Ngoài việc được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, thương nhân muốn kinh doanh xuất khẩu gạo còn phải có kho chứa và cơ sở xay xát phù hợp với quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Nghị định số 109/2010/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành đã quy định rõ về điều này.
Từ 1/1/2011, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đủ 3 điều kiện gồm: được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Kho chứa, cơ sở xay, xát phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Về dự trữ lưu thông, nghị định yêu cầu thương nhân phải duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Khi mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu, thương nhân có trách nhiệm thông báo với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương các điểm mua thóc, gạo và công bố các điểm mua này để người dân biết; niêm yết giá mua theo chất lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa.
Trường hợp thị trường trong nước có biến động, doanh nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có trách nhiệm tham gia bình ổn gia và được bù đắp các chi phí phát sinh theo hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng xuất khẩu gạo được ký kết, thương nhân phải nộp hồ sơ theo quy định của Bộ Công Thương để đăng ký hợp đồng xuất khẩu tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Trong trường hợp có lý do chính đáng thời hạn này được kéo dài thêm nhưng không quá 10 ngày làm việc.
Thương nhân phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hợp đồng đã ký kết; chỉ được thực hiện giao hàng sau khi hợp đồng đã được đăng ký theo quy định…
Cũng theo quy định tại văn bản này, trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành, thương nhân chưa có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục được hoạt động. Song hoạt động này sẽ phải chấm dứt vào ngày 1/10/2011.
Đối với thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo trước khi Nghị định này có hiệu lực vẫn tiếp tục hoạt động theo giấy phép đã được cấp.