Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Có thực sự ngân hàng và doanh nghiệp đều bị lỗ?
06 | 06 | 2008
Doanh nghiệp kêu khổ vì lãi suất tín dụng, còn ngân hàng than thở về lãi suất huy động. Còn các chuyên gia thì cho rằng nhiều khi nhân khó khăn, các đơn vị kinh doanh lại tranh thủ kêu ca.

Tất cả đều kêu lỗ, kêu khổ!

Một chủ DN chế biến nước chấm ở quận 6, TP.HCM, cho biết ông dự định vay ngân hàng 5 tỷ đồng mở mang cơ xưởng. Tuy nhiên sau khi lãi suất tín dụng của ngân hàng lên quá cao, ông đã dừng việc đầu tư lại.

Hầu như tất cả các DN đều kêu ca, cho rằng với mức lãi suất ngân hàng 18%, cộng với các khoản phí, đã lên tới 25%. DN làm ăn có lãi đến 30% là cao. Như vậy sau khi trả lãi ngân hàng chẳng còn gì đáng kể.

Trong khi đó, các ngân hàng cũng cho rằng không còn lời lãi. “Ngân hàng huy động vào 15-16%, phải gánh cho khoản bảo hiểm tiền gửi, dự trữ bắt buộc… nên cho vay 18% chắc chắn là lỗ. Vì vậy khoản phí thu thêm từ khách hàng nhằm bù đắp vào những khoản mà trước kia trả từ khoản lãi từ chênh lệch lãi suất” - TGĐ một ngân hàng có lãi suất thuộc tốp cao cho biết.
 

Doanh nghiệp có thực sự lỗ?

Tuy nhiên theo khá nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, nguyên tắc phải so sánh chi phí lãi vay với giá vốn hàng bán, chứ không thể so sánh với lợi nhuận của DN.

Lấy ví dụ như Công ty cổ phần Đường Biên Hòa, theo báo cáo tài chính 2007 thì tỉ lệ chi phí tài chính trên giá vốn hàng bán chỉ là 4,02%. Cứ cho rằng năm 2007 lãi suất vay là 12-13%/năm, và cơ cấu vốn vay trên vốn chủ sở hữu năm nay không thay đổi thì năm 2008 về lý thuyết chi phí tài chính chỉ tăng lên 4,02% nữa. Với mức tăng lên này, các chuyên gia cho rằng không phải là chi phí quá lớn.

Có những đơn vị như Công ty Nông dược 2, tỷ lệ chi phí lãi vay trên giá vốn hàng bán chỉ là 1,78%. Nếu năm 2008 lãi suất tín dụng tăng gấp đôi thì về lý thuyết, chi phí tài chính chỉ tăng lên 1,78% nữa trong giá thành sản phẩm.

Các chuyên gia cho rằng không thể làm phép trừ giữa lợi nhuận từ SXKD và lãi vay ngân hàng để cho rằng không có lãi. Lấy ví dụ bài toán giả sử DN có cơ cấu vốn tự có 50 triệu đồng, vốn vay ngân hàng 50 triệu đồng, lợi nhuận trước lãi và thuế trong năm là 30 triệu đồng, lãi suất vay ngân hàng là 25% (bao gồm cả các loại phí). Vậy DN chỉ trả lãi ngân hàng là 12,5 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí lãi vay, lợi nhuận trước thuế của DN sẽ là 17,75 triệu đồng chứ không phải là 5 triệu đồng.

Trừ tiếp đi thuế thu nhập DN 28% là 4,9 triệu đồng, khoản lãi còn lại của DN là 12,6 triệu đồng. Như vậy tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu là 25,2%. Tỷ lệ lợi nhuận này không phải là nhỏ.

Ngân hàng kêu lỗ là phi lý!

Cũng có ý kiến cho rằng ngân hàng kêu lãi suất huy động đến 16% như hiện nay bị lỗ là chưa chắc đã là trung thực. “Còn nhiều khoản ngân hàng huy động với chi phí thấp nhưng đã không đưa ra” - một chuyên gia tài chính ngân hàng nói.

Theo đó, mức huy động 16% hiện nay mà ngân hàng đưa ra để “kêu” chỉ là mức cao nhất, trong khi đó trong ngân hàng còn có các khoản huy động với chi phí rất thấp, như tiền gửi thanh toán, tiền gửi tài khoản ATM có mức lãi suất không kỳ hạn... Đó là chưa kể có những khoản như tiền chuyển giữa các khách hàng, chênh lệch giữa thời điểm gửi và nhận cũng là khoảng thời gian ngân hàng được giữ tiền mà không trả lãi.

“Về nguyên tắc tính vốn là phải tính chi phí bình quân, chứ không thể đưa ra mức cao nhất rồi kêu ca là đắt đỏ” - chuyên gia này nói.

Thời điểm thanh lọc

Theo các chuyên gia, vì vậy, nếu DN và ngân hàng cứ nói rằng SXKD không có lãi nữa, bị thua lỗ, là thông tin chưa chắc đúng. “Nó chỉ đúng trong trường hợp DN và ngân hàng kinh doanh kém hiệu quả” - một chuyên gia nói.

Ông nói rằng hình như các DN và ngân hàng tranh thủ kêu được gì thì kêu, chứ thực tế không chắc là quá đỗi khó khăn.

“Dĩ nhiên là DN và ngân hàng có khó khăn hơn trước đây. Nhưng trong bối cảnh cả nước khó khăn, mỗi người phải ghé vào vào gánh bớt một chút, chia sẻ với nhau. Không nên nhân cơ hội để kêu ca đòi thêm cái này cái khác” - tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa QTKD trường ĐHNH TP.HCM, nói..

Tiến sĩ Dương nói rằng đây là lúc DN làm ăn tốt hay kém đều sẽ phải bộc lộ, và đây là thời điểm để thanh lọc.

“DN nào, kể cả ngân hàng, làm ăn kém thì phải giải thể, để thị trường còn lại những người đủ khả năng. Đó là điều cũng rất cần thiết”.



Đặng Vỹ - VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường