, thiết bị, cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm để đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển các chuỗi giá trị riêng biệt...

Đồng thời, các DN trong vùng cần đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tích cực hỗ trợ DN thực hiện tốt các quy định về kinh doanh XK gạo theo Nghị định số 109/2010/NĐ - CP của Chính phủ; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại góp phần mở rộng thị trường, đơn giản hóa thủ tục XK cho các DN. Ngoài ra, các địa phương cũng nên theo dõi tình hình hoạt động của DN để kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp DN ổn định sản xuất, phát triển thị trường.

Theo báo Công thương



Báo cáo phân tích thị trường