Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp vốn ngoại thao túng thị trường thực phẩm?
21 | 07 | 2011
Với sản lượng thịt lợn, gà chiếm 8% sản lượng của cả nước, Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) đã sản xuất bằng 5 tỉnh cộng lại.

Đây là cảnh báo của một số doanh nghiệp chăn nuôi trong nước tại cuộc họp do Bộ NN&PTNT mới tổ chức để bình ổn giá thực phẩm. Lo ngại này là có cơ sở bởi một doanh nghiệp chăn nuôi vốn nước ngoài đã sản xuất bằng sản lượng chăn nuôi của nông dân tại 5 tỉnh cộng lại.

Với sản lượng thịt lợn, gà chiếm 8% sản lượng của cả nước, Cty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) đã sản xuất bằng 5 tỉnh cộng lại.

Ông Lê Văn Mẽ, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty CP Chăn nuôi Phú Sơn (Đồng Nai) không ngần ngại cảnh báo: “Thị trường thực phẩm bị chi phối bởi doanh nghiệp vốn nước ngoài”. Theo ông Mẽ, tới đây họ còn nâng số đầu lợn nái lên gấp đôi thì hoàn toàn có thể điều tiết được thị trường Việt Nam.

Ông Mẽ cho rằng, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài đang trốn thuế hợp pháp bởi họ đưa thức ăn xuống trại nuôi gia công của mình nên không phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT). Người chăn nuôi chỉ được hưởng công chăm sóc, trong khi các công ty nước ngoài được lợi đủ đường từ việc bán thức ăn, heo giống, lợn xuất chuồng.

Doanh nghiệp Việt Nam tách bạch giữa đơn vị sản xuất thức ăn và người chăn nuôi nên nông dân phải chịu thuế VAT khi mua thức ăn. “Doanh nghiệp nước ngoài ngày càng lớn mạnh trong khi các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn. Chúng ta còn đưa tiền cho doanh nghiệp nước ngoài để bình ổn giá thực phẩm. Như vậy là họ được hết” - Ông Mẽ nói.

Ngoài ra, do chủ động nhập khẩu nên họ đẩy giá nhập khẩu lên để giảm lợi nhuận, tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này cũng khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam

khó giảm.

Đại diện Cty Chăn nuôi CP Việt Nam thì cho rằng, họ có đóng thuế VAT. Đại diện Cty CP cũng cho biết, họ không thu mua lợn, gà của nông dân mà là nông dân nuôi thuê cho CP. Cty sẽ trả tiền công cho nông dân theo tăng trọng lợn, tiền công tính theo từng kilôgam lợn tăng thêm.

Theo một chuyên gia nông nghiệp, với lãi suất 25- 27%, hiện nay nông dân không dám tái đàn. Chăn nuôi phải có đất cách xa khu dân cư, vì liên quan môi trường. Trong khi chính sách đất đai chưa rõ ràng, nông dân muốn chăn nuôi lớn không tiếp cận được đất.

“Với tiềm lực ngày càng lớn mạnh nhờ chính sách thuế thì họ sẽ chiếm lĩnh được thị trường, các doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi. Do vậy, Bộ NN&PTNT nên vào cuộc để kiến nghị chính sách trong chuỗi sản xuất thực phẩm, trong đó có vấn đề thuế. Với chính sách hiện nay doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài không cần gian lận thuế cũng kiếm lợi lớn”- đại diện một doanh nghiệp trong nước cho biết.

Theo Hà Nhân

Tiền Phong



Báo cáo phân tích thị trường