Tại cuộc hội thảo với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình Sao Vàng Đất Việt hôm 1-9 ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm kém thuận lợi như hiện tại cũng là cơ hội để doanh nghiệp tăng khả năng thích ứng, thúc đẩy nghiên cứu và quản trị rủi ro. Kế sách được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn là hạ kế hoạch tăng trưởng năm, chấp nhận mức doanh thu và lợi nhuận thấp hơn mục tiêu ban đầu.
Ông Phí Đức Lực, Giám đốc Công ty thương mại Việt Long cho hay, công ty này đã giảm chỉ tiêu doanh thu gần 30%, từ 500 tỉ đồng cho cả năm 2008 xuống 350 tỉ đồng. Chi phí cho doanh nghiệp cũng được giảm đến mức có thể. Theo ông Lực, với doanh nghiệp kinh doanh hàng điện tử thì không thể thu hẹp mặt bằng bán hàng hay giảm nguồn chiếu sáng, nhưng những nhân sự không thực sự cần thiết đều được cắt giảm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Nam, Tổng giám đốc Công ty Robot cho biết, công ty ông đặt mục tiêu giữ vững thị phần và chú trọng vào các mặt hàng có thế mạnh. Khác với lãnh đạo công ty Việt Long, vị giám đốc này chú trọng đến việc giữ cho nguồn nhân lực của công ty không bị xáo trộn, nhất là những nhân viên đã gắn bó lâu năm với công ty.
Ông Nam nhìn nhận những tháng đầu năm thực sự là “họa vô đơn chí” với nhiều doanh nghiệp, khi rơi vào khủng hoảng nhân lực, sau đó là giá cả và lãi suất ngân hàng gia tăng. Ông kể, nhân viên gắn bó từ trước với Robot vẫn ổn định, nhưng những lao động mới thì rời bỏ khá nhiều nên doanh nghiệp phải chủ động hỗ trợ nhân viên trước, để tránh việc họ bị xáo động, dù lợi nhuận của công ty bị ảnh hưởng. “Việc hỗ trợ thêm cho nhân viên khi giá cả đắt đỏ trước sau gì mình cũng làm, cho nên chủ động thực hiện trước thì người ta sẽ yên tâm làm việc hơn”, ông Nam giải thích.
Lãnh đạo các doanh nghiệp này đều yêu cầu cắt giảm chi phí, song không hoàn toàn loại bỏ những khoản đầu tư cần thiết.
Hai ông Phí Đức Lực và Nguyễn Phương Nam đều khẳng định việc duy trì quảng bá thương hiệu nhằm tạo ấn tượng với khách hàng.
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, doanh nghiệp nào có khả năng thích ứng thì mới tồn tại trong thời điểm hiện nay.
“Cách đây vài ngày, chính tôi phải ký sáp nhập công ty nơi tôi khởi nghiệp vào Tập đoàn Dầu khí (PVN). Đó từng là một doanh nghiệp rất mạnh, nhưng khi sáp nhập, nó không được làm công ty “con”, mà chỉ là đơn vị thành viên của Công ty Điện lực Dầu khí, tức làm “cháu” của PVN. Những doanh nghiệp nào không thích ứng được thì mạnh đến mấy cũng chết”, ông Tú chia sẻ.
Theo ông Tú, nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt hơn hiện nay, thì sẽ còn bị ảnh hưởng rất nhiều, do cam kết WTO vẫn còn cả lộ trình phía trước và Việt Nam còn hội nhập sâu hơn.
Chủ tịch Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), Kiều Hữu Dũng, cho rằng, sau thời gian thăng hoa thời kỳ hậu gia nhập WTO, nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp đối mặt với thời điểm khắc nghiệt. Nhiều doanh nghiệp thậm chí có nguy cơ khủng hoảng, phá sản. Mặt khác, diễn biến của thị trường thế giới trở nên phức tạp, khó dự báo đã làm cho các doanh nghiệp trở nên bị động và dễ bị tổn thương hơn.
“Nếu như trước kia, các thay đổi trên thị trường quốc tế diễn ra theo chu kỳ, hay ít nhất là có thời gian ngắt quãng, thì ngày nay biến đổi nhanh chóng và liên tục. Vì thế từ chiến lược, sách lược phát triển, cơ cấu tổ chức đến hoạt động của doanh nghiệp phải có sự linh hoạt hơn để thích ứng”, ông Dũng nói.
Ông Dũng nhận định, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định trở lại trong năm 2009, song tăng trưởng GDP trong 2 quí sau của năm nay và cả năm 2009 sẽ giảm sút. Một loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn, và khả năng phát triển được hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào tín dụng ngân hàng.
Ông cho rằng, từng doanh nghiệp cần tăng cường khả năng linh hoạt để thích ứng, cũng như đổi mới và quản trị rủi ro rốt hơn. Muốn vậy, các công ty không thể đầu tư dàn trải, mà chỉ nên tập trung vào ngành kinh doanh chính và các thế mạnh của mình. Doanh nghiệp lớn cũng cần có bộ phận nghiên cứu thị trường riêng để xem xét kinh tế vĩ mô và quốc tế nhằm nhìn nhận tốt hơn về diễn biến của môi trường kinh doanh.