Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp xuất khẩu “đói” vốn
27 | 08 | 2008
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương, có nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp nhiều ngành hàng lại đang lo thiếu vốn do không tiếp cận được vốn ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Báo cáo của Bộ Công thương cho thấy, đối với hàng xuất khẩu, các mặt hàng đều tăng kim ngạch cao trên 15% so với cùng kỳ năm ngoái, như dầu thô đạt gần 6,9 tỷ USD, dệt may đạt 5,3 tỷ USD, giày dép 2,8 tỷ USD, hải sản 2,5 tỷ USD, đặc biệt là gạo tăng tới 103%, đạt trên 2 tỷ USD. Xuất khẩu tăng cũng kéo theo nhập khẩu tăng, do nhiều nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu phụ thuộc vào thế giới. Trong đó phải kể đến máy móc thiết bị phụ tùng lên tới gần 8,7 tỷ USD, xăng dầu 8,25 tỷ USD, sắt thép 5,15 tỷ USD, nguyên phụ liệu dệt may, da giày gần 5 tỷ USD, với tốc độ như hiện nay, Bộ Công thương dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 68 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng khoảng 88 tỷ USD. Như vậy nhập siêu cả năm khó dưới mức 20 tỷ USD. Có hai nhóm mặt hàng giảm kim ngạch xuất khẩu tính đến 10/8 vừa qua là lạc nhân và sản phẩm mây tre đan, thảm dệt, cói.

Hiệp hội Điều Việt Nam và một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cà phê cho biết cũng đang lâm vào tình trạng thiếu vốn. Ông Phạm Ngọc Mỹ, Giám đốc Nhà máy MED Coffee Việt Nam- Tây Nguyên than thở, nhiều tháng nay DN cà phê trong nước bị “đóng van” tài chính, nên gặp khó khăn. Một số công ty tư nhân bị thua lỗ. Một hai năm trước vẫn cầm cự được nhờ vay được vốn ngân hàng, nhưng nay không vay được vốn nên thua lỗ không ít.

Bên cạnh khó khăn về vốn cần được tháo gỡ, nhiều DN sản xuất hàng xuất khẩu quy mô nhỏ, đặc biệt khu vực nông thôn, còn gặp thêm khó khăn là không xuất khẩu trực tiếp. Việc xuất khẩu qua trung gian khiến lợi nhuận sụt giảm. Muốn xuất khẩu trực tiếp thì lại gặp khó khăn về ngoại ngữ trong việc xúc tiến xuất khẩu. Vấn đề nữa là các DN phải lưu ý trong ký kết hợp đồng. Nhiều DN xuất khẩu điều đã từng bị đối tác cảnh báo kiện nếu không giao hàng đúng hạn. Lý do là các DN điều không có đủ nguyên liệu mà vẫn ký hợp đồng xuất khẩu nên đến hạn giao hàng mà không có đủ hàng giao trả đối tác.

Nếu xét theo ngành hàng, có một số mặt hàng cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để đạt kế hoạch xuất khẩu cả năm. Thứ nhất là dầu thô, mục tiêu xuất khẩu 15 triệu tấn cả năm, nhưng hiện đã gần 8 tháng mà mới đạt khoảng một nửa kế hoạch. Thứ hai là sản phẩm gỗ, tính đến nay mới đạt già nửa kế hoạch so với mục tiêu 3 tỷ USD xuất khẩu cả năm. Nguyên nhân là hai khách hàng lớn gồm Nhật Bản và EU giảm nhập khẩu, trong khi giá nguyên liệu gỗ nhập khẩu lại tăng. Nếu giữ nguyên tiến độ của 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ sẽ chỉ đạt 2,8 tỷ USD. Thứ ba là mặt hàng gạo, tuy có giá xuất khẩu khá cao, nhưng hiện thấp hơn nhiều so với mặt hàng cùng loại của Thái Lan. Gạo 5% tấm của nước ta thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan đến 140USD/tấn, mức chênh lệch lớn nhất từ trước đến nay. Đây là vấn đề cần được điều chỉnh từ nay đến cuối năm. Thứ tư là mặt hàng thủy sản, trong hai tháng tới sẽ tiếp tục giữ được sự ổn định so với quý II, nhưng sau đó các DN sẽ gặp khó khăn về nguyên liệu, do các hộ nuôi cá tra, ba sa và tôm vừa bị thua lỗ lớn.

Về nhập khẩu, điểm đáng lưu ý lớn nhất là nhiều mặt hàng xuất khẩu phụ thuộc vào nguyên liệu từ thế giới, do đó xuất khẩu tăng cũng đồng nghĩa với nhập khẩu tăng. Cụ thể là các mặt hàng thủy sản, gỗ, dệt may, da giày… đều là những mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, nhưng nguyên liệu đều phải nhập khẩu với tỷ trọng lớn từ bên ngoài. Tiếp đó nhiều mặt hàng quan trọng vẫn phải nhập khẩu là phân bón, phôi thép, máy móc thiết bị phụ tùng, xăng dầu, hàng điện tử tiêu dùng đang có kim ngạch nhập khẩu rất lớn. Mặt hàng máy móc thiết bị phụ tùng đang tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu mở rộng sản xuất trong nước, và sẽ tiếp diễn đến năm 2009 và 2010. Tới nay kim ngạch mặt hàng này đã là 8,7 tỷ USD và cả năm ước đạt 14 tỷ USD, tăng gần 26% so với năm ngoái. Trong khi đó, mặt hàng dầu mỏ thế giới đang diễn biến bất thường, khó dự báo. Vì vậy khả năng kim ngạch nhập khẩu xăng vẫn lớn, cả năm khoảng 13 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu sắt thép cả năm cũng khoảng 7 tỷ USD, phân bón là 1,9 tỷ USD. Đặc biệt xu hướng nhập khẩu hàng điện tử tiêu dùng như đầu kỹ thuật số, máy tính nguyên chiếc, điện thoại di động, ti vi … dự báo sẽ tăng đến cuối năm.

Từ nay đến cuối năm, những tín hiệu vui đối với xuất khẩu là cao su đang được giá tiếp theo xu hướng tăng của tháng 7, và kim ngạch cả năm dự kiến đạt 1,7 tỷ USD, cao hơn kế hoạch. Tới cuối tháng 10, cà phê được dự đoán sẽ bội thu, lượng xuất khẩu cả năm sẽ khoảng 1 triệu tấn. Ngoài ra nhiều mặt hàng nhập khẩu lớn như ô tô và linh kiện ô tô dưới 12 chỗ đã chững lại. Giá gạo thế giới, giá phân bón nhập khẩu cũng có xu hướng giảm, góp phần kiềm chế lạm phát và giảm nhập siêu.



Vũ Dũng- Tiến Đức (VOVNews)
Báo cáo phân tích thị trường