Đây là nhận định của ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam tại hội nghị giao ban trực tuyến ngành công thương tổ chức ngày 1/8.
Theo ông Huệ, thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ về kinh doanh gạo, hiện nay Bộ Công Thương mới cấp 23 giấy chứng nhận trong khi 6 tháng đầu năm có 211 doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng các doanh nghiệp có 9 tháng để triển khai các quy định của Nghị định 109 về kinh doanh, sản xuất gạo. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp không đáp ứng được quy định này, nhất là về kho bãi, cơ sở xay xát.
Cụ thể, DN muốn được cấp giấy chứng nhận kinh doanh gạo phải đáp ứng đủ ba điều kiện gồm được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; có ít nhất một kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa; có ít nhất một cơ sở xay xát lúa, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ.
Tuy nhiên, theo ông Biên, lâu nay các nhà máy xay xát đều nằm ở vùng nguyên liệu, do đó, các thương lái thu mua lúa của nông dân thì mang ngay đến nhà máy để chà lúa thành gạo. Sau đó mang đến cho những nhà máy lớn để đánh bóng lại và đóng quy cách xuất khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ đầu tư vào nhà máy lau bóng gạo chứ chưa đầu tư vào nhà máy xay lúa và kho chứa lúa.
“Dựa vào thực tế trên, Bộ Công Thương đã thống nhất tổ chức hội nghị nghe ý kiến các DN, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra hướng tháo gỡ cho DN từ nay tới 1/10” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.
Theo Phapluattp