Mặc dù nền kinh tế VN đang đứng trước thời kỳ đầy thử thách, cộng đồng DN và các nhà tài trợ vẫn bày tỏ tin tưởng vào sự hồi phục của "ngôi sao đang lên" này.
Tại diễn đàn, ông Martin Rama - quyền giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN và là chuyên gia kinh tế trưởng của WB - nhắc lại rằng tuy lạm phát là vấn đề lớn không thể một sớm một chiều giải quyết được, nhưng nhìn chung VN vẫn duy trì được các chỉ số cơ bản tốt như chỉ số về lực lượng lao động. "Trong sáu tháng qua, chúng ta không nên quên rằng VN vẫn là nước như thế. Trong bối cảnh chung của thế giới, chúng ta nên chú ý vào các chỉ số cụ thể chứ không chỉ là lạm phát tổng thể", ông Martin Rama phát biểu trong diễn văn khai mạc diễn đàn.
Tạo niềm tin cho nhà đầu tư
Giám đốc quốc gia của Tổ chức Tài chính quốc tế tại VN Sin Foong Wong nói rằng lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cam kết tiếp tục tăng trong năm tháng qua chứng tỏ nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào viễn cảnh phát triển kinh tế của VN. Điều quan trọng bây giờ, theo ông Sin, là "DN và Chính phủ cùng đẩy mạnh quan hệ đối tác" để vượt qua thời kỳ thử thách này. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh rằng Chính phủ đã đưa ra giải pháp cả gói để thực hiện chủ trương chống lạm phát và mong muốn cộng đồng DN và các nhà tài trợ "có phát biểu khách quan, trung thực, xây dựng để cùng Chính phủ vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế VN".
Bên cạnh việc tin tưởng vào hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô, giới DN công nhận có nhiều cải cách để thuận lợi hóa môi trường kinh doanh và đầu tư mà VN đã thực hiện trong thời gian qua. Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại VN, ông Alain Cany, hoan nghênh việc dỡ bỏ qui định bắt buộc sử dụng một nhà phân phối duy nhất và qui định giới hạn tỉ lệ lao động nước ngoài 3% trong một DN.
"Một quyết định đã được cộng đồng DN chờ đợi từ lâu mà chúng tôi cho rằng điều này sẽ thúc đẩy đáng kể sự phát triển cho cả DN trong và ngoài nước", ông Cany bình luận. Còn các DN Mỹ vẫn xem VN là điểm thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài, theo nhận định của chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại VN Michael Pease. Ông Pease cho rằng việc giải quyết các vấn đề hiện nay "theo cách có tham vấn ý kiến và tiến hành đúng lúc sẽ góp phần tạo thêm niềm tin cho nhà đầu tư”.
Chung tay vượt qua thử thách
Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng khẳng định những biến động kinh tế thời gian vừa qua đã có ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới các DN. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Trương Trọng Nghĩa - giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM - cho biết các DN trong nước nhìn chung gặp rất nhiều khó khăn, nhưng vẫn có đường ra nếu Nhà nước có chính sách đặc biệt ưu tiên cho xuất khẩu.
Ông Nghĩa cho rằng quan trọng là phải áp dụng ngay, triệt để những giải pháp có hiệu quả tức thời thì mới tránh được sự suy yếu tiếp theo từ đây đến cuối năm. Trong khi đó, ông Alain Cany nói mặc dù ưu tiên chống lạm phát là đúng đắn, nhưng Chính phủ không nên quên chú trọng vào các vấn đề then chốt khác như cổ phần hóa DN nhà nước, cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thuế... Một vấn đề quan ngại khác do đại diện AmCham đưa ra là vấn đề đình công trái luật tăng bất thường.
Theo ông Michael Pease, dù những lo ngại về giá lương thực thực phẩm của công nhân là chính đáng nhưng cần giải quyết bằng phương thức hợp pháp và có tính xây dựng hơn là đình công trái luật. Ông Cany cũng chia sẻ sự lo lắng của giới công nhân về lạm phát, nhưng mong muốn các cơ quan chức năng nỗ lực hơn để giúp công nhân hiểu và tôn trọng các thủ tục về đình công theo Luật lao động.
Thêm vào đó, những trở ngại về chi phí sản xuất, tuyển dụng cán bộ quản lý và kỹ thuật, thủ tục hải quan phức tạp, cơ sở hạ tầng kém phát triển, thủ tục hành chính phiền nhiễu... đã khiến các nhà đầu tư Nhật Bản tại VN hiện nay tỏ ra không hài lòng với môi trường kinh doanh tại VN như trước kia, theo một báo cáo do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện công bố tại diễn đàn.
Tỉ lệ hài lòng giảm từ 75,4% năm 2006 (đứng đầu ASEAN) xuống còn 41,7% năm 2007 (đứng thứ năm trong sáu nước ASEAN được điều tra), đặc biệt do VN kém hơn về khả năng mua phụ tùng trong nước và cơ sở hạ tầng yếu kém. Mặc dù vậy, chỉ riêng VN và Ấn Độ là hai nước ở châu Á mà các DN Nhật Bản (trong cuộc điều tra) không có ý định thu hẹp qui mô kinh doanh hay chuyển đi nơi khác.
"Quan trọng là phải trao đổi ý kiến rõ ràng để không có sự hiểu nhầm rằng VN không còn như sáu tháng trước đây - ông Martin Rama nói - Chúng ta cần nhìn vào các sự kiện một cách tỉnh táo và rõ ràng". Còn theo ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, niềm tin của nhà đầu tư sẽ được khôi phục khi họ nhìn thấy hướng ra sáng sủa cho tình hình đầu tư của mình. "Để lấy lại lòng tin thì cần chung tay các bộ, ngành, Chính phủ, DN... cùng quan tâm", ông Bằng nói.