Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tiêu thụ lúa hàng hóa ở ĐBSCL - Trông chờ vào điều hành xuất khẩu gạo!
23 | 03 | 2009
Vụ lúa đông-xuân 2008-2009 đang dần khép lại. Hầu hết nông dân ĐBSCL đã thu hoạch và bán lúa hài lòng với giá lúa hiện nay (4.000 – 5.000 đồng/kg, tùy theo loại). Tuy nhiên, nỗi lo âu giá lúa “đảo chiều” vẫn ám ảnh nông dân. Trong bối cảnh đó, nông dân đặt hy vọng vào cách điều hành, chủ động đề xuất các giải pháp linh hoạt của Hiệp hội Lương thực Việt Nam để nguồn lúa, gạo không bị ứ đọng, rớt giá.

Nông dân lãi 40%

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo đóng vai trò then chốt trong tiêu thụ lúa gạo.

Đến giữa tháng 3-2009, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch khoảng 8 triệu tấn lúa. Theo TS Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt, trong tháng 3-2009, ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 900.000 tấn lúa và tháng 4 là 150.000 tấn. Với 1,54 triệu ha, vụ lúa đông-xuân 2008-2009, ĐBSCL đạt sản lượng khoảng 9,6 tấn. Lượng lúa để ăn và làm giống khoảng 3 triệu tấn, khoảng 6,6 triệu tấn lúa còn lại là lúa hàng hóa, tập trung cho xuất khẩu.

Tại Cần Thơ, nông dân đã thu hoạch khoảng 42.000ha lúa đông-xuân (đạt 47% so tổng diện tích), năng suất bình quân đạt 6,6 tấn ha. Theo Sở NN-PTNT, Sở Công thương Cần Thơ, hầu hết lúa thu hoạch được các doanh nghiệp mua hết với giá 4.100 – 5.000 đồng/kg để xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, tính toán: “Với giá lúa như hiện nay, sau khi trừ chi phí sản xuất nông dân Cần Thơ đạt mức lợi nhuận trên 40% so tổng doanh thu”.

Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mekong Cần Thơ, cho biết: Chính phủ đã triển khai gói kích cầu 1 tỷ USD (khoảng 17.000 tỷ đồng) để hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế đúng vào cao điểm làm ăn của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo. Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo không còn chịu cảnh thiếu vốn khi nông dân ĐBSCL vào cao điểm thu hoạch lúa đông-xuân như vụ trước.

Hiện nhiều doanh nghiệp tại Cần Thơ ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường 5%. Tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều thuận lợi, doanh nghiệp được cung đủ vốn để mua lúa nên chuyện thực hiện bao tiêu lúa được suôn sẻ hơn so với những năm trước đây.

Giữ giá lúa có lợi cho nông dân

Năm 2009, Việt Nam đặt ra mục tiêu xuất khẩu 4,5 - 5 triệu tấn gạo. Đến giữa tháng 3-2009, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu đến tháng 6-2009 khoảng 3,6 triệu tấn. Trong đó, 1 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2009.

Từ thực tế trên, Hiệp hội Lương thực (HHLT) Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giãn tiến độ xuất khẩu gạo. Cụ thể, HHLT chỉ cho đăng ký tiếp các hợp đồng xuất khẩu gạo có thời hạn giao hàng từ tháng 7 đến tháng 9-2009.

Ông Lê Việt Hải nhắc lại bài học từ chuyện tạm hoãn xuất khẩu gạo trong quý 2 và 3-2008. Theo ông Hải, sản xuất lúa ở nước ta theo kiểu “cài răng lược” - lúa chín quanh năm, các cơ quan chức năng không nên quá nặng nề về an ninh lương thực mà tự đánh mất cơ hội xuất khẩu gạo! Hiện tại, ĐBSCL đang có nguồn hàng hóa dồi dào và có khách hàng nhưng HHLT lại thực hiện việc giãn tiến độ xuất khẩu gạo!?

Các doanh nghiệp cho rằng, cách điều hành xuất khẩu gạo hiện nay có vấn đề: Một số doanh nghiệp thiếu năng lực thực sự (hệ thống thu mua, năng lực chế biến, kho tàng …) nhưng được phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu cao từ các hợp đồng tập trung do Chính phủ ký, còn một số doanh nghiệp có năng lực được phân bổ chỉ tiêu thấp!

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ cho biết: Có doanh nghiệp thiếu năng lực nhưng thừa chỉ tiêu xuất khẩu gạo, chỉ cần bán quota xuất 1.000 tấn gạo, là dễ dàng kiếm vài trăm triệu đồng!?

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL, HHLT Việt Nam vừa làm nhiệm vụ điều phối xuất khẩu gạo nhưng vừa trực tiếp xuất khẩu gạo thông qua các doanh nghiệp thành viên nên dễ phát sinh tiêu cực trong “phân bổ hạn ngạch” xuất khẩu gạo. Những ý kiến kiểu này đã có lác đác từ nhiều năm qua.

Mong rằng, HHLT Việt Nam cần có sự tiếp thu nghiêm túc và có cách điều hành hợp lý hơn trong xuất khẩu gạo. Theo đó, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có năng lực phát huy tối đa kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần bình ổn và giữ giá lúa luôn có lợi cho nông dân ĐBSCL.

IR 50404 sẽ khó tiêu thụ trong vụ lúa tới?

Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần thơ cho rằng: Thời gian qua, gạo thơm chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung do Chính phủ ký hàng năm cũng chỉ xuất khẩu gạo thường.

Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ và Công ty Nông nghiệp Sông Hậu ở TP Cần Thơ là nơi có cơ sở hạ tầng sản xuất lúa tốt nhất vùng ĐBSCL. Vụ đông-xuân, đất sản xuất lúa ở 2 doanh nghiệp này (hơn 10.000ha) đều gieo sạ giống lúa thơm Jasmine 85, năng suất khoảng 6,25 tấn/ha; trong khi năng suất lúa bình quân là 6,6 tấn/ha. Nông dân trồng lúa Jasmine 85 dù bán lúa với giá 5.000 đồng/kg nhưng lợi nhuận vẫn thấp hơn những hộ sản xuất lúa thường vì năng suất lên đến 7-8 tấn/ha.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho rằng, doanh nghiệp sẵn sàng mua lúa IR 50404 để chế biến gạo 15% hoặc 25% tấm để xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu nông dân tiếp tục sử dụng giống lúa IR 50404 cho vụ hè-thu tới thì sẽ khó tiêu thụ được sản phẩm!



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường