Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp bỏ hàng
05 | 06 | 2008
Ngày 3.6, đoàn công tác Bộ Công Thương, Cục Hàng hải do ông Hoàng Tất Thắng - Cục phó Cục Hàng hải - chủ trì đã có buổi làm việc với Cty Tân Cảng Sài Gòn tại cảng Cát Lái - Q.2 liên quan đến tình trạng hàng hoá bị dồn ứ tại cảng.
Hàng nhập khẩu tăng 45,8%
Báo cáo của Cty Tân Cảng tại buổi làm việc với đoàn cho thấy, từ đầu năm đến nay, số lượng hàng hoá xuất - nhập qua cảng tăng vọt, đặc biệt là hàng nhập khẩu (NK) tăng chóng mặt. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm, số lượng hàng NK về cảng tăng 45,6% so với cùng kỳ, trong khi đó hàng xuất khẩu (XK) chỉ tăng nhẹ khoảng 6,8%. Số lượng hàng hoá nhập về tăng cao, trong khi năng lực kho bãi có giới hạn cùng với việc các DN chậm giải phóng hàng đã dẫn đến dồn ứ tại cảng.

Theo ghi nhận của PV Lao Động, khuôn viên Tân Cảng tại Cát Lái rộng vài chục hécta chất đầy ắp container hàng cao 2-3 tầng. Chưa hết, các depot dọc đường vào khu cảng cũng chất đầy container lấn sát ra cả đường. Trung tá Trần Khánh Hoàng - Trưởng phòng Marketing - Đối ngoại Cty Tân Cảng Sài Gòn - cho biết, tại khu vực cảng Cát Lái hiện luôn có khoảng 19.000 TEU hàng hoá (cùng kỳ năm 2007 chỉ khoảng 10.000 TEU), trong đó, có 5.700 TEU tồn hơn 15 ngày.

Các mặt hàng tồn chủ yếu tại cảng gồm: Thép thành phẩm, bán thành phẩm, thức ăn gia súc, giấy, vải, nhựa... Theo tính toán sơ bộ, có khoảng 50 DN có từ 10 container hàng đang bị dồn ứ tại cảng, trong đó nhiều nhất là DN Thép Việt tồn khoảng 500 container thép phế liệu.

Giải phóng hàng chậm
Trả lời câu hỏi của Cục phó Cục Hàng hải Hoàng Tất Thắng "vì sao tình trạng hàng lưu kho kéo dài?", trung tá Trần Khánh Hoàng cho rằng, xuất phát từ một số nguyên nhân như: Các DN không có kho bãi chứa hàng chấp nhận lưu kho tại cảng; DN thiếu vốn để giải phóng hàng do việc vay vốn không thuận lợi cộng với lãi suất cho vay khá cao; sức tiêu thụ một số mặt hàng giảm khiến việc sản xuất của một số DN bị chựng lại... Trung tá Trần Khánh Hoàng còn cho biết thêm, đã làm việc với đơn vị Thép Việt về việc giải phóng 500 container thép phế liệu đang lưu tại cảng, nhưng phía DN cho hay hiện không có kho bãi và chỉ tiêu thụ được khoảng 20 container/tháng, nên đành chấp nhận chịu phí lưu bãi tại cảng.

Một nguyên nhân khác do đường liên tỉnh 25 dẫn từ xa lộ Hà Nội vào cảng (dài 7,2km) hiện chỉ 2 làn xe, trong khi mật độ xe ra vào cảng nhận trả hàng tăng cao thường xuyên bị ách tắc cũng làm cho việc giải phóng hàng hoá bị chậm. Với những khó khăn như đề cập trên, theo dự báo từ đây đến cuối năm sẽ có nhiều DN bỏ hàng, vì vậy Cty Tân Cảng đề nghị các cơ quan chức năng cần có những cải tiến về thời gian làm thủ tục thanh lý nhanh những lô hàng mà chủ hàng bỏ hoặc hàng vi phạm nhằm giải phóng mặt bằng...

Về giải pháp trước mắt giải phóng hàng tại cảng Cát Lái để tiếp nhận hàng mới, Cty Tân Cảng Sài Gòn đang chuyển hầu hết những container rỗng từ cảng Cát Lái và Tân Cảng ra các depot bên ngoài, đồng thời vận chuyển những hàng lưu kho khá lâu về khu vực Tân Cảng (rộng khoảng 40ha nằm tại Q.Bình Thạnh). Thêm vào đó, Cty đề nghị các cơ quan chức năng cũng như thành phố tạo điều kiện để thuê mặt bằng làm kho bãi chứa hàng.

Tại buổi làm việc với đoàn, Cty Tân Cảng cũng đề nghị thành phố và Chính phủ hỗ trợ tín dụng cho các DN có hàng đang bị dồn ứ tại các cảng TPHCM sớm giải phóng hàng hoá. Cục phó Cục Hàng hải Hoàng Tất Thắng yêu cầu Cty Tân Cảng phối hợp với các cơ quan liên quan gấp rút giải phóng hàng hoá. Còn những kiến nghị của Cty Tân Cảng, do nằm ngoài khả năng giải quyết ngay của đoàn, nên đoàn sẽ báo cáo với lãnh đạo các Bộ GTVT, Bộ Công Thương xem xét kiến nghị với Chính phủ.



Nguồn: Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường