Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp tìm tín dụng không qua ngân hàng
28 | 05 | 2008
Doanh nghiệp hiện nay khó trông cậy vào “kho tiền” của các ngân hàng. Dù họ chấp nhận lãi suất cho vay cao, ngân hàng cũng không đủ nguồn để cho vay. Nhiều nơi đang xoay xở bằng những nguồn lực tài chính khác để tự cứu…

Bài toán huy động đầu vào đang là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết các ngân hàng, nên việc xử lý đầu ra, họ vẫn tiếp tục ậm ừ như cách đây vài tháng. Cho dù lãi suất trần được quy định là 18%/năm, nhưng phần lớn các ngân hàng đều chỉ chấp nhận cho vay nếu khách hàng đồng ý trả thêm các khoản phí này nọ để tổng cộng khoản lãi vay sẽ lên đến 21%/năm.

Xoay tiền ở đâu?

Chị Lê Thị Tố Quỳnh, chủ một doanh nghiệp ở quận Tân Bình sau khi đi mòn gót ở các ngân hàng thì quyết định quay sang… gọi điện cho những người thân xung quanh mình: “Đang cần tiền để nhập một lô sắt rất gấp, có dư bao nhiêu thì cho mượn hết, lời lãi thì chia nhau mà sống, chứ không có thì chắc… thất nghiệp”.

Bạn bè chị, ai cũng có ít tiền nhàn rỗi, thế là người năm chục, kẻ vài trăm, gom góp một hồi, Tố Quỳnh cũng đủ tiền, mà tránh được những hạch sách khó khăn của ngân hàng cũng như những cái lắc đầu chán nản mà chị thường xuyên nhận được.

“Tiền chảy hết ra khỏi chứng khoán, đông cứng trong bất động sản và chẳng có trong ngân hàng, thì mình phải đi tìm những nguồn từ gia đình, bạn bè hoặc đối tác của mình”, Tố Quỳnh nói.

Cái khó ló... giải pháp

Trong bối cảnh ngân hàng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường vốn thì chính thị trường đã tự điều chỉnh: nguồn vốn đi trực tiếp từ các nguồn tiền nhàn rỗi đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trả lãi cho người có tiền cao hơn lãi suất gửi vào ngân hàng, nhưng mức lãi phải trả vẫn thấp hơn so với vay ngân hàng. Cái cách nghĩ tưởng chừng hết sức rủi ro này lại đang được áp dụng hiện nay.

Chưa bao giờ, chữ tín đối với doanh nghiệp và đối tác lại được tận dụng một cách triệt để như bây giờ. Người ta phải tin nhau, tin vào sự thắng lợi của những dự án mà mình có tham dự phần cung cấp vốn và được hưởng một phần lợi nhuận từ nó như một cách cứu tình trạng “không muốn làm ăn” của doanh nghiệp mà GS.TS. Trần Ngọc Thơ cảnh báo.

Để thực hiện một dự án căn hộ, công ty bất động sản V. đã chọn cách ký hợp đồng vay tiền của nhiều khách hàng với lãi suất bằng lãi suất huy động của ngân hàng. Đổi lại, khách hàng được hứa bán căn hộ. Một cách làm theo kiểu đôi bên cùng có lợi. Phía công ty V. xem như được vay với lãi suất thấp hơn ngân hàng. Tổng giám đốc một doanh nghiệp địa ốc đang chuẩn bị dự án tại Q.7 nói rằng, ông cần khoảng 258 tỉ đồng để làm dự án nhưng chạy vay mãi mới có 30 tỉ, giờ cần khoảng 80 tỉ nữa để khởi công giai đoạn 1 và chờ đến khi có nguồn vốn mới. Nếu 80 tỉ này vay của khách hàng, hàng tháng chỉ trả lãi 800 triệu nhưng vay ngân hàng thì ít nhất cũng phải trả từ 1,2 tỉ trở lên.

Song song đó, còn có cách huy động từ đối tác, khách hàng, như cách mà một công ty kinh doanh ô tô nhờ khách tạm ứng trước để nhập hàng hoặc một công ty máy tính cũng được khách mối của mình đồng ý trả tiền trước nhận hàng sau. Một vài doanh nghiệp như Maseco thì chọn giải pháp người nhà bằng cách… huy động vốn từ tập thể cán bộ công nhân viên trong doanh nghiệp. Ông Đoàn Đình Quốc, chủ thương hiệu DQ glass thì vẫn tính toán việc huy động vốn từ nguồn lương được thấu chi của cán bộ trong doanh nghiệp. Một hình thức khác là việc thực hiện cuốn chiếu các dự án, làm tới đâu bán hết tới đó nhằm tạo tính thanh khoản cho các dự án.

Nhiều doanh nghiệp lớn chọn giải pháp phát hành trái phiếu – nói như bà Lê Thu Hương, phó tổng giám đốc ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội Habubank – đây đang là một giải pháp phù hợp để tăng vốn cho doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này.



Theo Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường