Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp lúa gạo đang gặp khó
06 | 07 | 2011
AGROINFO - Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang gặp khó khi một số nghị định được Bộ NN& PTNT và Bộ Công thương đưa ra.
Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo “vướng” Nghị định 109
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo phản ánh về các điều khoản của quyết định 560 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, hướng dẫn nghị định 109 các yêu cầu kỹ thuật về kho chứa và chế biến lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu.
Tại cuộc họp sơ kết xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức ngày (5/7), nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết họ gặp khó khăn với quá trình thẩm định cơ sở chế biến và kho chứa tại doanh nghiệp của cơ quan chức năng.
Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA thì tính đến thời điểm này vẫn mới chỉ có 7 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo theo nghị định 109. “Hiệp hội sẽ kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và PTNT để kịp thời gỡ vướng cho các doanh nghiệp”, ông Phong cho biết.
Ông Phạm Văn Bảy, giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang cho rằng, quy định như trên chưa sát với thực tế vì có rất nhiều doanh nghiệp có cơ sở sấy, xay xát, và kho chứa không liền kề với nhau nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chế biến, vận chuyển. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo chỉ vì thẩm định không đạt yêu cầu.
Để tạo điều kiện cho việc doanh xuất khẩu gạo, nhiều doanh nghiệp cũng đề xuất Chính phủ cho gia hạn thời gian thực hiện xây dựng nhà máy xay xát và kho chứa lúa, chẳng hạn điều chỉnh lên 2-3 năm nữa để doanh nghiệp có thời gian đầu tư tốt hơn. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp trong việc mở rộng đầu tư.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước xuất khẩu hơn 3,5 triệu tấn gạo, trị giá gần 1,7 tỷ USD. Riêng tháng 6 đạt gần 300 nghìn tấn, trị giá hơn 125 triệu USD.
Chỉ nên để 80 doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu gạo
Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét và sửa đổi quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), để giảm bớt lộn xộn trong kinh doanh và xuất khẩu gạo như thời gian vừa qua, cần siết lại tiêu chuẩn về các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và chỉ nên có 80 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là hợp lý
Theo VFA, thời gian qua có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với nhiều thành phần khác nhau, có doanh nghiệp chỉ đi thu mua rồi về xuất, không hề có kho tàng chuyên dụng, hệ thống xay xát, phơi sấy… và không có kinh nghiệm trong xuất khẩu gạo. Trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước có 211 đơn vị xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp xuất khẩu từ 10.000 tấn trở lên, chiếm 92,7% lượng gạo xuất khẩu, 161 doanh nghiệp còn lại chỉ xuất có 7,3% lượng gạo xuất khẩu, tổng cộng là 285.000 tấn/3.900.000 tấn gạo đã xuất của cả nước, thậm chí có một số thương nhân trong 6 tháng chỉ xuất 700 kg gạo, 1 tấn gạo…
Căn cứ vào tình hình thực tế và theo kiến nghị của các thương nhân, Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét và sửa đổi quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu theo hướng giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật, chỉ bắt buộc đáp ứng những điều kiện căn bản nhất và có lộ trình hoàn chỉnh tiếp để các thương nhân có thời gian chuẩn bị. Nhưng đến thời điểm này Bộ NN-PTNT chưa có văn bản điều chỉnh, trong khi đó, theo quy định của Nghị định 109/2010, các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công thương cấp sẽ không được xuất khẩu gạo.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường