Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhiều doanh nghiệp sẽ bị... bán?
12 | 06 | 2008
Chính phủ và Bộ Tài chính lấy ý kiến về dự thảo Quy chế góp vốn, mua cổ phần (CP) của NĐTNN tại DNVN. Điểm đặc biệt của quy chế này là "mở toang" cánh cửa đối với khả năng sở hữu 100% CP của NĐTNN tại các loại hình DN như Cty TNHH, Cty hợp danh, Liên hiệp HTX, HTX...

Điều này mở ra hai khả năng là cơ hội hợp tác cùng phát triển, nhưng cũng là thách thức nếu NĐTNN muốn thâu tóm DN.

Cánh cửa mở rộng

Tháng 3.2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 36 về Quy chế góp vốn, mua CP của NĐTNN tại DNVN. Theo đó, NĐTNN chỉ được tham gia góp vốn, mua CP với mức không quá 30% VĐL của DN.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính thì sau 5 năm thực hiện, Quy chế này có tác dụng kiểm soát dòng tiền của NĐTNN. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh kinh tế VN bước đầu hội nhập, chưa nhiều kinh nghiệm quản lý, nhất là đối với các dòng tiền đầu tư qua các kênh khác nhau.

Tuy nhiên, quy chế này cũng hạn chế thu hút thêm vốn từ NĐTNN. Rào cản này khiến NĐTNN gặp bất lợi khi bị hạn chế về quy mô hoạt động, khó tham gia vào hoạt động kinh doanh, quản lý DN, ít có sự gắn bó lâu dài tại VN...

Tương tự, DNVN cũng khó tiếp cận nguồn tài chính theo nhu cầu, hạn chế khả năng phát triển, mở rộng DN trong thời kỳ hội nhập...

Một "sức ép" khác là khi VN gia nhập WTO, nhiều cam kết quốc tế buộc VN phải tuân thủ. Trong đó bao gồm việc mở cửa hội nhập, hoàn thiện khung chính sách... Đây là nguyên nhân chính mà quy chế cần phải sửa đổi để khơi thông nguồn vốn, hợp tác, tận dụng khả năng tài chính, năng lực quản trị của NĐTNN để cùng phát triển.
 
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Với việc cho mua CP không hạn chế đối với nhiều loại hình DN, đây là bước đột phá, nhất là vào hệ thống các DN vừa và nhỏ vốn nhỏ bé về quy mô, nguồn vốn, yếu kém trong kỹ năng quản trị. Từ đó mở rộng cánh cửa cho NĐTNN vào VN làm ăn.

"Nhận mặt" thách thức


Tuy nhiên trong khi những thuận lợi trên là "tiềm năng" thì thách thức là rất lớn. Nếu việc "mở cửa" như trên dừng lại ở sự hợp tác thì DNVN thuận lợi trong việc có được quy mô vốn lớn, kỹ năng quản trị DN cũng như ứng dụng kinh nghiệm từ NĐTNN.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội cho DNVN có những "bước đệm" để thâm nhập thị trường khác hay tham gia vào dây chuyền sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mà NĐTNN đã có hoặc được tạo ra qua khả năng liên kết.

Tuy nhiên, trong trường hợp DNVN bị "mua đứt" hay thao túng thì cơ hội cạnh tranh cho DNVN là rất khó. Cũng có ý kiến cho rằng về mặt nào đó, khi NĐTNN "mua đứt" DNVN thì kinh tế VN vẫn có lợi khi mà DN này vẫn hoạt động tại VN, đóng góp và chia sẻ lợi ích nhất định cho VN.

Thế nhưng, lo ngại vẫn lớn hơn cả. Có không ít băn khoăn khi cho rằng nếu cơn bão "mua đứt" hoặc thao túng DN xảy ra thì VN sẽ chỉ là địa điểm kinh doanh, tiêu thụ chính sản phẩm nội địa đã được "nước ngoài hoá" trong khi phần lớn lợi nhuận sẽ chảy vào NĐTNN.

Đặc biệt, lo ngại rất gần và thực tế là trong bối cảnh kinh tế VN, TTCK giảm sút, Quy chế này chẳng khác nào tạo cơ hội cho NĐTNN mua và thao túng DN với giá rẻ.
 
Ông Lê Anh Tuấn (NĐT) nói: Việc nới quyền cho NĐTNN vào thời điểm này là rất nhạy cảm. Với giá cổ phiếu sụt giảm, DN khó khăn thì dễ dẫn tới việc NĐTNN thoả sức tung tiền để gom CP, mua và thao túng DN, nhất là đối với DN vừa và nhỏ vốn đang yếu thế trên TTCK cũng như trong cơn bão lạm phát.

Đồng thuận quan điểm này, một NĐT khác nhận định: Nếu Quy chế này sớm có hiệu lực thì đây sẽ là thời cơ vàng cho NĐTNN ôm trọn số CP tiềm năng, qua đó thôn tính DNVN.



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường